Thứ năm, 08/08/2024 19:10 GMT+7

Tiền lương là vấn đề cơ bản, chủ chốt trong hoạt động của Công đoàn

Thứ tư, 10/07/2019 15:51 GMT+7

Tiền lương là vấn đề cơ bản, chủ chốt trong hoạt động của Công đoàn - bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh như trên tại tọa đàm “Tình hình tiền lương trong các doanh nghiệp Dệt may và điện tử” do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện Công nhân – Công đoàn, LĐLĐ TPHCM phối hợp tổ chức sáng 10.7.

Tọa đàm có sự tham gia của hơn 50 cán bộ Công đoàn (CBCĐ), trong đó có 30 CBCĐ đang trực tiếp làm việc ở các doanh nghiệp Dệt may, Điện tử và đại diện ngành LĐTBXH, BHXH ở TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Bà Trần Thị Thanh Hà cho biết theo thống kê của các cơ quan chức năng, gần 90% các cuộc ngừng việc tập thể có nguyên nhân xuất phát từ tiền lương, 80% là do chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) về tiền lương.

Thời gian qua, sự tham gia của tổ chức CĐ, nhất là CĐCS về vấn đề tiền lương còn có những hạn chế do nguyên nhân chủ quan, khách quan, có nơi thực hiện được, có nơi không thực hiện được.

Bà Hà nhấn mạnh: "Tiền lương là một vấn đề quan trọng, cốt lõi trong hoạt động của tổ chức CĐ trong thời gian tới, khi mà từ năm 2021, Nhà nước sẽ không can thiệp vào vấn đề tiền lương nữa mà để CĐ trực tiếp thương lượng với người sử dụng lao động. Do đó, tổ chức CĐ phải nâng cao vai trò về đám phán, thương lượng về tiền lương cho NLĐ tại doanh nghiệp".

CBCĐ ở cơ sở sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương lượng tiền lương cho NLĐ.
CBCĐ ở cơ sở sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương lượng tiền lương cho NLĐ.

Theo bà Hà, Tổng LĐLĐVN sẽ chọn ra 24 CBCĐ nòng cốt ở 8 tỉnh, thành để đào tạo cơ bản về thương lượng tiền lương trong vòng 2 năm, sau đó những học viên này sẽ tham gia trực tiếp đàm phán, thương lượng tiền lương trong các doanh nghiệp tiêu biểu trong từng ngành nghề, trên cơ sở kết quả đó sẽ lan tỏa ra các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề ở từng địa phương. Đồng thời các học viên nòng cốt này cũng sẽ trở thành hạt nhân, giảng viên cho các CBCĐ khác.

Tại tọa đàm, các CBCĐ đã được gợi mở để chia sẻ thực tế tại doanh nghiệp về 3 nội dung: Mô tả thang, bảng lương ở doanh nghiệp được xây dựng thế nào? Vai trò của tổ chức CĐ trong việc xây dựng thang, bảng lương đó thế nào? Điều gì cản trở CĐ tham gia xây dựng  lương, bảng lương đó?

Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, việc CĐCS trực tiếp tham gia xây dựng thang, bảng lương ở doanh nghiệp là vấn đề rất khó, đòi hỏi CBCĐ nhất là ở cấp cơ sở cần phải có kiến thức tốt về kinh tế, pháp luật, kỹ năng đàm phán để thương lượng với chủ doanh nghiệp  về tiền lương, trên cơ sở đó bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NLĐ.

Tọa đàm hôm nay là buổi khảo sát, lấy ý kiến trực tiếp của các CBCĐ để đánh giá về thực tế tiền lương trong các doanh nghiệp  Dệt may, Điện tử ở  TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và các vấn đề liên quan về tiền lương. Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo đàm phán, thương lượng về tiền lương gắn với thực tiễn ở cơ sở, chứ không chỉ là lý thuyết suông.

Nguồn: Báo Lao Động

 

 

Lượt xem: 2049

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:42258
Lượt truy cập: 13602246