Thứ sáu, 22/11/2024 10:48 GMT+7
Thứ năm, 15/01/2009 17:14 GMT+7

Kết quả một năm thực hiện Chương trình Hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006 – 2010

Ngày 29/11/2005, tại kỳ họp thứ XI, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006

Việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) không những nhằm mục đích nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu và người tiêu dùng trong lĩnh vực SHTT, góp phần khuyến khích các hoạt động đầu tư, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, buôn bán hàng hoá mà còn thực hiện đúng cam kết của nước ta khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Những năm gần đây, hoạt động đảm bảo thực thi quyền SHTT nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đã được nhà nước ta quan tâm và bước đầu có hiệu quả. Nhiều vụ việc xâm phạm quyền SHTT đã được các cơ quan thực thi phát hiện, xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự và dân sự. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều, hành vi và mức độ xâm phạm cũng phức tạp và tinh vi hơn trước đây.

Thực tế đó đòi hỏi công tác quản lý nhà nước cần phải được nâng cao hơn nữa, trong đó sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong hoạt động thực thi quyền SHTT là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Tháng 9 năm 2004, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin đã đồng tổ chức “Hội nghị toàn quốc về bảo vệ quyền SHTT”. Kết quả của Hội nghị là tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh phối hợp hoạt động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT.

Từ thực tế trên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin đã đề xuất với các bộ liên quan ký cam kết phối hợp hành động trong lĩnh vực phòng và chống xâm phạm quyền SHTT.

Ngày 19/01/2006, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Công an, sau đó có bổ sung Bộ Bưu chính Viễn thông đã ký kết Chương trình Hành động số 168/CTHĐ/VHTT-KHCN-NN&PTNT-TC-TM-CA về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình Hành động 168), đồng thời hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND cấp tỉnh) triển khai thực hiện ở các địa phương.

Một trong các nội dung của Chương trình Hành động 168 là các bộ thống nhất cử Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối tổng hợp chung về hoạt động bảo vệ quyền SHTT trong cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 29/3/2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ tham gia Chương trình và một số địa phương tổ chức "Hội nghị Sơ kết một năm thực hiện Chương trình Hành động 168", đề xuất các giải pháp thực hiện trong năm 2007 và những năm tiếp theo.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ tham gia Chương trình Hành động 168 và các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ xin báo cáo như sau:

 

A. KẾT QUẢ MỘT NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG 168

 

I. Công tác tuyên truyền, phổ cập, hướng dẫn xã hội tôn trọng, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng

Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Luật SHTT và triển khai Chương trình Hành động 168, các bộ, ngành và các địa phương đã rất chú trọng tới công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Theo báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, năm 2006 đã thực hiện nhiều đợt phổ biến, tuyên truyền pháp luật về SHTT thông qua các hình thức như: báo, đài, hội nghị, hội thảo, v.v... để phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lĩnh vực SHTT.

1. Bộ Văn hóa - Thông tin: đã có gần 1000 tin, bài tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan (hầu hết các đài truyền hình Trung ương và địa phương đều có tin, bài, chương trình về lĩnh vực này). Đã tổ chức và phối hợp tổ chức 11 hội nghị, hội thảo, tập huấn cho các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, thực thi trong ngành văn hoá - thông tin, ngành hải quan, các tổ chức phát sóng, doanh nghiệp sản xuất chương trình máy tính, các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan. Tổ chức họp báo giới thiệu nội dung Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối các tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá, bảo hộ chương trình máy tính với sự phối hợp của Liên minh phần mềm quốc tế (BSA).

 Bên cạnh đó Bộ Văn hoá - Thông tin đã tổ chức xuất bản và phát hành một số sách như: “Các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan”, “Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan”, “Niên giám đăng ký quyền tác giả năm 2005”.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ (Thanh tra, Cục Sở hữu trí tuệ, Trường Nghiệp vụ quản lý khoa học và công nghệ) thực hiện các hoạt động phối hợp với các cơ quan báo chí và tuyên truyền (Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Pháp luật, Báo Lao động, Báo Khoa học và Phát triển, Tạp chí Hoạt động khoa học...) tổ chức tuyên truyền, thực hiện các phóng sự về SHTT.

