Thứ tư, 07/08/2024 18:05 GMT+7

Người lao động cần được nghỉ ngơi

Thứ sáu, 09/08/2019 15:11 GMT+7

Tại các hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), khi thảo luận đến vấn đề mở rộng khung giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) lên tối đa 400 giờ/năm, đại diện các hiệp hội ngành nghề (dệt may, da giày, xuất khẩu, chế biến thủy sản) đều tán thành bởi điều này sẽ vừa giúp doanh nghiệp (DN) bảo đảm được mục tiêu sản xuất kinh doanh vừa giúp nâng thu nhập cho NLĐ.

Cũng theo các hiệp hội ngành nghề, việc tăng số giờ làm thêm trong một năm cũng bảo đảm sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Theo tôi, ý kiến này chỉ nhìn ở một khía cạnh của vấn đề làm thêm giờ mà chưa nhận diện rõ hệ lụy về lâu dài. Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hầu hết NLĐ ở tất cả ngành nghề, kể cả dệt may, da giày đều mong muốn được giữ nguyên thời gian làm thêm như hiện nay (không quá 300 giờ/năm). Ai cũng biết đại đa số NLĐ phải tăng ca là do thu nhập quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Làm thêm giờ với họ là sự lựa chọn không mong muốn bởi dù bất cứ trong điều kiện nào, khi phải kéo dài thời gian làm việc cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động khi làm thêm giờ.

Người lao động cần được nghỉ ngơi - Ảnh 1.

Việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến người lao động suy hao thể lực, trí lực. Ảnh: TRỰC NGÔN

Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi, đề xuất tăng giờ làm việc tại dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi thiên về lợi ích thuần túy của DN. Ý nghĩa tích cực của đề xuất này sẽ giúp các DN khai thác tối đa hạ tầng sản xuất để tăng ca, giảm chi phí, trong khi không phải duy trì lực lượng lao động quá lớn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là việc được phép tăng giờ làm thêm sẽ khiến những hành lang pháp lý bảo vệ quyền được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động của NLĐ bị tháo dỡ. Bị vắt kiệt sức bên những cỗ máy với thời gian tăng ca triền miên sẽ khiến NLĐ suy hao thể lực, trí lực và không thể làm việc lâu dài. Trong rất nhiều ngành nghề hiện nay, đã xuất hiện tình trạng người sử dụng lao động chỉ tuyển dụng lao động trẻ và tìm mọi cách sa thải lao động lớn tuổi. Việc khống chế thời gian làm việc tối đa lâu nay được quy định dựa trên những tính toán khoa học về thể trạng của số đông NLĐ, cũng như các yếu tố về tâm lý, văn hóa, đời sống của họ. Nếu chỉ vì lợi ích của DN mà phá bỏ các quy định nhằm bảo vệ, duy trì khả năng lao động dài lâu của NLĐ thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường đối với xã hội.

 

Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1746

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:38793
Lượt truy cập: 13598690