Thứ hai, 23/12/2024 19:29 GMT+7

Lá chắn bảo vệ sức khoẻ người bệnh thời COVID-19

Thứ tư, 29/04/2020 16:29 GMT+7

Trong dịch COVID-19, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đóng góp phần quan trọng trong công tác đều trị và phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt cho đến nay không có trường hợp nào tử vong vì đại dịch. Bác sĩ có quá nhiều công việc phải xử lý, nhưng họ vẫn tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt nơi tuyến đầu chống dịch.

Những chiến sĩ chiến đấu vì sức khỏe người bệnh
 
Dịch COVID-19 xuất hiện, nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp xúc với nhiều nguy cơ mắc bệnh. Đã có 2 bác sĩ của bệnh viện mắc COVID-19. Điều này, các bác sĩ nơi đây đã lường trước và chấp nhận nguy cơ. Suốt 2 tháng qua, hình ảnh những y bác sĩ, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu gồng mình làm việc để phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người xót xa.
 
Trong khu vực điều trị cách ly của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người bệnh được phân luồng vào các khu vực riêng tuỳ theo mức độ nguy cơ nhiễm COVID-19 và mức độ nặng của bệnh, bao gồm khu cách ly điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, khu bệnh nhân nhiễm, và bệnh nhân nhiễm có biến chứng nặng để có biện pháp theo dõi và điều trị phù hợp.
Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - bước ra từ khu chăm sóc bệnh nhân COVID-19, đứng im một lúc ở hành lang, mắt trũng xuống nhưng vẫn hóm hỉnh: Đợt dịch COVID-19 cao điểm, có đoàn xuống thăm và làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, có ông bạn nhìn mình định chạy lại bắt tay, động viên, hỏi thăm tình hình anh em ở khoa thế nào thì bị “cách lý xã hội” kéo lại. Đúng là: Ông ở trong tấm vách. Tôi ở ngoài tấm vách. Gần nhau trong tấc gang. Mà biển trời cách mặt. Chúng tôi “xuất khẩu" thơ ngay tại khoảnh khắc hy hữu ấy. Khoa Cấp cứu gần như không có ngày nghỉ trong thời gian qua. Các y, bác sĩ căng mình đón bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19 cần cách ly và điều trị. Khi số ít các ca nghi ngờ cần sàng lọc mới xuất hiện thì được tiếp đón tại Khoa Cấp cứu. Khi số ca tăng dần, toàn bộ diện tích các khoa được tăng cường dành tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ nhiễm. Còn toàn bộ Khoa Cấp cứu tại cơ sở 2 trở thành khu điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
 
Trong quá trình điều trị, các nhân viên y tế gặp phải nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19 tại phòng cách ly đặc biệt, nhân viên y tế phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ. Bộ quần áo bảo hộ, nhìn thôi đã thấy "ngốt", huống hồ nhân viên y tế phải mặc nguyên mấy giờ đồng hồ, cơ thể bí bách.
 
Khó nhất là muốn đi vệ sinh, họ cũng phải cố đợi đến giờ được nghỉ giải lao mới được cởi bỏ bộ quần áo. Thông thường, nhân viên y tế sẽ đổi ca 8 giờ/lần và trong thời gian khoảng 4 giờ trực, họ sẽ được cởi bỏ đồ bảo hộ để ra ngoài ăn uống, đi vệ sinh. Kỷ luật đến mức, ngay cả những hành động rất đơn giản cũng phải thành quy trình kỹ năng như cởi một cái áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở một cánh cửa hay rửa đôi bàn tay...
 
Giờ đây, khi dịch COVID-19 đã bước qua giai đoạn căng thẳng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp hóm hỉnh: “Nhiều năm công tác ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tôi đã quen với việc xa nhà vào ngày Tết. Tuy nhiên, với nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Đơn cử như việc nhiều nhân viên y tế sau kì nghỉ Tết bỗng trở thành người vô gia cư, do chủ trọ không cho thuê nhà nữa, chính vì sự hoảng loạn quá mức. Các y, bác sĩ đang phải vất vả chống dịch mà phải đi tìm chỗ ở mới quả thực là điều rất khó khăn”.
 