Tổ chức và phối hợp tổ chức 10 hội thảo về sở hữu công nghiệp với hơn 1.600 đại biểu tham dự, trong đó có 8 hội thảo phối hợp với đối tác nước ngoài, 01 hội thảo phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và 01 hội thảo phối hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm. Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia cố vấn nghiệp vụ cho chương trình “Chắp cánh thương hiệu” của Đài truyền hình Việt Nam (VTV3).

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình tuyên truyền rộng rãi về Luật SHTT và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là tuyên truyền Nghị định số 104/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về quyền đối với giống cây trồng, nhất là đối với thông tin về giống cây trồng đã được bảo hộ tới các địa phương.

4. Bộ Bưu chính Viễn thông đã chỉ đạo ngành bưu chính viễn thông tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, các tổ chức, doanh nghiệp biết, không thực hiện việc kinh doanh, sử dụng các phần mềm sao chép vi phạm bản quyền.

5. Bộ Thương mại đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và một số Chi cục hợp tác với các cơ quan truyền thông tham gia các chuyên đề về SHTT, các chương trình tìm hiểu về SHTT.

Cục Quản lý thị trường kết hợp với Dự án ECAPII (với sự ủng hộ tích cực của Cục SHTT - Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức 02 triển lãm "Hàng thật - hàng giả" nhằm tuyên truyền cho nhân dân và người tiêu dùng hiểu biết thêm về tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam vào thời điểm kỷ niệm ngày Quốc khánh và Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Điều đó đã tăng thêm hiệu quả tuyên truyền, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đấu tranh chống lại tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Ngoài ra, việc các Chi cục Quản lý thị trường tổ chức tiêu huỷ hàng giả tại địa phương cũng góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này.

II. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm

Năm 2006, hoạt động thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm về SHTT đã được các bộ, ngành chú trọng chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai, thực hiện. Theo thống kê chưa đầy đủ, các lực lượng thực thi quyền SHTT ở 6 bộ và địa phương đã thanh tra, kiểm tra trên 35 nghìn cơ sở, xử lý trên 18 nghìn cơ sở có hành vi xâm phạm quyền SHTT và hàng hoá giả mạo SHTT. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 15 tỷ đồng, tịch thu nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính khác. Cụ thể là:

1. Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin và các đội kiểm tra liên ngành về văn hoá - thông tin các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 20.414 cơ sở kinh doanh, dịch vụ văn hoá, phát hiện và xử lý 5.647 cơ sở vi phạm, cảnh cáo 519 cơ sở, đình chỉ hoạt động 289 cơ sở, tạm giữ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận hành nghề của 160 cơ sở, chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự 09 trường hợp, đồng thời tịch thu và tiêu huỷ nhiều tang vật vi phạm hành chính. Phạt tiền đối với các cơ sở vi phạm hành chính là 10.891.780.000 đồng.

2. Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.521 cơ sở trong việc chấp hành các quy định về sở hữu công nghiệp, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp, phát hiện và xử lý vi phạm 92 cơ sở, buộc tiêu hủy hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Phạt tiền đối với các cơ sở vi phạm hành chính là 140.075.000 đồng.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với các cơ quan có liên quan thi hành nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền SHTT như thông qua việc tiến hành các hoạt động giám định phục vụ việc xử lý các vi phạm pháp luật về SHTT (năm 2006 đã tiếp nhận 564 văn bản trao đổi nghiệp vụ liên quan đến những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).

3. Nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, trong năm 2006, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường các hoạt động kiểm soát hàng hoá lưu thông trên thị trường, đã phát hiện xử lý 12.885 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Đặc biệt đã xử lý 448 vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 1715 vụ vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, 02 vụ liên quan đến tên thương mại, 01 vụ về sáng chế và 06 vụ liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 4.386.881.000 đồng, tịch thu, xử lý nhiều tang vật vi phạm hành chính (thu giữ 4821 chai rượu giả, 328 cuộn dây điện xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ).

