Thứ hai, 25/11/2024 09:10 GMT+7
Thứ bảy, 10/01/2009 17:13 GMT+7

Sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Đối chiếu với Hiệp định về sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS), có thể thấy rằng khi nộp đơn cho Tổ chức Thương mại thế giới, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn rất nhiều điểm chưa phù hợp.

Với mong muốn nhanh chóng hội nhập với thế giới và mở đường cho hoạt động đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã xây dựng một Chương trình về sở hữu trí tuệ nói chung mà mục tiêu tổng quát là làm cho hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam phù hợp hoàn toàn với TRIPS vào ngày 1/1/2000. Đây là ngày mà Hiệp định TRIPS ấn định cho các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới là nước đang phát triển hoặc đang chuyển đổi nền kinh tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ của hiệp định. Tiến sĩ Markus Cornaro, Đại sứ - Trưởng phái đoàn đại diện Uỷ ban Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Chúng mang lại sự tin tưởng cho chủ sở hữu khi chuyển giao kiến thức, công nghệ và bí quyết. Không thể nói hết về nhu cầu phát triển một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện đại, vận hành trôi chảy và được thực thi một cách đầy đủ. Đó là tâm điểm cho việc phát triển các quan hệ thương mại và đầu tư dài hạn và lành mạnh, tạo cơ sở cho việc chuyển giao công nghệ thành công giữa các bên”.


Quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường thế giới. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nước ta buộc phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với cường độ cao, với những yêu cầu chặt chẽ về thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp. Đây cũng là một trong những vấn đề mà các đối tác quốc tế quan tâm trong tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của nước ta. Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch, hội đồng thương mại Việt - Mỹ cho biết: “Tôi cho rằng sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề lớn của Việt Nam. Ở đây, Việt Nam đã thực hiện vấn đề về sở hữu trí tuệ như thế nào. Tất nhiên là Việt Nam sẽ thực hiện tốt vấn đề về sở hữu trí tụê. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập, cũng có một số nước đã vào Tổ chức Thương mại thế giới không thực hiện được cam kết và đấy cũng là vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Chúng tôi cũng đang xem xét những chuẩn mực mà Việt Nam đã cam kết sẽ được thực hiện trên thực tế như thế nào”.


Nâng cao ý thức coi trọng sở hữu trí tuệ


Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tình trạng phổ biến ở Việt Nam, mà các quốc gia khác trên thế giới cũng như vậy, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp… Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là không chỉ riêng người dân chưa nhận thức về sở hữu trí tuệ, mà ngay cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa coi trọng vấn đề này.

Trong môi trường kinh tế thị trường hiện nay, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực trong kinh doanh của doanh nghiệp. Trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ 20% là của doanh nghiệp Việt Nam. Đa số nhãn hiệu đăng ký lại là của các doanh nghiệp tư nhân, rất ít doanh nghiệp nhà nước tham gia.


Cần phải nhìn nhận một thực tế là, quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bị xâm phạm ngày càng phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mà chúng ta mở cửa rộng rãi hơn. Ý thức của người tiêu dùng cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân của hiện tượng này do giá bán hàng giả chỉ bằng 1/3 đến 1/10 giá của hàng thật nên người tiêu dùng biết là hàng giả nhưng vẫn dùng vì “giá rẻ”.


Bên cạnh đó là sự cố tình vi phạm của các công ty về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá hay sản phẩm bán chạy cùng loại. Chúng ta có thế kể đến một loạt trường hợp bị vi phạm như của Công ty HONDA Việt Nam, công ty UNILEVER hay công ty bia Hà Nội. Công ty Honda Việt Nam đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho loại xe FUTURE nhưng lại bị khá nhiều công ty khác vi phạm khi lắp ráp các chi tiết tạo dáng cơ bản. Công ty UNILEVER đang được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá OMO và và hình cho nhóm bột giặt và chất tẩy rửa. Tuy nhiên, công ty này cũng bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi bị một công ty khác đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá gần giống cho sản phẩm cùng loại.


Qua những ví dụ trên có thể thấy tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có vị trí không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi được chú trọng và khai thác một cách tối ưu, tài sản “vô hình” này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh để nâng cao doanh thu và lợi nhuận.


Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, sở hữu trí tụê là một công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Thực tiễn cho thấy, nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các doanh nghiệp nước ta, quyền sở hữu trí tụê cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

 

Lượt xem: 23098

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:12936
Lượt truy cập: 46333037