Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc qua hơn 5 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) chiếm 54,1%, tương ứng với 72/133 cuộc ngừng việc.
54 % công nhân cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra
Dệt may là ngành xảy ra nhiều vụ ngừng việc nhiều nhất với 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), kế đến là giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%). Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương và thu nhập, chỉ có 22,7% người lao động (NLĐ) cảm thấy hài lòng; 52,4% tạm hài lòng; 24,9% không hài lòng. Đặc biệt, có tới 54 % NLĐ cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.
Cũng theo kết quả khảo sát, có 51,3% NLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% NLĐ là có thể có tích lũy từ thu nhập.
Qua khảo sát 20,6% công nhân cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả khảo sát cũng cho thấy, hầu hết các khoản thu nhập NLĐ phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Cụ thể, có tới 816 hộ gia đình 2 vợ chồng là công nhân, có 2 người ăn theo, trung bình một tháng chi tiêu hết 9.038.000 đồng (tức là mỗi NLĐ nuôi một người thì mức chi tiêu hết 4.519.000 đồng, trong lúc đó thu nhập trung bình của NLĐ nhóm này là 4.716.500 đồng/tháng).
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả khảo sát trên cho thấy của NLĐ năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn, cần phải được cải thiện. Trên cơ sở đó, mức LTT vùng năm 2018 được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức LTT năm 2017". Nếu đề xuất này được chấp thuận sẽ tạo được động lực làm việc cho NLĐ.
Nguồn: Báo Người Lao Động