4. Để thực hiện việc kiểm soát hàng hoá nhập khẩu vi phạm quyền SHTT, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đã chỉ đạo và hướng dẫn Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc bảo vệ quyền SHTT tại biên giới theo các quy định của Luật Hải quan, Luật SHTT. Đồng thời, thông báo đến Hải quan một số tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra, giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo đề nghị của các chủ thể quyền. Nhiều đơn vị trong lực lượng Hải quan đã thực hiện tốt các hoạt động này như: Cục Hải quan Hải Phòng đã thu giữ và tiêu huỷ các phụ kiện điện thoại mang nhãn hiệu NOKIA giả, dây nối giả nhãn hiệu SONY, máy tính số học giả nhãn hiệu CASIO; Cục Hải quan Nghệ An đã thu giữ, tiêu huỷ 130 kg bao bì giả nhãn hiệu thiết bị điện VANLOCK; Cục Hải Quan Đồng Nai, Bình Dương và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng phát hiện được một số vụ vi phạm về nhãn hiệu và xuất xứ hàng hoá...

5. Bộ Bưu chính Viễn thông đã tăng cường công tác chỉ đạo thanh tra về bản quyền sử dụng phần mềm tại các doanh nghiệp kinh doanh máy tính, thanh tra việc cài đặt, xây dựng các trang Web cho các tổ chức và cá nhân.

Một số Sở Bưu chính Viễn thông đã thực hiện tốt nội dung này là Lai Châu, Thanh Hóa, Bình Thuận, Ninh Thuận... Đặc biệt, Sở Bưu chính Viễn thông Lai Châu đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, tiến hành thanh tra và đã phát hiện các cơ sở kinh doanh máy tính thường cung cấp cho khách hàng các phần mềm (Windows, Microsoft Office, Vietkey) không có bản quyền, vi phạm pháp luật về bản quyền.

Như vậy, trong năm 2006, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về SHTT do lực lượng chức năng của các bộ, ngành và địa phương thực hiện đã góp phần tích cực trong việc giáo dục, răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền.

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc các Bộ đã có sự chủ động phối hợp hoạt động theo Chương trình Hành động 168, như: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã bước đầu phối hợp với Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông đề xuất phương án giải quyết nội dung xâm phạm quyền SHTT liên quan đến tên miền.

Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Thương mại đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ để thống nhất vấn đề xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN.

III. Công tác xây dựng các văn bản pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng

Trong năm 2006, các Bộ đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT: Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006; Bộ Văn hoá Thông tin soạn thảo Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo Nghị định 104/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.

Hiện nay các bộ đang tiếp tục soạn thảo 02 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thương mại đã tổ chức các cuộc họp, trao đổi, thống nhất kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản như: Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, Quy định quản lý và sử dụng tài nguyên Internet (ban hành kèm theo Quyết định 27/2005/QĐ-BCVT ngày 11/8/2005 của Bộ Bưu chính Viễn thông) nhằm hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT.

IV. Hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin

Trong năm 2006, các bộ tham gia Chương trình Hành động 168 và các địa phương đã thực hiện đẩy mạnh các hoạt động trao đổi và cung cấp thông tin liên quan đến thực thi Luật SHTT theo sự thoả thuận tại Chương trình này.

1. Bộ Văn hoá - Thông tin đã tổ chức hội nghị tập huấn “Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan” cho 370 đại biểu đại diện cho giới sáng tạo, các tổ chức và doanh nghiệp sử dụng tác phẩm và các cơ quan quản lý, thực thi trên phạm vi toàn quốc; Phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức lớp tập huấn về Luật SHTT cho cán bộ hải quan trên toàn quốc; Phối hợp với liên minh phần mềm quốc tế (BSA) và Microsoft tổ chức Hội thảo “Quyền tác giả đối với chương trình máy tính” cho các doanh nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Văn phòng bảo hộ giống cây trồng (thuộc Cục trồng trọt). Văn phòng đã tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin liên quan về giống cây trồng trong các danh mục được bảo hộ trên các tạp chí chuyên ngành và cung cấp cho các địa phương. Đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội thảo trao đổi và cung cấp thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại Tân Cương (Thái Nguyên), Thanh Hà (Hải Dương), Hải Hậu (Nam Định) cho các cán bộ quản lý nông nghiệp và khoa học công nghệ ở địa phương, các hiệp hội ngành nghề và nông dân tham gia sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương.

