Thứ ba, 16/10/2018 12:53 GMT+7

Người nông dân Phú Yên làm giàu từ củi trấu

Phú Yên có diện tích sản xuất lúa 54.000 ha, nên trấu là một thứ chất thải mà các nhà máy xay xát đau đầu tìm cách giải quyết. Để giải quyết khối lượng trấu khổng lồ này, một số được đốt để bón cho cây trồng, một số ít khác dùng trong việc đun nấu của các gia đình, lượng lớn trấu còn lại được các nhà máy xay xát thải ra môi trường, kênh rạch hoặc đốt bỏ theo phương pháp thủ công đã gây ô nhiễm môi trường sống dưới hình thức khói thải, bụi hoặc rác…

Theo mô hình sản xuất trước đây, mỗi cơ sở xay xát lúa gạo ngoài diện tích xây dựng nhà xưởng cần phải dành thêm một khoảng đất trống rộng hơn để chứa trấu. Cùng với đó, chủ cơ sở phải có kế hoạch giải phóng trấu (bán, đốt hoặc thải ra các hệ thống kênh mương…) để đảm bảo đủ mặt bằng chứa lượng trấu được thải ra kế tiếp. Giải pháp sản xuất củi trấu đã giải quyết được nhiều vấn đề cùng một lúc, trước hết là mặt bằng và ô nhiễm, đồng thời tăng thêm thu nhập và tạo việc làm mới cho lao động địa phương.

Các nhiên liệu làm chất đốt như dầu, than đá, gas…ngày càng lên giá, khiến mặt hàng mới là than củi trấu trở nên đắt hàng, vừa với túi tiền của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc sản xuất củi trấu vừa làm tăng giá trị phế phẩm xay xát lúa gạo, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Văn Nghị, thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên được nhiều người biết đến với cái tên: Nghị “than củi trấu”, một thời nóng trên các mặt báo. Tận dụng những phế phẩm tưởng chừng đã bỏ đi như trấu trong xay xát để làm vật liệu chất đốt, chàng trai Nguyễn Văn Nghị, chủ cơ sở sản xuất “Nguồn Xanh” ở tỉnh Phú Yên đã giành giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Việt Nam lần thứ 11 trên lĩnh vực công nghệ môi trường, Giải thưởng Lương Đình Của… 

Tốt nghiệp Đại học nhưng anh quyết định về quê lập nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh nhà máy ép than củi trấu. Chia sẻ về những thành công hiện có, anh Nghị nói: “Phải thử mới biết mình có thể làm được những gì. Có thử mới có thành công”. 

 

 Anh Nguyễn Văn Nghị

 

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Văn Nghị đã có sẵn niềm đam mê môn Địa lý. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, Nghị thi vào ngành Địa lý - Môi trường, Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Sau 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học cộng với vốn thực tế có được sau thời gian đi thực tập, Nguyễn Văn Nghị nghĩ sẽ chỉ gắn bó với công việc có liên quan đến chuyên ngành đã học. Nghị chia sẻ: “Thời gian thực tập, tôi thường đến các khu công nghiệp để quan sát thực tế sản xuất. Tôi nhận thấy đa phần các nhà máy đều thải ra nhiều khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các loại tài nguyên thiên nhiên đang dần dần bị cạn kiệt. Rừng bị khai thác quá mức; nguồn nước ao hồ, môi trường không khí ở thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng… Tôi luôn mong muốn mình có thể chung tay làm môi trường trong sạch”.

Với suy nghĩ đó, Nguyễn Văn Nghị quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh tìm việc. Thế nhưng tìm được việc làm thì dễ mà tìm việc đúng chuyên ngành lại khó. Vốn là một người năng động, Nghị chấp nhận làm công việc trái với chuyên môn trong thời gian ngắn để kiếm tiền tự lo cho bản thân và đợi một công việc phù hợp. Năm 2007, sau khi về thăm nhà vài ngày, anh quyết định vào lại TP Hồ Chí Minh, xin thôi việc ở chỗ làm cũ, xuống Tiền Giang mua máy ép than củi trấu mang về Phú Yên. Mô hình sản xuất này được Nghị tìm hiểu vào thời gian đi thực tập nên anh nghĩ có thể đưa vào sản xuất ngay mà không gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng khi bắt tay vào, mọi việc mới bắt đầu khó khăn. Ban đầu, anh phát hiện ra mình đã mua trúng máy dỏm của Trung Quốc. Sau đó, dù đã điều chỉnh, sửa chữa nhiều lần nhưng máy vẫn không hoạt động. Giá mua của chiếc máy thời điểm năm 2007 là 50 triệu đồng, nhưng khi bán sắt vụn chỉ được 2 triệu đồng. Tổn thất lúc này rất lớn nhưng anh vẫn kiên quyết theo đuổi công việc của mình.