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - kể: “Tôi đã được dạy về lòng biết ơn "cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy", cũng đã được dạy về sự hy sinh không đòi hỏi "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta". Từ khi làm trong ngành y, càng thấm thía hơn những điều đó. Thế nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng khi thấy các đồng nghiệp mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống và thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc. Các đồng nghiệp của tôi nhiều người đã lâu không được về nhà. Họ luôn là các F1”.
 
Trong cuộc chia sẻ hiếm hoi, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh đã rơi nước mắt kể về thời khắc khó khăn nhất của mình và đồng nghiệp ở bệnh viện: Khi gọi điện về nhà cho con, con hỏi sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về. Câu hỏi họ không thể trả lời vì chính họ cũng không biết khi nào mình được về, để ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ thương. Đau hơn khi một đồng nghiệp bị chủ nhà trọ lấy vôi bột rắc quanh nhà dù anh chồng đã nói vợ tôi trực ở bệnh viện không về.
 
“Với những người cách ly, họ còn căng thẳng hơn khi vừa trở về từ vùng dịch. Ngay từ khi ở Vũ Hán, họ đã rất lo lắng. Sau đó, khi được đưa về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, họ cũng buồn vì về đến Việt Nam mà không được gặp gia đình, gặp người thân. Nhiều trường hợp đã khóc nhiều trong quá trình thăm khám vì nhớ nhà. Các buổi đi khám của chúng tôi chủ yếu chuyển sang điều trị tâm lý, để động viên họ, bởi nếu họ không hợp tác thì rất khó cho quá trình cách ly. Rất may, trong toàn bộ thời gian này, tất cả đều rất hợp tác với bệnh viện” - bác sĩ Nguyễn Thị Hải Ninh nhớ lại.
 
Bộ trang phục kín mít mà nhân viên y tế phải mặc trong suốt thời gian trực dịch. Ảnh: Nguyễn Thu
 
Trái ngọt từ những nỗ lực của nhân viên y tế
 
Trong số gần 135 bệnh nhân của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đến nay có trên 70 người đã khỏi. Trong đó, có những bệnh nhân rất nặng, có bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn trong đêm đã được cấp cứu kịp thời và vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
 
Đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 143 bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2, với 15 bệnh nhân diễn biến nặng. Trong đó, 5 bệnh nhân có diễn biến nguy hiểm đến sinh mạng phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực với lực lượng y bác sĩ trực tiếp làm việc trong buồng bệnh, theo dõi liên tục người bệnh 24/24h. Chính vì thế, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời và thành công người bệnh có tổn thương tim gây biến chứng ngừng tuần hoàn trong đêm. Việc điều trị các bệnh nhân nặng này có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho nhân viên là rất cao. Tuy nhiên, với các biện pháp phòng chống lây nhiễm sáng tạo được triển khai và được tuân thủ chặt chẽ, đến nay, không có nhân viên nào tại đây bị lây nhiễm bệnh.
 
Với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên, đến nay, bệnh viện đã chữa khỏi 105 bệnh nhân. Hiện chỉ còn 2 bệnh nhân cần thở máy hỗ trợ nhưng bệnh đã thuyên giảm nhiều, người bệnh tỉnh táo và giao tiếp tốt.
 
Không chỉ các bác sĩ tuyến đầu mà ở tuyến dưới cũng đã trải qua thời gian chiến đấu với dịch COVID-19 đầy khó khăn. Cảm động trước những việc làm của nhân viên y tế, hoạ sĩ Nguyễn Lộc đã có tác phẩm bức tranh “Lá chắn trắng” dành tặng những chiến sĩ là nhân viên y tế trong cuộc chiến dịch COVID-19. Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và xuất hiện ở Việt Nam, hoạ sĩ Nguyễn Lộc đã ấp ủ mình sẽ truyền tải những suy nghĩ, quan tâm của mình về đại dịch bằng một bức tranh. Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị nhiễm COVID-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, hoạ sĩ thực sự xúc động. 
 
Giống như những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống giặc, những chiến sĩ áo trắng đối mặt mọi hiểm nguy để chúng ta có cuộc sống bình yên. Họ quên đi bản thân, thậm chí quên cả gia đình để bước vào cuộc chiến chống dịch. Tất cả người dân Việt Nam đều dành cho những chiến sĩ áo trắng ấy một thứ tình cảm đặc biệt.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1474

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:37993
Lượt truy cập: 13976972