3. Lực lượng thực thi quyền SHTT của các bộ như: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục quản lý cạnh tranh, Cơ quan quản lý thị trường ở Trung ương và địa phương đã có nhiều hoạt động theo dõi thông tin, phối hợp và thống nhất biện pháp xử lý, chuyển giao hồ sơ đề nghị xử lý đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT theo đúng chức năng và thẩm quyền.

V. Công tác đào tạo, tập huấn và hợp tác quốc tế

1. Bộ Văn hoá - Thông tin đã cử 18 đoàn với 38 lượt người (trong đó có 20 lượt người là cán bộ thuộc các cơ quan bộ, ngành Trung ương và địa phương) tham dự hội thảo, hội nghị và học tập về SHTT tại 12 quốc gia. Phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo “Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan”, Hội thảo “Quyền tác giả của các tổ chức phát sóng”.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức 28 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sở hữu công nghiệp cho các cán bộ quản lý, thực thi quyền sở hữu công nghiệp, cán bộ nghiên cứu và doanh nghiệp thuộc các địa phương, ngành với 2.227 lượt người tham dự.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan: Cơ quan Sở hữu trí tuệ Thụy Sỹ, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ, Cộng đồng Châu Âu (thông qua Chương trình ECAP II), Cơ quan sáng chế Nhật Bản, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức cho 79 lượt cán bộ thuộc các cơ quan thực thi của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Cục Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, các Sở Khoa học và Công nghệ và một số cơ quan có liên quan tham dự 17 hội thảo về thực thi quyền SHTT tại các nước: Thái Lan, Philippin, Indonesia, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Chilê, Thụy Sỹ.

Từ kết quả hợp tác với Chương trình hợp tác về quyền SHTT (EC-ASEAN) của Uỷ ban châu Âu (ECAP II) do Cục Sở hữu trí tuệ làm đầu mối, một số cơ quan thực thi quyền SHTT (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ) đã được hỗ trợ trang thiết bị làm việc gồm: máy tính xách tay, để bàn, máy in, máy quay, máy photocopy…có tổng trị giá 43.600 USD.

Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với Trường Nghiệp vụ quản lý khoa học và công nghệ tổ chức 3 lớp tập huấn cho 187 cán bộ Thanh tra Khoa học và Công nghệ để phổ biến các nội dung của Luật SHTT và các nghị định hướng dẫn thi hành.

3. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan)  tổ chức Hội thảo giới thiệu nội dung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ Hải quan trong cả nước; Tổ chức Hội thảo “Áp dụng các biện pháp rủi ro về quyền SHTT cho Hải quan và Công an kinh tế” tại Hà Nội (với sự tham gia của các chuyên gia thuộc Cục Sở hữu trí tuệ và Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ).

Tổng cục Hải quan đã cử nhiều cán bộ tham dự các khoá đào tạo tại Nhật Bản, Thái Lan và Hoa Kỳ về thực thi quyền SHTT.

4. Cục Quản lý thị trường - Bộ Thương mại đã phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức lớp tập huấn về SHTT cho 64 Chi cục Quản lý thị trường trên toàn quốc. Lớp tập huấn đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi những vướng mắc của học viên về vấn đề thực thi quyền SHTT được giải đáp cụ thể và rõ ràng.

Năm 2006, Cục Quản lý thị trường đã tổ chức các đoàn cán bộ đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm thực thi quyền SHTT tại một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ v.v...

