Thứ tư, 02/12/2020 23:39 GMT+7

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cầu Đúc” cho sản phẩm khóm

Ngày 23/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4523/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00092 cho sản phẩm khóm “Cầu Đúc”. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Cây Cầu Đúc là tên gọi của cây cầu bắc ngang sông Cái Lớn nối liền 2 tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang được Pháp xây dựng từ những năm 1930. Nay cây cầu này được xây dựng lại có tên là cầu Cái Tư thuộc xã Hoả Tiến, thành phố Vị Thanh. Theo những lão nông sống lâu đời tại đây cho biết giống “Khóm Cầu Đúc” được trồng tại vùng này vào những năm 1930 do người Hoa đến đây lập nghiệp và mang theo giống khóm này. Hàng hóa sản xuất ra thời đó tập trung tại cây Cầu Đúc để trao đổi và mua bán. Từ đó, tên gọi “Khóm Cầu Đúc” có tên riêng của nó để phân biệt với khóm trồng ở các vùng khác. Tên gọi khóm Cầu Đúc xuất hiện đến nay đã trên 90 năm. Khóm Cầu Đúc lâu nay đã là thương hiệu “nức tiếng” của tỉnh Hậu Giang. Trái khóm ở đây nổi tiếng khắp “Nam kỳ lục tỉnh” gần một thế kỷ và được nhiều người biết đến với vị ngọt thanh, giòn rất riêng và gắn liền với tên thành phố Vị Thanh hiện nay. Đây cũng là cây trồng chủ lực của người dân thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, nay được chọn làm cây chủ lực giúp tăng thu nhập cho người dân và tạo xung lực xây dựng nông thôn mới… Trong nhiều năm liền, Khóm Cầu Đúc nằm trong danh sách 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh Hậu Giang, hơn nữa còn là một trong ba sản phẩm chủ lực chiến lược cần tập trung phát triển.



Khóm Cầu Đúc (B) được so sánh với các loại khóm khác

 

Khóm Cầu Đúc là khóm giống Queen, có hình trụ đứng, màu vàng đậm, có nhiều mắt lồi, hố mắt sâu, thơm nhẹ và vị ngọt. Quả khóm Cầu Đúc có kích thước lớn, trọng lượng 1,14 – 1,42 kg/quả, đường kính 13,20 – 17,65 cm, chiều cao 16,46 – 20,74 cm. Mỗi quả có 113 – 117 mắt và tỷ lệ phần ăn được là 64 – 76 %. Ngoài ra, khóm Cầu Đúc còn có những đặc thù về chất lượng, bao gồm: Hàm lượng chất khô hòa tan tổng số 14,04 – 16,16 obx; đường tổng số 8,81 – 11,49 %; hàm lượng Axit tổng số 0,52 – 0,78 %; và hàm lượng Vitamin C: 27,70 – 37,70 mg/100 g.

Danh tiếng và chất lượng đặc thù của khóm Cầu Đúc có được nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có địa hình trũng thấp, độ cao trung bình 1 mét trên mực nước biển, có hệ thống kênh rạch nhân tạo chằng chịt. Khu vực địa lý có 2 nhóm đất chính: đất phèn tiềm tàng và đất phèn hoạt động có thành phần cơ giới nặng (tỷ lệ sét > 50%), giữ nước tốt, giúp cây khóm không bị thiếu nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Đất có độ xốp cao (> 55%) là điều kiện thuận lợi cho rễ khóm ăn sâu và rộng, cung cấp dinh dưỡng cho cây trong quá trình phát triển. Ngoài ra, đất trồng khóm Cầu Đúc còn có hàm lượng cation trao đổi cao (hàm lượng Mg2+ > 2,87 meq/100g đất) và hàm lượng cacbon hữu cơ tổng số ở mức trung bình đến giàu (4,79 – 5,92%), khiến trái khóm Cầu Đúc có vị ngọt, nhiều nước và giúp cây khóm chống bệnh luộc lá trong giai đoạn phát triển quả.

Khí hậu vùng trồng khóm Cầu Đúc được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa (tháng 5 – tháng 11) và mùa khô (tháng 12 – tháng 4). Nhiệt độ trung bình năm 27 oC, độ ẩm bình quân năm 81%, biên độ dao động nhiệt ngày đêm vào mùa mưa là 5 – 6 oC, mùa khô là 3 - 4 oC, phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây khóm. Lượng mưa trung bình vào mùa mưa là 289,6 – 499,5 mm, trong giai đoạn tích lũy dinh dưỡng của cây khóm nên ảnh hưởng trực tiếp tới kích thước, trọng lượng, hàm lượng nước của trái. Lượng mưa trung bình vào mùa khô là 12 – 160,5 mm, phù hợp cho quá trình bảo quản sản phẩm. Số giờ nắng bình quân hàng tháng là 218,39 giờ/tháng, bình quân 7,3 giờ nắng/ngày trong suốt cả năm, số giờ nắng của các tháng tương đối đồng đều, phù hợp với bản chất cây nhiệt đới ưa sáng của khóm.

Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, kỹ thuật trồng và chăm sóc khóm cũng là một yếu tố đảm bảo chất lượng của khóm Cầu Đúc. Người nông dân trồng khóm Cầu Đúc chọn giống khóm Queen có nguồn gốc từ Hậu Giang, sạch bệnh, từ cây sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, lá xanh tốt. Thời điểm trồng khóm hàng năm là vào tháng 6 – 7 đối với khóm chính vụ và tháng 10 – 11 đối với khóm trái vụ. Đất trồng được bố trí thành các lô, trên mỗi lô xẻ mương lên líp. Cây khóm được trồng theo hàng kép đôi , mật độ 0,5 x 0,5 x 0,5 m (trung bình 30.000 cây/ha). Ngoài ra, vườn trồng còn có đê bao để ngăn lũ, chống xói mòn và trồng cây chắn gió theo trục đường chính.



Vườn trồng khóm Cầu Đúc

 

Khi cây khóm đạt 55 lá trở lên (tương đương 8,5 tháng), người trồng khóm sẽ xử lý ra hoa bằng khí đá CaC2, chống cháy nắng trên trái bằng cây che bóng kết hợp cỏ khô, rơm hoặc kéo lá lên đỉnh trái nếu cây có lá dài. Khóm sẽ được trồng mới trong tối thiểu 2 vụ, tối đa 3 vụ. Thời vụ thu hoạch khóm Cầu Đúc là vào tháng 2 – 3 (chính vụ) và tháng 7 – 8 (trái vụ) hàng năm.



Người nông dân thu hoạch khóm Cầu Đúc

 

Khu vực địa lý: Xã Vĩnh Viễn A thuộc huyện Long Mỹ; phường VII và các xã Vị Tân, Hỏa Lựu, Tân Tiến, Hỏa Tiến thuộc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1641

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)