Thứ năm, 16/01/2025 12:38 GMT+7

Tỷ lệ phản ứng của vắc xin ComBE Five như thế nào?

Thứ tư, 09/01/2019 16:19 GMT+7

Về sơ bộ, tỷ lệ phản ứng sau tiêm thường gặp của vắc xin ComBE Five nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tại hội thảo cung cấp thông tin về triển khai tiêm chủng vắc xin do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức, PGS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trả lời về tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng của vắc xin ComBE Five so với vắc xin Quinvaxem.

Theo PGS Đặng Đức Anh, vắc xin Quinvaxem được tiêm từ năm 2010– 2018 đến nay với số lượng sử dụng lớn tới 10 triệu liều. Trong khi đó, vắc xin ComBE Five mới sử dụng từ tháng 11.2018 đến nay với khoảng 100 nghìn liều nên không so sánh được chính xác.

“Tuy nhiên, sơ bộ tỷ lệ phản ứng sau tiêm thường gặp của vắc xin ComBE Five nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới”, ông Đức Anh nói.

Trước câu hỏi công tác khám sàng lọc tại các trạm y tế xã/phường đã được tập huấn kỹ lưỡng cho các nhân viên y tế hay chưa, ông Đức Anh khẳng định, không chỉ riêng ComBE Five mà tất cả các loại vắc xin đều có lớp tập huấn và cán bộ tham gia tiêm chủng đều phải có chứng chỉ.

“Những cơ sở tiêm dịch vụ cũng được tập huấn giống như tập huấn với trạm y tế xã, phường. Chúng tôi thực hiện khám sàng lọc theo đúng quy định chung, không có sự khác biệt giữa tiêm chủng dịch vụ với tiêm chủng mở rộng”- ông Đức Anh nói.

Trước khi vắc xin ComBE Five được đưa vào tiêm thử nghiệm tại 7 tỉnh/thành, có một số lô vắc xin không đạt tiêu chuẩn kiểm định, dẫn đến lùi thời gian tiêm ComBE Five tại Việt Nam.

Về thông tin này, Đức Anh cho biết: “Tất cả vaccine nhập khẩu về Việt Nam nói chung và vắc xin ComBE Five nói riêng đều được chuyển về theo lô, được kiểm định riêng biệt không phải kiểm định một lần. Do đó, một vài lô đầu tiên không đạt tiêu chuẩn kiểm định, chúng tôi không đưa vào sử dụng. Còn những lô vắc xin được đưa vào tiêm ở diện nhỏ và giờ tiêm tại 19 tỉnh/thành đều đạt tiêu chuẩn an toàn qua kiểm định, được cấp giấy phép lưu hành”.

Ông Đức Anh khuyến cáo, các bậc phụ huynh khi cho con tiêm xong tại cơ sở y tế xã/phường thì phải theo dõi 30 phút, và khi về nhà thì các phụ huynh theo dõi con trong thời gian 24-36 giờ xem có biểu hiện bất thường nào không để thông báo cho cơ sở y tế gần nhất.

“Khi trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 39 độ C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú… phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng, hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn”, ông Đức Anh nói.

Theo tài liệu của WHO, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vaccine chữa thành phần gho gà toàn tế bào: sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên một triệu liều vaccine sử dụng), các phản ứng cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế. 

Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 2333

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:22822
Lượt truy cập: 14083179