Thứ bảy, 04/01/2025 16:15 GMT+7

Ứng dụng công nghệ laser trong điều trị ung thư

Thứ tư, 18/01/2017 10:44 GMT+7

Chiều 12/01/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ Laser phối hợp với Phòng Thí nghiệm Phát triển Ứng dụng Y sinh công nghệ cao tổ chức Hội thảo “Tổng quan về phương pháp quang động học (PDT) tại Việt Nam và năng lực nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm Y sinh”.

Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Hương Sơn, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ, đại diện lãnh đạo và cán bộ Phòng Thí nghiệm Y sinh, Trung tâm Công nghệ Laser, các nhà khoa học đến từ Hội Vật lý, Học viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
 
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe giới thiệu khái quát về phương pháp quang động học trong điều trị ung thư và các vấn đề trong PDT lâm sàng. Liệu pháp quang động học (Photodynamic therapy, viết tắt là PDT) là một phương pháp mới trong điều trị ung thư dựa trên tương tác quang hóa của ba thành phần: ánh sáng, một dược liệu nhạy quang và ôxy.
 
Phương pháp ứng dụng laser trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu và ứng dụng ở một số nước có nền y học phát triển trên thế giới và bước đầu đã có những thành tựu to lớn . Việc ứng dụng laser trong điều trị ung thư đã được tiến hành qua hai liệu pháp. Đó là liệu pháp quang động học trong việc tiêu diệt tế bào ung thư và liệu pháp ứng dụng laser tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể trong điều trị ung thư.
 
Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Trưởng khoa laser y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, PDT là phương pháp điều trị ung thư ít xâm lấn, gây độc chọn lọc với tế bào ác tính. Đây là phương pháp được chỉ định trong điều trị ung thư ở giai đoạn sớm hoặc không thể phẫu thuật. PDT là một lựa chọn có giá trị trong điều trị kết hợp. PDT sẽ trở thành một trong những phương pháp chính trong điều trị ung thư.
 
Trong ba thập kỷ qua, PDT đã có một sự phát triển ấn tượng về công nghệ và sự hiểu biết về các cơ chế lý sinh cơ bản. Các nghiên cứu hiện nay về vấn đề này có thể được chia thành năm hướng: các nguồn sáng, dẫn sáng và cấp sáng cho các mô; định lượng pháp PDT; tạo ảnh quang học và tạo ảnh giải phẫu; tạo ra các chất nhạy quang mới; sinh học PDT.
 
Với sự đầu tư của Nhà nước, các nhà nghiên cứu của Viện Ứng dụng Công nghệ, Viện Vật lý, Bệnh viện Việt Đức và Học viện Quân y 103 đã tiến hành một số nghiên cứu dưới dạng các Dự án, Đề tài các cấp về PDT từ năm 1996. Các nghiên cứu đó đã đạt được một số kết quả như: tạo ra laser hơi đồng phát ở bước sóng 632,8 nm, laser diode phát ở bước sóng 630 nm và 662 nm làm nguồn sáng cho PDT; các thử nghiệm in vivo trên chuột; các thử nghiệm điều trị lâm sàng cho bệnh nhân ung thư não, da, vòm họng, ung thư thực quản… cho kết quả khả quan; tạo ra hệ thiết bị điều trị PDT.
 
Tuy nhiên, do những thay đổi trong cơ chế quản lý, liệu pháp PDT từ năm 2007 chưa có điều kiện tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng vào chẩn đoán và điều trị ung thư như dự kiến.
 
Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất việc ứng dụng, triển khai phương pháp PDT tại Việt Nam.
 


PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Trưởng khoa laser y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tham luận tại Hội thảo

Ra đời năm 2016, Phòng thí nghiệm Phát triển Ứng dụng Y sinh Công nghệ cao của Viện Ứng dụng Công nghệ với định hướng hoạt động trong phát triển các nguồn nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng từ thực vật, vi tảo, vi sinh vật; sử dụng phối hợp các loại thực phẩm chức năng và bức xạ laser trong điều trị bệnh; phát triển công nghệ và chế tạo vật liệu nano- sinh học ứng dụng trong y dược như chẩn đoán bệnh, truyền dẫn thuốc…
 
“Với chức năng của Phòng thí nghiệm Phát triển Ứng dụng Y sinh Công nghệ cao, cùng với việc triển khai chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020, hi vọng rằng PDT sẽ có được vị trí tương xứng trong Y học nước nhà”, TS. Phạm Hương Sơn cho hay.

 

 

Lượt xem: 8087

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:28023
Lượt truy cập: 14009264