Thứ tư, 25/12/2024 12:54 GMT+7

Đóng bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

Thứ hai, 23/04/2018 11:08 GMT+7

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) tại tổ chức BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.

Ban Quan hệ lao động,Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa giải đáp thắc mắc cho đoàn viên về chính sách BHTN. Theo quy định của Luật BHXH, BHTN bao gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tìm việc làm. Tuy nhiên, kể từ ngày 1-1-2015, các quy định về BHTN của Luật BHXH hết hiệu lực; BHTN được thực hiện theo Luật Việc làm.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp ra sao? - Ảnh 1.

Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động \trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực

Điều 42 Luật Việc làm đã quy định cụ thể về các chế độ BHTN, bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ Học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó, Điều 51 Luật Việc làm cũng quy định: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT. Tổ chức BHXH đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ BH thất nghiệp.

Về việc tham gia, đóng BHTN được quy định cụ thể tại Điều 44, 57, 58 Luật Việc làm. Theo đó:

NSDLĐ phải tham gia BHTN cho NLĐ tại tổ chức BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực. Hằng tháng, NSDLĐ đóng BHTN theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 của Luật này và trích tiền lương của từng NLĐ theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật này để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN.

Căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ BHTN, Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ theo mức do Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật này.

Khoản 1 Điều 57 quy định:

a) NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng.

b) NSDLĐ đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN.

c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Điều 58, Luật Việc làm quy định:

NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN.

NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động tại thời điểm đóng BH thất nghiệp.

Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 2680

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:4072
Lượt truy cập: 13982803