Đoàn RCF đến Việt Nam lần này, do ông Jean-Luc LACHAUME, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan pháp quy hạt nhân Pháp (ASN), Chủ tịch RCF là Trưởng đoàn; có ông Bismark Mzubanzi Tyobeka, Giám đốc điều hành Cơ quan pháp quy Nam Phi (NNR); ông Grzegorz Rzentkowski, Giám đốc Ban An toàn hạt nhân IAEA và ông Mamoru Maeoka, Ban An toàn hạt nhân IAEA. Tham dự buổi tiếp còn có Phó Cục trưởng Cục ATBXHN Dương Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lê Thị Việt Lâm.
Tại buổi tiếp, ông Jean-Luc LACHAUME đã cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian tiếp Đoàn. Ông đã giới thiệu với Thứ trưởng về RCF và mục đích của RCF nhằm tăng cường phối hợp giữa các nước thành viên trong việc hỗ trợ phát triển hạ tầng pháp quy đối với cơ quan pháp quy tại các nước mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng một cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, có đủ năng lực và thẩm quyền trong đảm bảo sự thành công của chương trình điện hạt nhân quốc gia. Ông Jean-Luc LACHAUME đã thông báo với Thứ trưởng về kết quả ngày làm việc đầu tiên của Đoàn với Cục ATBXHN về hiện trạng phát triển hạ tầng pháp quy hạt nhân của Việt Nam và kế hoạch hành động RCF đối với Cục.
Đoàn RCF cũng chia sẻ việc xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, đủ năng lực và thẩm quyền là quá trình lâu dài, cần có lộ trình và sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Đoàn cũng nhấn mạnh đến 2 yếu tố để góp phần vào sự thành công. Một là cần xây dựng một chương trình đào tạo nguồn nhân lực cụ thể, về vấn đề này IAEA cam kết hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực cho cơ quan pháp quy. Hai là, tạo sự công khai và minh bạch của cơ quan pháp quy hạt nhân, đạt được chấp thuận của công chúng đối với các quyết định và trong các giai đoạn khác nhau của phát triển điện hạt nhân là rất quan trọng.
Thứ trưởng đã bày tỏ sự cám ơn chân thành và đánh giá cao sự giúp đỡ của IAEA nói chung trong phát triển ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình và phát triển điện hạt nhân của Việt Nam và RCF nói riêng trong hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng pháp quy hạt nhân. Là một nước mới bắt đầu điện hạt nhân, Việt Nam xác định vấn đề an toàn và một cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, có đủ năng lực và thẩm quyền là vấn đề quan trọng hàng đầu. Thứ trưởng cũng cho biết, từ năm 2009, Việt Nam đã thực hiện đánh giá pháp quy tích hợp và năm 2015 đoàn IRRS follow-up đã vào Việt Nam đánh giá các thay đổi tích cực theo các khuyến cáo trong phát triển hạ tầng pháp quy hạt nhân. Luật Năng lượng nguyên tử đã được tiến hành nghiên cứu sửa đổi theo các khuyến cáo của đoàn, thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế nhằm giải quyết các bất cập và tăng cường hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia trong thanh tra, cấp phép, thanh sát…
Thứ trưởng mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa 2 bên và hợp tác với các nước phát triển điện hạt nhân trong khuôn khổ RCF trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân./.