5. Bộ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức lớp tập huấn cho Thanh tra của 29 Sở Bưu chính Viễn thông về Luật Công nghệ thông tin và các quy định về hình thức và mức xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính về SHTT trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

VI. Hỗ trợ hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, đào tạo tập huấn, trao đổi cung cấp thông tin, các Bộ tham gia Chương trình Hành động 168 đã đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền SHTT, cụ thể:

1. Bộ Văn hoá - Thông tin đã tổ chức Hội thảo “Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan” và “Tư vấn cho các tổ chức quản lý tập thể của Việt Nam” tại Hà Nội trong khuôn khổ chương trình hợp tác về SHTT giữa Liên minh châu Âu và các nước ASEAN (Dự án ECAP II). Đồng thời chỉ đạo các sở Văn hoá - Thông tin về việc quản lý, thực thi quyền tác giả và quyền liên quan tại các địa phương.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp, hỗ trợ Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam thực hiện tốt các hoạt động của Hội, thường xuyên cử các giảng viên tham gia với Hội tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời lấy ý kiến tư vấn, phản biện của Hội trong việc xử lý các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mang tính phức tạp.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo một số đơn vị thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về đất đai, khí hậu, chất lượng đặc thù, quy trình kỹ thuật để sản xuất một số sản phẩm đặc sản của địa phương.

VII. Triển khai Chương trình Hành động 168 tại địa phương

Một trong những nội dung của Chương trình Hành động 168 là các bộ tham gia Chương trình cam kết hợp tác, hướng dẫn UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện tại địa phương.

Đến nay đã có 33 tỉnh, thành phố ký kết Chương trình về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT theo mô hình ở Trung ương là: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Tây Ninh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái, v.v… Một số địa phương mặc dù chưa ký kết Chương trình Hành động nhưng đã căn cứ vào yêu cầu của Chương trình Hành động 168 ở Trung ương để triển khai và đã thực hiện tốt nhiều nội dung của Chương trình.

Nhiều địa phương đã tích cực triển khai và thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền phổ biến về Luật SHTT và các văn bản liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể: Đã tổ chức được 98 đợt tuyên truyền và đưa nhiều tin bài liên quan đến pháp luật về SHTT trên đài truyền hình, báo, tạp chí, với những nội dung phong phú như:

- Tại An Giang, với nội dung: "Cải cách hành chính trong lĩnh vực SHTT, làng nghề và tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể…";

- Tại Bắc Ninh, với nội dung: "Thương hiệu và hội nhập", phát hành sách “Hướng dẫn sở hữu công nghiệp dành cho doanh nghiệp”;

- Tại Bình Dương: Xuất bản 2 ấn phẩm về SHCN với số lượng 1.000 bản;

- Tại Nghệ An: Phát hành tạp chí số "Chuyên đề SHTT hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp", số lượng 600 cuốn;

- Tại Thanh Hoá: Tọa đàm về "Vai trò SHTT trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế thế giới";

Nhiều địa phương khác như: Bắc Kạn, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Nam Định, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Ngãi, Sơn La, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Yên Bái cũng thực hiện tốt nội dung này.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh/thành phố đã chủ động tập huấn hoặc phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện các hoạt động đào tạo cho các cơ quan thực thi, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Theo báo cáo, 33 tỉnh, thành phố đã tổ chức 74 lớp, hội nghị tập huấn với 6.889 lượt cán bộ và các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương, góp phần nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi và nhận thức cho các chủ thể quyền và các đơn vị, cá nhân khác. Những địa phương thực hiện tốt nội dung này là: An Giang, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Yên Bái.

Là năm đầu tiên thực hiện Luật SHTT, Chương trình Hành động 168 của Trung ương và Chương trình hợp tác về phòng và chống xâm phạm quyền SHTT của địa phương, nhưng các địa phương đã có rất nhiều cố gắng. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền SHTT tại địa phương mình. Điều đó đã có tác động tích cực, tạo điều kiện giúp các tổ chức quản lý tập thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng thực hiện chức năng của mình. Các cơ quan chuyên môn của địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chỉ thị về tăng cường hoạt động SHTT ở địa phương; hỗ trợ hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền SHTT; hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng SHTT. Điển hình là một số địa phương như: Bình Định, Bình Phước, Hà Nội, Cao Bằng, Phú Thọ, Tây Ninh. Bên cạnh đó, các địa phương đã xây dựng quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

B. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

 

Qua một năm thực hiện Chương trình Hành động 168, có thể nhận thấy:

1. Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Luật SHTT và cũng là năm đầu thực hiện Chương trình Hành động 168, tuy còn nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, về tổ chức, về cơ chế phối hợp v.v... nhưng các bộ đã chủ động thực hiện và bước đầu phối hợp tốt trong việc triển khai các nội dung của Chương trình, nổi bật là công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra v.v... Ngoài ra, các nội dung như: hoàn thiện, bổ sung các quy định, hoạt động trao đổi cung cấp thông tin, đào tạo, tập huấn và hợp tác quốc tế cũng được triển khai thực hiện có kết quả.

