Thứ ba, 26/11/2024 20:47 GMT+7
Thứ năm, 22/07/2010 11:54 GMT+7

Pháp luật hải quan với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác và giao lưu kinh tế giữa các quốc gia, đặc biệt khi Việt Nam đã là thành viên APEC và WTO. Sở hữu trí tuệ được bảo hộ tốt sẽ là nguồn động lực kích thích hoạt động sáng tạo của con người, đồng thời, xét về mặt kinh tế, nó sẽ đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho người có công trình sáng tạo, cho người sản xuất áp dụng công trình sáng tạo đó vào thực tiễn, chống được các hiện tượng làm hàng giả, vi phạm bản quyền... dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Với chức năng quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, ngành Hải quan có vai trò quan trọng trong thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, đặc biệt từ khi ban hành Luật Hải quan năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2005 và gần đây là Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ 1-7-2006.

1. Việc thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ tại biên giới

Có thể nói, tại Việt Nam, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được nhà nước quan tâm từ rất sớm. Từ năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã tham gia Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), đồng thời đã sớm ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989.

Những năm gần đây, trong bối cảnh phát triển kinh tế, giao lưu thương mại toàn cầu, các hoạt động vi phạm quyền SHTT vẫn diễn ra gay gắt trên thế giới dưới nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đó là việc xuất, nhập khẩu hàng giả, hàng vi phạm bản quyền, hàng giả mạo xuất xứ... Vấn đề đặt ra là, các chủ SHTT phải quan tâm làm thế nào có thể ngăn chặn được các hành vi vi phạm này một cách có hiệu quả nhất, đỡ tốn kém nhất? Xét về nhiều phương diện, việc xử lý hàng hoá XNK có yếu tố xâm phạm quyền SHTT sẽ thu được hiệu quả nhất nếu tiến hành ngay khi hàng hoá đi qua biên giới, chưa đưa vào mạng lưới phân phối, lưu thông tại nội địa.

Như vậy, để bảo đảm thực hiện được các cam kết quốc tế về bảo hộ SHTT, bảo hộ được một cách có hiệu quả nhất quyền lợi hợp pháp của các chủ sở hữu quyền SHTT, bên cạnh việc phải xây dựng một cơ sở pháp lý làm cơ sở cho sự can thiệp của các cơ quan có trách nhiệm, vấn đề xác định cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm chính trong đấu tranh chống vi phạm quyền SHTT thông qua công tác kiểm soát biên giới cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Bởi vậy, với chức năng kiểm tra, kiểm soát và làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá XNK, các cơ quan Hải quan trên thế giới đều có nhiệm vụ kiểm soát biên giới nhằm bảo hộ quyền SHTT. Chính vì vậy, Hiệp định TRIPS được ký kết trong khuôn khổ vòng đàm phán URUGUAY, ngoài các quy định chung về bảo hộ SHTT, đã có các quy định rất chi tiết về vai trò và nghĩa vụ của Hải quan trong lĩnh vực này. Đồng thời, để hỗ trợ cho Hải quan các nước thành viên trong việc ban hành các văn bản pháp luật cũng như tổ chức hoạt động bảo hộ SHTT tại biên giới có hiệu quả, từ năm 1988 Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã soạn thảo một văn bản pháp quy mẫu (đã được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với Hiệp định TRIPS 1993) để các nước thành viên có thể căn cứ vào đó ban hành luật pháp quốc gia quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Hải quan trong lĩnh vực bảo hộ quyền SHTT.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK, cơ quan Hải quan ở tất cả các nước luôn có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền SHTT. Luật Hải quan của nhiều nước đều có quy định rõ vai trò này của cơ quan Hải quan.

2. Cơ sở pháp lý

ở Việt Nam, cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ bảo hộ quyền SHTT liên quan đến hàng hoá XNK trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó cụ thể nhất là quy định tại Luật Hải quan năm 2001, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 (các điều 57, 58, 59); Luật SHTT (các điều 199, 200, 214-219); Nghị định 154/2005/NĐ-CP năm 2005 về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; các Nghị định hướng dẫn Luật SHTT… Để thực thi bảo hộ quyền SHTT một cách cụ thể, Bộ Tài chính đã ký Thông tư liên bộ Tài chính - Văn hóa thông tin về bảo hộ quyền tác giả đối với hàng hóa XNK (năm 2003) và Thông tư liên bộ Tài chính - Khoa học, công nghệ và môi trường (năm 2004) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa XNK.

