Số tham gia BHXH tự nguyện đến nay đã hơn 600.000 người. Để đạt mục tiêu trong năm 2020 là cả nước có thêm 1 triệu người tham gia, BHXH Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp "kích cầu" phù hợp trong bối cảnh mới.
Thêm thách thức
Theo BHXH Việt Nam, 11 năm trước (năm 2009), cả nước mới có hơn 41.000 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến tháng 6-2020 đã có hơn 600.000 người tham gia. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết từ khi có Nghị quyết 28-NQ/TW, BHXH tự nguyện đã phát triển nhanh. Trong đó, năm 2018, toàn quốc đã có trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Tiểu thương chợ Hà Tĩnh nghiên cứu tờ rơi về BHXH tự nguyện
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Liệu, bước sang năm 2020, việc phát triển BHXH tự nguyện đã phải đối mặt với một thách thức lớn khi dịch Covid-19 bùng phát. Thu nhập của người dân giảm sút, nhiều người lâm vào khó khăn nên không thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; các hoạt động truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng phải tạm hoãn để thực hiện giãn cách xã hội... dẫn đến số người tham gia có sự sụt giảm. Bốn tháng đầu năm 2020, cả nước có 557.000 người tham gia BHXH tự nguyện (giảm 16.000 người so với năm 2019)... Sau thời gian giãn cách xã hội, người dân bắt nhịp với cuộc sống bình thường mới, BHXH các địa phương cũng thay đổi việc tiếp cận, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Thay vì chờ người dân đến đăng ký tham gia như trước, hiện các cán bộ BHXH địa phương chủ động và trực tiếp tới cơ sở, từng địa bàn, từng cụm dân cư để tuyên truyền. Mới đây, BHXH đã thực hiện đổi mới công tác truyền thông khi lần đầu tiên phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức thành công "Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện" trên quy mô toàn quốc. Chỉ sau 2 ngày (23 và 24-5) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, trên toàn quốc đã có 30.017 người tham gia BHXH tự nguyện và phát triển thêm được 4.734 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Cần tăng tính hấp dẫn
Trong đợt vận động mới đây, ông Trần Văn Hùng, 48 tuổi, ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội là một trong số những người đã quyết định mua BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng. Ông Hùng làm nghề điện gia dụng tại nhà còn vợ ông bán hàng tạp hóa. Trước Tết nguyên đán, chẳng may ông bị tai nạn giao thông, từ đó sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng đến công việc. Sau khi được giới thiệu về BHXH tự nguyện, vợ chồng ông quyết định tham gia với mức đóng 600.000 đồng/tháng. Vợ chồng ông hy vọng với khoản lương hưu hằng tháng, cộng với tấm thẻ BHYT sẽ bớt phần nào gánh nặng về bệnh tật khi về già.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Hường, 25 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện hơn 700.000 đồng/tháng sau khi được tuyên truyền vận động về việc tự tích cóp lương hưu cho chính mình. "Với công việc cắt tóc, gội đầu của tôi hiện nay, số tiền này coi như khoản tiết kiệm, sau này về già sẽ có một khoản lương hưu phòng lúc ốm đau. Thế nhưng, điều tôi băn khoăn chỉ là thời gian đóng tới 20 năm mới được hưởng. Thời gian đóng quá dài mà cuộc sống lại nhiều biến cố. Chỉ mong nhà nước có những thay đổi bổ sung thêm chế độ ốm đau, thai sản... để những người trẻ tuổi như tôi hào hứng hơn với chính sách an sinh này" - chị Hường đề xuất.
Theo các chuyên gia BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt của Đảng và nhà nước dành cho lao động khu vực phi chính thức. Số tiền BHXH tự nguyện mà người dân đóng mang tính lâu dài cho tương lai của họ. Việc tham gia BHXH tự nguyện chính là tự góp lương hưu cho chính mình khi về già. Tuy nhiên, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu của BHXH Việt Nam nhìn nhận số người tham gia BHXH tự nguyện chưa cao còn do người dân chưa có thói quen dự phòng cho những rủi ro trong cuộc sống hoặc giai đoạn về già khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng cho rằng mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn do chính sách chưa hấp dẫn và đề xuất tăng thêm các trợ cấp đi kèm, rút ngắn thời gian đóng, đồng thời tăng tỉ lệ hỗ trợ người tham gia.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết người lao động tự do duy trì khoản đóng hằng tháng trong ít nhất 20 năm là nỗ lực rất lớn, nhưng họ chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất là không công bằng. Do đó, cần tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT; đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau để tăng tính hấp dẫn. Để "kích cầu" người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện hoặc linh hoạt hơn về mức hỗ trợ (bằng 30%, 25%, 10% để địa phương nào có điều kiện có thể hỗ trợ thêm một phần mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện); cùng với đó, đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương.
15 tuổi trở lên có thể tham gia BHXH tự nguyện
Ông Đinh Duy Hùng cho biết người từ 15 tuổi trở lên đều có thể tham gia BHXH tự nguyện và được nhà nước hỗ trợ 10% khi tham gia, hộ nghèo được hỗ trợ 30% và hộ cận nghèo là 25%. Chỉ cần đóng từ 150.000 đồng/tháng, người đóng BHXH sẽ được nhận lương hưu khi đủ thời gian tham gia. Theo quy định, mức đóng thấp nhất là 154.000 đồng/tháng (đóng 22% ở mức chuẩn hộ nghèo là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở tương đương 6.556.000 đồng/tháng. Người tham gia cũng có thể lựa chọn trong nhiều phương thức: đóng hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, hằng năm hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm...
Nguồn: Báo Người Lao Động