Thứ tư, 22/01/2025 22:52 GMT+7

DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG: Thay đổi lớn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thứ tư, 20/11/2019 15:36 GMT+7

Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, người lao động (NLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà không cần báo trước

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ luôn phải báo trước cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) từ 3, 30 hoặc 45 ngày tùy loại HĐLĐ, trừ trường hợp lao động nữ mang thai, nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi, thì thời hạn phải báo trước tuỳ thuộc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
 
Tuy nhiên, quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ sẽ thay đổi rất nhiều theo quy định tại dự thảo Bộ luật Lao động đang được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua. Thứ nhất, NLĐ sẽ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước khi không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận (trừ trường hợp NSDLĐ thực hiện quyền điều động NLĐ đi làm việc khác không quá 60 ngày cộng dồn trong năm); không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn (trừ trường hợp NSDLĐ được quyền trả lương chậm không quá 30 ngày do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác).
 
NLĐ cũng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước khi: Bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; Bị cưỡng bức lao động; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; nếu NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc giao kết HĐLĐ.
 
Thứ hai là, NLĐ không cần phải có lý do chính đáng khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo trước cho NSDLĐ 3 ngày hoặc 30 ngày tùy theo HĐLĐ xác định thời hạn dưới 12 tháng hay HĐLĐ các định thời hạn 12 - 36 tháng. Đây là điều khác biệt hẳn, vì theo quy định hiện hành, ngoài việc phải báo trước 3 ngày hoặc 30 ngày tùy HĐLĐ thì NLĐ phải có lý do chính đáng kèm theo.
 
Một điểm cũng đáng chú ý nữa là, theo quy định hiện hành, nếu NLĐ có HĐLĐ không xác định thời hạn thì chỉ cần báo trước 45 ngày là có quyền nghỉ việc đúng pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn này có thể bị kéo dài hơn do dự thảo Bộ luật Lao động quy định: “Đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ”.
 
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1268

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:51577
Lượt truy cập: 14104154