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam còn thực thi hệ thống các điều ước quốc tế về SHTT như Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Thụy Sỹ về bảo hộ SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT; Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; Công ước Bern về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam từ 26-10-2004; Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống sự sao chép trái phép có hiệu lực tại Việt Nam từ 6-7-2005; Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp Luật mẫu của Tổ chức Hải quan thế giới…

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005 và Luật SHTT, cơ quan Hải quan có quyền thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa XNK liên quan đến bảo hộ quyền SHTT như: tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT; chủ sở hữu có quyền đề nghị dài hạn hoặc trong từng trường hợp cụ thể để cơ quan Hải quan tạm dừng làm thủ tục đối với hàng hóa nghi ngờ vi phạm quyền SHTT.

Theo quy định của Luật Hải quan và Luật SHTT (Điều 216 và Điều 217), cơ quan Hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT và kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Theo đó, chủ thể quyền SHTT đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam có quyền đề nghị cơ quan Hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu khi có căn căn cứ cho rằng, hàng hoá đó xâm phạm quyền SHTT nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền SHTT thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Khi thực hiện việc đề nghị dừng làm thủ tục hải quan, người đề nghị phải có đơn đề nghị gửi cơ quan Hải quan, xuất trình các bằng chứng về quyền SHTT hợp pháp của mình được pháp luật bảo hộ, bằng chứng về việc hàng hoá đã xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời, họ phải nộp một khoản tiền bảo đảm bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng (nếu không thể xác định được giá trị lô hàng đó) hoặc chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác để bảo đảm bồi thường thiệt hại trong trường hợp đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan của họ không đúng. Khi xét thấy người đề nghị đã thoả mãn những điều kiện nêu trên, cơ quan Hải quan sẽ xem xét và ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá XNK.

Để được cơ quan hải quan xem xét ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là có vi phạm về SHTT, người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT phải có các nghĩa vụ sau đây:

- Chứng minh mình là chủ thể quyền SHTT bằng các tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật này;

- Cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT hoặc để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT;

- Nộp đơn cho cơ quan hải quan và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

- Bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh cho người bị áp dụng biện pháp kiểm soát trong trường hợp hàng hoá bị kiểm soát không xâm phạm quyền SHTT.

Về thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan, Điều 218 Luật SHTT quy định như sau: khi người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 217 của Luật SHTT thì cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là mười ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không được quá hai mươi ngày làm việc với điều kiện người yêu cầu tạm dừng thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản bảo đảm theo quy định tại Điều 217 của Luật SHTT.

Khi kết thúc thời hạn quy định trên mà người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với người xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng thì cơ quan hải quan phải có trách nhiệm sau đây:

- Tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng;

- Buộc người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải bồi thường cho chủ lô hàng toàn bộ thiệt hại do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra và phải thanh toán các chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh khác cho cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật về hải quan;

- Hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khoản tiền bảo đảm còn lại sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và thanh toán các chi phí quy định tại điểm b khoản này.

Trong trường hợp chủ thể quyền SHTT có đề nghị kiểm tra, giám sát (cả đề nghị dài hạn và trường hợp cụ thể) để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT thì khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho người đó. Trong thời hạn ba ngày làm việc (kể từ ngày được thông báo), nếu người đề nghị không yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị phát hiện và cơ quan hải quan không quyết định xem xét việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật SHTT thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.

Như vậy, hiện nay cơ quan Hải quan không chỉ tạm dừng làm thủ tục hải quan khi có đơn đề nghị của chủ sở hữu quyền SHTT đối với từng trường hợp cụ thể như quy định tại Luật Hải quan năm 2001, mà chủ sở hữu quyền SHTT còn có quyền đề nghị kiểm tra, giám sát dài hạn để cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra giám sát hàng hóa XNK, có quyền tạm dừng làm thủ tục nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT. Đây chính là quy định đã được sửa đổi bổ sung tại Điều 57 của Luật Hải quan.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động, cơ quan Hải quan còn có trách nhiệm bảo hộ quyền SHTT ngay cả trong trường hợp tự mình phát hiện có vi phạm quyền SHTT. Hơn nữa, quy định chủ SHTT phải cung cấp những thông tin như: thông tin về người nhập khẩu, về cửa khẩu nhập, bằng chứng... về lô hàng vi phạm SHTT trong một khoảng thời gian rất ngắn là không dễ. Trong khi đó, pháp luật hiện nay chưa có quy định nào cho phép cơ quan Hải quan trên cơ sở các thông tin được cung cấp trước, được chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá đang bị nghi vấn vi phạm quyền SHTT (thẩm quyền tạm dừng đương nhiên). Thiếu một cơ chế như vậy, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong lĩnh vực bảo hộ SHTT sẽ không được phát huy và hiệu quả thu được chưa cao. Trong khi đó, việc áp dụng qui định về thẩm quyền tạm dừng đương nhiên của cơ quan Hải quan trong việc thực thi bảo hộ quyền SHTT tại biên giới là một trong những thông lệ chung của hải quan các nước trên thế giới.

Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính, ngành Hải quan thực hiện trên cơ sở quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003; Nghị định 138/2004/NĐ-CP ngày 17-6-2004 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tại điều 200 Luật SHTT cũng quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về SHTT của cơ quan Hải quan. Theo đó có các biện pháp như: tạm giữ người; tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu... Cơ quan Hải quan có thể áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính (theo Điều 214 Luật SHTT) như: cảnh cáo, phạt tiền (ít nhất bằng một lần nhưng không vượt quá năm lần trị giá hàng vi phạm), hình phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa xâm phạm. Cũng tại Luật SHTT, Điều 214 cũng quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tiêu hủy hoặc cho đưa vào sử dụng nhưng không nhằm mục đích thương mại; buộc tái xuất hàng nhập khẩu giả mạo sau khi đã loại bỏ yếu tố xâm phạm; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng quá cảnh xâm phạm.

3. Những kết quả đạt được

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, cơ sở pháp lý và quy định trình tự, thủ tục về bảo hộ quyền SHTT tại biên giới đã tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, việc thực thi của cơ quan Hải quan đã thuận lợi hơn. Để nâng cao vai trò của công tác bảo hộ SHTT, ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống tổ chức dọc, có công chức kiêm nhiệm về công tác SHTT từ Tổng cục tới các Chi cục Hải quan cửa khẩu. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành Hải quan đã đưa chương trình SHTT vào chương trình giảng dạy bắt buộc trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng công chức hải quan các cấp. Đồng thời, ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về SHTT cho công chức hải quan tại các địa phương.

Sự phối hợp với các bộ, ngành và doanh nghiệp trong thực thi bảo hộ quyền SHTT có vai trò quan trọng. Liên bộ Văn hóa - Thông tin, Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thương mại, Công an đã thống nhất ban hành Kế hoạch hành động về bảo vệ quyền SHTT giai đọan 2006-2010. Ngành Hải quan đã phối hợp với các tổ chức quốc tế (như cơ quan phát minh sáng chế EU, Hải quan Nhật Bản...); các tổ chức, công ty, đại diện về SHTT (như Invenco, Phạm và Liên danh, Invenstip...) để tổ chức các lớp tập huấn cho công chức hải quan tại cửa khẩu nhận biết đặc điểm hàng giả nhãn hiệu, hàng giả chỉ dẫn địa lý, hàng xâm phạm quyền SHTT... Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận với một số doanh nghiệp (như Công ty Unilever) về bảo vệ quyền SHTT cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Với các biện pháp tích cực trên, Hải quan Việt Nam đã chủ động phát hiện được một số vụ xâm phạm quyền SHTT. Điển hình là vụ lô hàng quá cảnh thuốc lá JET và hình đầu con sư tử do Hải quan Đà Nẵng phát hiện; vụ nhập khẩu linh kiện, phụ tùng xe máy vi phạm nhãn hiệu của hãng HONDA do Hải quan Lạng Sơn phát hiện; vụ ngăn chặn xâm phạm nhãn hiệu bóng đèn OSRAM, giả nhãn hiệu W và WILSON (sản phẩm dụng cụ thể thao của Công ty WILSON) do Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với chủ sở hữu thực hiện... Ngoài ra, các Chi cục Hải quan cửa khẩu thông qua công tác kiểm tra kiểm soát hàng hóa XNK đã chủ động phát hiện nhiều vụ xâm phạm về chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp và nhiều băng đĩa nhạc lậu...

Tuy nhiên, trong bối cảnh gia tăng hoạt động XNK và xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn vi phạm quyền SHTT qua biên giới, Hải quan Việt Nam đang đứng trước những thách thức trong thực thi bảo vệ quyền SHTT đối với hàng hóa XNK. Đây cũng là vấn đề được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) rất quan tâm. Ngay tại Hội nghị Tiểu ban thủ tục hải quan APEC vừa được tổ chức tại Việt Nam tháng 9-2006, vấn đề bảo hộ quyền SHTT được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Đây là một trong hai nội dung trong Cuộc đối thoại Hải quan -Doanh nghiệp APEC, trong đó cơ quan Hải quan phải tiếp tục nâng cao năng lực thực thi, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động này.

