Thứ sáu, 22/11/2024 13:13 GMT+7
Thứ sáu, 16/09/2016 09:06 GMT+7

Xử lý vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền theo Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN

Nguyễn Như Quỳnh

Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN

 

 

Nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ, 2 Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN. Bài viết đề cập đến trình tự, thủ tục thay đổi tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, đồng thời nêu ra một số vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai áp dụng Thông tư này.

 

Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, những vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ trên Internet, vi phạm liên quan đến tên miền ngày càng nhiều và phức tạp. Những vi phạm này thể hiện dưới 2 dạng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Internet và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền. Những tên miền như “thebodyshop.com.vn”, “hitachivietnhat.com.vn”, “anz.com.vn”, “herbalife-vn.com.vn”, “european-shop-ikea.vn”, “kissy.com.vn”, “raphlauren.vn”, “raphlauren.com.vn”, “kangaroo.net.vn”, “aigvietnam.vn”, “sony.vn”, “cathaypacific.com.vn”, “amway2u.vn”, “bkav.vn”, “bmwmotorrad.com.vn”, “panasonicvietnam.com.vn”… trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang được bảo hộ. Các tên miền này đã bị các tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu các nhãn hiệu tương ứng (và cũng không được các chủ thể này cho phép) đăng ký, chiếm giữ, sử dụng.

 

Những vi phạm nêu trên có thể được xử lý bằng biện pháp hành chính, biện pháp tư pháp hoặc trọng tài. Cơ sở pháp lý để xử lý hành chính đối với tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ về cơ bản đã được thiết lập. Trong đó, phải kể đến các quy định pháp luật hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 130), Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Điều 11, Điều 14) và Thông tư 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP (Điều 10, Điều 19). Tuy nhiên, trong thời gian qua, do còn một số vướng mắc, những vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền chưa được xử lý triệt để, hầu hết các trường hợp tên miền vi phạm chưa bị thu hồi theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP và Thông tư 11/2015/TT-BKHCN. 

 

Nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ, 2 Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ (viết tắt là Thông tư số 14) vào ngày 8/6/2016 (có hiệu lực từ ngày 25/7/2016).

 

Thông tư liên tịch số 14 quy định về các biện pháp xử lý tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bao gồm: biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi thông tin tên miền “.vn”, biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền “.vn”, biện pháp thu hồi tên miền “.vn”; trình tự, thủ tục thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền và thu hồi tên miền “.vn”; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan trong xử lý tên miền “.vn” vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai áp dụng Thông tư này.

 

Thứ nhất, Thông tư số 14 không loại bỏ hành vi đăng ký, chiếm giữ tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

 

Thông tư số 14 chỉ hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền đối với chủ thể tên miền có hành vi sử dụng tên miền để đăng tải các thông tin vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Đó là thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan, làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý; hoặc chứa các thông tin bôi nhọ, nói xấu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tương ứng của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.

 

Đối với hành vi đăng ký, chiếm giữ tên miền nhằm mục đích lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ vẫn có quyền yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP. 

 

Sau khi Thông tư số 14 có hiệu lực thì biện pháp thu hồi tên miền khó được áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi đăng ký, chiếm giữ tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, kết luận và quyết định xử phạt của cơ quan xử lý vi phạm là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ thể quyền tiếp tục nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính Phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, theo quy định của Thông tư số 14, thay đổi thông tin tên miền “.vn” là việc loại bỏ yếu tố vi phạm, thông tin vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ đăng tải trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền.

 

Mặc dù thay đổi thông tin tên miền đã được thừa nhận tại các văn bản pháp luật như là một biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính đối với tên miền vi phạm. Nhưng, cho đến trước khi Thông tư số 14 được ban hành, chưa có định nghĩa về thay đổi thông tin tên miền “.vn”. Trong thực tế, thay đổi thông tin tên miền thường được hiểu là thay đổi những thông tin được ghi nhận trong thủ tục đăng ký tên miền gồm chủ thể tên miền, nhà đăng ký tên miền. Còn theo Thông tư số 14, thay đổi thông tin tên miền “.vn” là việc loại bỏ yếu tố vi phạm, thông tin vi phạm pháp luật sở trí tuệ đăng tải trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền. Quy định này dựa trên những cơ sở sau: 

