Thứ tư, 22/01/2025 16:55 GMT+7
Thứ hai, 13/12/2021 11:22 GMT+7

Một vài suy nghĩ về việc đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của Bộ

Thực hiện: Nguyễn Thị Ngọc Lý, Thanh tra Bộ KH&CN

                Hà Thị Giang, Thanh tra Bộ KH&CN           

Thành viên chính Nhóm thực hiện Đề án "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng cơ chế phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan thuộc Bộ KH&CN ".

--------------------

          Theo quy định của Luật Thanh tra 2010 (điểm a, khoản 1, Điều 18 và khoản 3 Điều 36), Thanh tra Bộ có trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch thanh tra và hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm thuộc trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ. Trong những năm qua, công tác xây dựng kế hoạch thanh tra đã có nhiều đổi mới, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy, để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp (Chỉ thị số 20); Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (Chỉ thị số 10); Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra; Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, Thanh tra Bộ đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng cơ chế phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN)”.

          Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu 03 nhóm nội dung cơ bản: (i) rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra nói chung và chuyên ngành KH&CN nói riêng; (ii) rà soát, đánh giá thực trạng việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KH&CN; (iii) đề xuất Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và các đơn vị liên quan của Bộ KH&CN (sau đây gọi tắt là Quy chế).

Qua nghiên cứu các vấn đề đặt ra, nhóm nghiên cứu có một số nhận định và kiến nghị hoàn hiện cơ chế phối hợp trong công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại Bộ KH&CN như sau:

          1. Quan niệm về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành KH&CN   

          Hiện nay, giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra tuy có sự phân biệt nhưng chỉ là tương đối. Khi tiến hành cuộc thanh tra, thường phải tiến hành nhiều thao tác nghiệp vụ đó thực chất là kiểm tra. Ngược lại, đôi khi tiến hành kiểm tra để làm rõ vụ việc, lại lựa chọn được nội dung thanh tra. Kiểm tra và thanh tra là hai khái niệm khác nhau nhưng có liên hệ qua lại, gắn bó. Do vậy, khi nói đến một khái niệm người ta thường nhắc đến cả cặp với tên gọi là thanh tra, kiểm. Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, kiểm tra và thanh tra có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau, giữa chúng có sự giống nhau về mục đích nhưng lại khác nhau về một số điểm như: chủ thể tiến hành; mục đích thực hiện; phương pháp tiến hành; về thời hạn tiến hành; về trình độ nghiệp vụ; về nội dung, phạm vi; về thời gian tiến hành,… Tuy nhiên, việc phân biệt sự khác nhau giữa kiểm tra và thanh tra nhà nước chỉ mang tính tương đối, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn không nên tuyệt đối hóa sự phân biệt này mới thực hiện tốt được các cuộc thanh tra, kiểm tra đồng thời tránh được sai lầm khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra. Sự phân biệt này góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện chế định pháp luật về kiểm tra, thanh tra nhà nước đồng thời góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Theo quy định của pháp luật về thanh tra hiện nay, hoạt động thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

 Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.

  Từ các khái niệm nêu trên, chúng ta có thể rút ra khái niệm về thanh tra chuyên ngành KH&CN: đó là hoạt động thanh tra chuyên ngành của Bộ KH&CN, Sở KH&CN đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, quy định, quy tắc về quản lý nhà nước chuyên ngành về KH&CN.

Đối với khái niệm về kiểm tra chuyên ngành KH&CN, hiện nay Luật chuyên ngành có đưa ra khái niệm kiểm tra nhà nước về đo lường (được quy định tại Luật Đo lường số 04/2011/QH13) và khái niệm kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá (được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12).

 Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành KH&CN có quy định các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bao gồm: Thanh tra Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cục ATBXHN), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TĐC), Thanh tra Sở KH&CN.

          2.  Đánh giá công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ KH&CN trong thời gian qua

          Việc xây dựng định hướng thanh tra và chương trình kế hoạch thanh tra lĩnh vực KH&CN nói riêng và kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN nói chung thời gian qua đã có nhiều đổi mới tích cực, tập trung vào một số lĩnh vực, chuyên đề trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành thanh tra KH&CN, và bám sát hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đã góp phần vào việc chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân và đưa ra các kiến nghị cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường hơn nữa hoạt động quản lý của mình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chồng chéo (về đối tượng, phạm vi, nội dung) trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của Bộ và cơ quan, đơn vị khác trong Bộ; giữa kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ với địa phương (Sở KH&CN), với cơ quan kiểm toán nhà nước,…Việc này có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng và không đúng với tinh thần của Chỉ thị số 10 và Chỉ thị số 20.

Nguyên nhân chủ yếu do: hiện nay, Thanh tra Bộ mới chỉ tổng hợp, xây dựng và trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra do Thanh tra Bộ, Tổng cục TĐC, Cục ATBXHN chủ trì và kế hoạch kiểm tra do Thanh tra Bộ chủ trì. Kế hoạch kiểm tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước được phân cấp cho một số cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện (như Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC phê duyệt kế hoạch kiểm tra của một số đơn vị trực thuộc Tổng cục trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; Cục trưởng Cục ATBXHN phê duyệt kế hoạch kiểm tra do Thanh tra Cục đề xuất; Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ chủ trì thực hiện kế hoạch kiểm tra do Vụ đề xuất) do vậy dẫn đến việc còn trùng lặp về đối tượng giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra; giữa các cơ quan đơn vị thuộc Bộ; giữa Bộ KH&CN với địa phương.

         3. Đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ KH&CN

         Việc đề xuất cơ chế phối hợp (dưới hình thức Quy chế phối hợp) được thực hiện trên nguyên tắc: (i) hằng năm, Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra (phê duyệt, kiểm soát việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra và kiểm tra của Bộ, đặc biệt là với các trường hợp mà đối tượng thanh tra, kiểm tra là các doanh nghiệp; việc thanh tra, kiểm tra đột xuất sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật); (ii) giao cho Thanh tra Bộ sẽ là đầu mối điều phối, giúp Bộ trưởng thực hiện công tác này; (iii) các cuộc thanh tra, kiểm tra không được trùng lặp, chồng chéo, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của đối tượng được thanh tra, kiểm tra; khắc phục được tồn tại hiện nay, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN của Bộ KH&CN và của cả các địa phương.

        Đối tượng điều chỉnh của Quy chế là: Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ gồm: Thanh tra Bộ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiến hành hoạt động kiểm tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các đơn vị khác có liên quan.

        Dự thảo Quy chế quy định các nội dung chính gồm: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc phối hợp; nội dung và phương thức phối hợp trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của Bộ; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện trong đó nêu rõ trách nhiệm của Thanh tra Bộ (là đơn vị chủ trì, đầu mối tổng hợp, thẩm định, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của Bộ trình Bộ trưởng phê duyệt; chủ trì xử lý chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch) và trách nhiệm của Tổng cục TĐC, Cục ATBX và các đơn vị liên quan.

        Có thể nói, Quy chế phối hợp được ban hành và thực hiện có thể khắc phục tình trạng tồn tại, vướng mắc trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra nêu trên, là cơ sở quan trọng giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra của Bộ KH&CN; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ KH&CN nói riêng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN nói chung. Đồng thời cũng là căn cứ xác định và nâng cao trách nhiệm của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ KH&CN và các đơn vị khác có liên quan; thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 14/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và Chỉ thị số 01/CT-BKHCN ngày 21/4/2020 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về nâng cao năng lực KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

 

 

 

Lượt xem: 6190

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:35529
Lượt truy cập: 48143706