Cơ thể bạn có tới 60% khối lượng là nước. Mỗi cơ quan đều cần nước để có thể hoạt động tốt. Trung bình mỗi người cần uống khoảng 2 lít nước/ngày nhưng lượng cụ thể tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, mức độ vận động... Thêm vào đó, bạn cũng cần tránh một số sai lầm sau:
1. Không uống nước khi ngủ dậy
Sau một đêm, cơ thể của bạn đã trải qua một quá trình trao đổi chất kéo dài. Các chất thải trong cơ thể cần có sự tác động để thoát ra bên ngoài. Nước là một tác nhân làm sạch hiệu quả.
Mỗi buổi sáng ngủ dậy, bạn nên uống một ly nước khoảng 200 ml. Lý tưởng nhất là nước sôi để nguội hoặc có thêm chút mật ong.
Bạn đừng uống nước quá nóng hoặc quá lạnh vào sáng sớm, thông thường, nhiệt độ phù hợp là 25-30 độ C.
Bạn lưu ý chỉ nên uống nước sau khi vệ sinh răng miệng. Nếu bạn uống nước trước khi đánh răng, các chất bẩn độc hại trong cơ thể sẽ bị phân tán đi, không tốt cho sức khỏe của bạn.
Ảnh minh họa: The Healthsite
2. Uống nước quá nhanh
Cách uống nước tốt nhất là nhấp từng ngụm nhỏ. Uống quá nhanh sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra các đau đầu, buồn nôn, nôn mửa.
3. Stress quên cả uống nước
Khi công việc có nhiều áp lực, bạn nên uống nhiều nước hơn. Đặc biệt, khi cần ra một quyết định quan trọng, tốt hơn cả là bạn uống một ly nước trước đó, sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn chuẩn xác.
Theo khảo sát của Đại học London (Anh), các sinh viên uống một ly nước trước kỳ thi có thể cải thiện khả năng nhận thức và có kết quả thi tốt. Uống nước sẽ giúp cho tâm trí của chúng ta trở nên rõ ràng ở một mức độ nào đó.
Sở Y tế Hong Kong cũng tiến hành một nghiên cứu về tác dụng của nước. Một phần ba số người tham gia uống 6 cốc nước mỗi ngày. Những người bận rộn với công việc thường quên uống nước trong nửa ngày.
Khi bạn khát, cơ thể đã mất nước. Bởi vậy, tốt nhất không nên chờ tới khi khát mới uống. Trong giờ làm việc, bạn nên uống nước cách một tiếng, đi tiểu sau 2-3 tiếng. Nếu nước tiểu màu vàng chứng tỏ bạn không uống đủ nước.
4. Uống không đủ nước khi bị cảm
Tờ New York Times đã chỉ ra rằng uống nước lọc hoặc nước hoa quả khi bị ốm sẽ giúp bạn bình phục nhanh hơn. Bởi nước giúp làm trôi dịch nhầy trong cổ họng, khiến bạn thở dễ dàng hơn.
Nếu sức khỏe suy sụp hơn, bạn bị sốt, cơ thể sẽ “bật” chế độ tự bảo vệ bằng cách tự làm mát. Lúc đó, bạn sẽ bị toát mồ hôi, khó thở. Bởi vậy, bạn cần uống thêm nhiều nước hơn bình thường.
Tất nhiên, bạn không thể chữa bệnh chỉ bằng uống nước. Nếu bị ốm nặng, bạn vẫn cần phải tới bệnh viện.
5. Nhịn uống nước để giảm cân
Trong các cách giảm cân, có biện pháp nhịn ăn khô là loại bỏ cả thức ăn và nước uống để thanh lọc cơ thể. Giải pháp này tiềm ẩn nguy hiểm vì gây kiệt sức và mất nước.
Trên thực tế, bạn có nhiều lựa chọn khác an toàn hơn. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên bạn nên uống nước trước và sau khi ăn nửa tiếng giúp giảm cân. Khi đó, bạn sẽ giảm nhu cầu ăn, chức năng tiêu hóa của dạ dày sẽ được củng cố, giúp duy trì vóc dáng.
6. Uống nhiều nước trước khi ngủ
Nếu bạn uống quá nhiều nước trước khi ngủ sẽ gây ra sưng mặt. Ngoài ra, bạn sẽ bị tỉnh dậy giữa đêm, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
Nguồn: Vietnamnet