Đối với Hải quan Việt Nam, đánh giá của Tổng cục Hải quan cho thấy, hiện chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về SHTT để cập nhật thông tin, phản ánh thông lệ quốc tế về kiểm soát biên giới. Hàng hóa XNK đa dạng, khó phân biệt, hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm nhãn hiệu diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi, trong khi đó cơ quan Hải quan đang chịu áp lực phải đẩy mạnh cải cách thủ tục, đơn giản hóa thủ tục thông quan. Bên cạnh đó, việc kiểm tra kiểm soát của hải quan thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, đảm bảo vừa quản lý hiệu quả vừa tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp cũng là thách thức lớn đối với hải quan trong thực thi bảo vệ quyền SHTT. Trong khi đó, trình độ nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hải quan về tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT còn thấp. Hầu hết cán bộ, công chức đều có kiến thức hạn chế về việc phát hiện hành vi XNK hàng hoá có vi phạm quyền SHTT, phân biệt hàng thật với hàng giả...

Về phía doanh nghiệp, chủ sở hữu chưa thực sự chủ động phối hợp cung cấp thông tin chống hàng vi phạm quyền (ghi nhận thông tin) với cơ quan Hải quan. Hiện nay vẫn còn ít trường hợp các chủ sở hữu quyền và người đại diện hợp pháp của họ tìm đến cơ quan hải quan yêu cầu giúp đỡ, một phần do những hạn chế về khả năng của cơ quan hải quan, một phần cũng do chưa có cơ chế thật thích hợp trong quan hệ phối kết hợp giữa hai bên. Sự phối hợp về bảo vệ quyền SHTT giữa Hải quan và cơ quan chức năng có liên quan vẫn còn vướng mắc chưa kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, sự trao đổi thông tin, hợp tác cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về SHTT giữa Hải quan Việt Nam và các tổ chức quốc tế cần tiếp tục tăng cường hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu.

4. Một số khuyến nghị

Trong thời gian tới, để cơ quan Hải quan tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền SHTT tại biên giới, cần tiếp tục hoàn thiện về cả cơ sở pháp lý cũng như thực thi trên thực tế, cụ thể là:

- Về cơ sở pháp luật: Cần tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện hệ thống các các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thực thi,bảo hộ quyền SHTT tại biên giới mà trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện pháp luật Hải quan, trong đó qui định cơ quan Hải quan có quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hoá xuất khẩu, nhâp khẩu vi phạm quyền SHTT. Đồng thời, quy định về thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc xác định và xử lý hành vi vi phạm, kiến nghị các Bộ, ngành liên quan sửa đổi một số quy định về xử lý hành vi vi phạm. Từng bước rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi bảo hộ quyền SHTT để hoàn thiện các quy định trong công tác thực thi tại cơ quan Hải quan.

- Về mặt tổ chức: Cần thành lập đơn vị chuyên trách thực thi bảo hộ quyền SHTT từ Tổng cục Hải quan đến các cơ quan Hải quan địa phương làm lực lượng nòng cốt trong việc chống vi phạm quyền SHTT tại biên giới.

- Về đào tạo, tập huấn, tuyên truyền: Cần trang bị cho cán bộ Hải quan chuyên trách các kiến thức cơ bản về lĩnh vực SHTT và biện pháp, thủ tục thực thi bảo hộ quyền SHTT tại cơ quan Hải quan. Tuyên truyền văn bản pháp luật về thực thi quyền SHTT tại cơ quan Hải quan cho mọi đối tượng có liên quan cũng như các thông tin về hàng hoá liên quan đến quyền SHTT.

- Về phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin: Cần có sự phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin chặt chẽ hơn giữa cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng như với chủ sở hữu quyền SHTT. Bên cạnh đó, các chủ sở hữu quyền SHTT cần chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình thông qua việc cung cấp thông tin về quyền, đặc điểm dấu hiệu nhận biết hàng vi phạm... Ngoài ra, cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa liên quan đến SHTT giữa cơ quan Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước trên thế giới cũng như các chủ sở hữu quyền.

- Về công cụ thực hiện: Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng các tiêu chí thống kê trong lĩnh vực thực thi bảo hộ quyền SHTT và yêu cầu làm tốt công tác thống kê ngay từ đầu.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 89/2006 (trang 40 – 45)

 

Lượt xem: 21246

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:42258
Lượt truy cập: 46382817