Đến cuối năm 2010, sau những cố gắng không ngừng nghỉ, anh Nguyễn Văn Nghị đã chế tạo ra chiếc máy ép than củi trấu tương đối hoàn thiện. Thời gian đầu hoạt động, cơ sở sản xuất của anh cho ra đời 2 đến 3 tấn than củi trấu/ngày. Không dừng lại ở đó, Nghị tiếp tục đổi mới trang thiết bị, loại bỏ các máy cũ, đưa vào sử dụng máy mới cho năng suất từ 20 đến 30 tấn than củi trấu/ngày. Nhờ cải tiến kỹ thuật, máy ép than củi trấu do anh Nghị sản xuất có thể ép được cả những trấu bị ướt do các máy xay xát để lâu ngày ngoài mưa. Ngoài ra, thiết bị mới cũng tạo ra những sản phẩm than củi trấu thân thiện với môi trường, có mùi thơm dễ chịu, phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Hiện tại, sản phẩm than củi trấu của Nghị đã có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố và các khu công nghiệp lớn từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, ra đến Hà Nội lên Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, vào TP Hồ Chí Minh…

Không dừng lại ở việc sản xuất và cung cấp sản phẩm than củi trấu, hiện nay, Cơ sở sản xuất than củi trấu Nguồn Xanh do anh Nguyễn Văn Nghị làm chủ đang tiến hành sản xuất máy ép than củi trấu, đồng thời tiến hành chuyển giao công nghệ cho nhiều cơ sở ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong năm 2012, anh Nguyễn Văn Nghị đã chuyển giao cho 17 cơ sở sản xuất than củi trấu 17 chiếc máy ép, với giá 105 triệu đồng/máy. Gặp được anh trong những ngày này là điều khó khăn vì anh phải liên tục ra Bắc vào Nam, lên Tây Nguyên để lắp ráp máy cho khách hàng. Anh Nghị chia sẻ: “Ban đầu tôi bán sản phẩm than củi trấu, giờ chuyển sang bán máy ép than củi trấu. Hễ khách hàng có nhu cầu là tôi sẵn sàng mang máy móc đến lắp ráp, xa đến mấy cũng đi. Sau khi máy đã hoạt động ổn định, tôi thường ở lại thêm vài ngày theo dõi. Đến khi nào máy hoạt động tốt tôi mới về. Còn nếu trong quá trình hoạt động, khách hàng thông báo có hỏng hóc thì tôi sẽ đi tới tận nơi để sửa chữa. Làm riết tôi thành thợ máy lúc nào không hay”.

 


Máy ép than củi trấu cải tiến tạo ra sản phẩm củi trấu thân thiện với môi trường

 

Tuy công việc đã tiêu tốn của anh Nguyễn Văn Nghị rất nhiều thời gian nhưng anh luôn cố gắng sắp xếp để mỗi tháng ít nhất một vài lần đi theo các đoàn từ thiện, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Anh Nghị nói: “Tôi là người đi lên từ khó khăn và phải cố gắng rất nhiều mới được như ngày hôm nay. Hiện tại, công việc cũng như thu nhập của tôi đã ổn, có phần tốt hơn so với nhiều người. Tôi muốn làm điều gì đó để giúp những em học sinh có hoàn cảnh không may, động viên các em vươn lên trong cuộc sống”.

 Sau những hào quang, Nguyễn Văn Nghị trở về với nhịp sống thường ngày, tiếp tục tìm cho mình hướng đi mới, vững chắc hơn./.

Nguồn: Ban Thi đua – khen thưởng Trung ương

Lượt xem: 3911

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)