Thứ bảy, 11/01/2025 17:30 GMT+7

Công chức chuyển ngạch có được nâng lương?

Thứ hai, 20/07/2020 15:58 GMT+7

Tùy vào mức lương và phụ cấp hiện hưởng ở ngạch cũ, công chức chuyển ngạch có thể được hưởng bằng với mức lương hiện hưởng hoặc cao hơn hoặc hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu.

Bên cạnh nâng ngạch, công chức còn có thể thực hiện chuyển ngạch. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là công chức chuyển ngạch có được nâng lương không?
 
Điều kiện để chuyển ngạch
 
Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Từ 1-7-2020, khi Luật này được sửa đổi, bổ sung, nhiều quy định về ngạch công chức cũng thay đổi.
 
Công chức chuyển ngạch phải đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch được chuyển
 
Tuy nhiên, những quy định về việc chuyển ngạch công chức lại vẫn được thực hiện theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Cụ thể, theo quy định tại Điều 43 Luật này, chuyển ngạch được định nghĩa: Là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ
 
Quy định này cũng yêu cầu, công chức khi chuyển ngạch phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
 
Đồng thời, nếu công chức được giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch đang giữ thì phải được chuyển ngạch cho phù hợp.
 
Để hướng dẫn chi tiết quy định này, Điều 28 Nghị định 24 năm 2010 của Chính phủ có nêu rõ, các trường hợp công chức được chuyển ngạch gồm: Công chức thay đổi vị trí việc làm; Theo quy định phải chuyển đổi vị trí công tác mà ngạch công chức đang giữ không phù hợp với yêu cầu ngạch công chức của vị trí việc làm mới.
 
Trong đó, việc thay đổi vị trí việc làm hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 36/2013/NĐ-CP và sắp tới đây, từ 20-7-2020 sẽ thực hiện theo Nghị định 62/2020/NĐ-CP .
 
Đáng chú ý, công chức chuyển ngạch phải đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch được chuyển. Và người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn cứ các quy định nêu trên để đề nghị cơ quan quản lý công chức quyết định chuyển ngạch cho công chức.
 
Chuyển ngạch, sẽ không nâng lương
 
Mặc dù chuyển ngạch sang cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật Cán bộ, công chức năm 2008: Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi chuyển ngạch.
 
Khi chuyển ngạch không được kết hợp nâng ngạch và nâng bậc lương
 
Đây cũng là khẳng định được nêu tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 24 năm 2010 của Chính phủ. Theo đó, khi chuyển ngạch không được kết hợp nâng ngạch và nâng bậc lương. Từ những quy định trên, có thể thấy, khi công chức được chuyển ngạch, sẽ không nâng lương.
 
Việc xếp lương khi chuyển ngạch trong cùng loại công chức được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2 mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV, cụ thể như sau:
 
- Ngạch mới có cùng hệ số lương với ngạch cũ: Xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niêm vượt khung (nếu có) ở ngạch cũ;
 
- Ngạch mới có hệ số lương cùng bậc thấp hơn ngạch cũ: Xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ và hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung);
 
- Ngạch mới có hệ số lương cùng bậc cao hơn ngạch cũ: Xếp lương như khi nâng ngạch công chức , cụ thể:
 
Chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ: Căn cứ hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới; Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ: Căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới; Có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng của ngạch mới: Xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng với ngạch cũ.
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1776

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:36189
Lượt truy cập: 14066249