Kết quả thực hiện Chương trình Hành động 168 đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT, góp phần đáng kể vào việc phòng, chống xâm phạm quyền SHTT, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo SHTT, tạo chuyển biến trong hành động, trong quan hệ phối hợp giữa các bộ cũng như từng bộ về bảo vệ quyền SHTT. Đây là tiền đề để năm 2007 và các năm sau, các bộ tham gia Chương trình sẽ phối hợp tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

2. Lãnh đạo các Bộ, ngành tham gia Chương trình 168 đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thuộc ngành mình ở địa phương ký kết và bước đầu tổ chức thực hiện theo mô hình Chương trình 168 ở địa phương.

Kết quả này thể hiện tinh thần của Chương trình Hành động 168 đã lan tỏa và thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như toàn quốc.

3. Thông qua Chương trình 168, các bộ, ngành được phân công quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan thực thi quyền SHTT như Thanh tra các bộ  Khoa học và Công nghệ, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu chính - Viễn thông, các đơn vị như Cục Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Hải quan đã phối hợp tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính liên quan đến trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình.

 

C. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

 

Để Chương trình Hành động 168 thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả hơn nữa và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong năm 2007, các bộ tham gia ký kết cần chú trọng chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là:

1. Tiếp tục thực hiện các nội dung tuyên truyền, phổ biến các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý xâm phạm quyền và hàng giả SHTT; tiếp tục xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT, đặc biệt là các quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, hàng giả mạo về SHTT; Giải quyết các nội dung liên quan giữa tên miền (thuộc quản lý của Bộ Bưu chính - Viễn thông) và nhãn hiệu (thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ); Cạnh tranh không lành mạnh (thuộc quản lý của Bộ Thương mại) và cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp (thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ) v.v...

Đặc biệt chú trọng nhiệm vụ "phòng" xâm phạm quyền SHTT mà đối tượng cụ thể là các doanh nghiệp Việt Nam, những người trực tiếp đóng góp trí tuệ, công sức vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tạo nên chuyển biến cơ bản trong nhận thức của mỗi doanh nghiệp về ý thức tự bảo vệ quyền SHTT của mình cũng như không xâm phạm quyền SHTT của người khác, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát huy hết khả năng của mình nhằm xây dựng một nền kinh tế Việt Nam phát triển phong phú, đa dạng và bền vững.

2. Tiếp tục hướng dẫn các sở tương ứng ở địa phương trong việc phối hợp xây dựng và thực hiện Chương trình Hành động hợp tác về phòng và chống xâm phạm quyền SHTT ở địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công cuộc phòng và chống xâm phạm quyền SHTT trong cả nước.

3. Tăng cường hiệu quả của Chương trình Hành động 168, các bộ đề xuất trình Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về SHTT để chỉ đạo thực hiện phòng, chống xâm phạm quyền SHTT có hiệu quả hơn theo quy định tại Điều 60 của Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.

4. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT, thường xuyên đưa tin về kết quả xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo SHTT.

5. Hoàn thiện tổ chức để triển khai thực hiện tốt Chương trình Hành động 168: Các bộ tham gia Chương trình xác định các cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình ở Bộ mình. Các cơ quan này có trách nhiệm giữ mối liên hệ thường xuyên trong việc thực hiện các nội dung của Chương trình cũng như trong xử lý các vụ việc cụ thể.

Trong khi Chính phủ chưa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về SHTT, lãnh đạo các Bộ cần họp 6 tháng một lần để kịp thời chỉ đạo việc thực hiện Chương trình, có chế độ thông tin định kỳ về kết quả hoạt động của từng Bộ./.

(Nguồn: Báo cáo số 973/BC-KHCN ngày 23/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ)

Lượt xem: 17905

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:15946
Lượt truy cập: 46237699