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể tên miền chỉ được đổi sang tên mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền (Khoản 6 Điều 10 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 quy định về quản lý và sử dụng Internet). Trường hợp muốn thay đổi chủ thể tên miền thì chủ thể đăng ký tên miền phải trả lại tên miền để cho người khác đăng ký (theo hình thức chuyển nhượng tên miền). Hơn nữa, nếu hiểu thay đổi tên miền chỉ là thay đổi những thông tin được ghi nhận trong thủ tục đăng ký tên miền hệ quả là tên miền vi phạm vẫn còn tồn tại và trang thông tin điện tử vẫn chứa đựng nội dung, dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Như vậy, hành vi sử dụng tên miền để đăng tải các thông tin vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ chưa được xử lý. Thêm vào đó, bên cạnh biện pháp buộc thay đổi thông tin tên miền còn có thể tiếp tục áp dụng biện pháp buộc trả lại tên miền và thu hồi tên miền, giúp xử lý triệt để hành vi vi phạm.

 

Thứ ba, biện pháp thu hồi tên miền “.vn” được áp dụng sau khi các biện pháp khác không hiệu quả

 

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 14, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm áp dụng biện pháp thu hồi tên miền “.vn” trong các trường hợp sau đây: (i) Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là thay đổi thông tin tên miền “.vn” hoặc trả lại tên miền “.vn” theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; (ii) Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền ".vn" theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho chủ thể sở hữu, sử dụng tên miền vi phạm tự nguyện điều chỉnh hành vi vi phạm của mình (thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền). 

 

Thứ tư, ý kiến của cơ quan quản lý tên miền và thủ tục xin ý kiến cơ quan quản lý tên miền không mang tính chất bắt buộc

 

 Trong quá trình xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm  xem xét, gửi văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý tên miền “.vn”) phối hợp, cho ý kiến chuyên môn trước khi người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc buộc trả lại tên miền ".vn" (Điều 11 Thông tư số 14).

 

Việc cơ quan có thẩm quyền xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ xin ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý tên miền (Trung tâm Internet Việt Nam -VNNIC) là thủ tục nên thực hiện nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan trong quá trình xử lý vụ việc tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ và VNNIC cũng được cung cấp thông tin để quản lý tên miền. Tuy nhiên, việc xin ý kiến chuyên môn chỉ mang tính chất tham vấn, thông báo chứ không phải là thủ tục bắt buộc. Khi ý kiến chuyên môn của VNNIC khác với quan điểm, hướng giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vẫn có thể ra quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

 

Thứ năm, hành vi sử dụng tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ được thực hiện trước thời điểm thanh tra, kiểm tra vẫn có thể bị xử lý theo quy định tại Thông tư số 14.

 

Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 14 chỉ tập trung xử lý hành vi sử dụng tên miền xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, không ít ý kiến lo ngại rằng: khi biết thông tin về việc thanh tra, kiểm tra xử lý tên miền vi phạm (tên miền trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ), chủ sở hữu hoặc/và người sử dụng tên miền lập tức xoá bỏ hoàn toàn những yếu tố vi phạm trong trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền. Hệ quả là các biện pháp xử lý tên miền vi phạm quy định tại Thông tư số 14 bị vô hiệu hoá.

 

Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với những vi phạm hành chính đã kết thúc (Điều 6). Do đó, hành vi nêu trên có thể bị xử lý theo quy định của Thông tư nếu còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Điều quan trọng trong trường hợp này là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chứng minh được hành vi sử dụng tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ đã được thực hiện trước thời điểm thanh tra, kiểm tra. Việc lập vi bằng ghi nhận hành vi sử dụng tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ bởi Thừa phát lại là tài liệu có giá trị pháp lý, được công nhận và làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm xem xét và giải quyết.

 

Việc ban hành Thông tư số 14 là thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và được coi  như cam kết pháp lý giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tốt hơn tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

 

Lượt xem: 30170

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:24855
Lượt truy cập: 46240855