Thứ sáu, 13/05/2016 15:55 GMT+7

Tổng hợp nội dung một số hội thảo diễn ra trong khuôn khổ của sự kiện ASEAN-EU STI Days 2016

Trong khuôn khổ của sự kiện ASEAN-EU STI Days 2016 tại khách sạn Melia, Hà Nội, đã diễn ra hàng loạt các hội thảo, trong đó có các hội thảo: Hội thảo về “Hệ thống hỗ trợ việc ra quyết định đối với quản lý nước và môi trường: nâng cao hiểu biết...

Hội thảo về “Hệ thống hỗ trợ việc ra quyết định đối với quản lý nước và môi trường: nâng cao hiểu biết và giảm thiểu các tác động về kinh tế xã hội, sức khỏe và môi trường”, với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các học viên và những nhà hoạch định chính sách của châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Hội thảo do Viện Công nghệ châu Á (AIT), một đối tác của Dự án SEA-EU-NET II và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) tổ chức. Mục tiêu của Hội thảo nhằm khám phá công nghệ và các nguồn dữ liệu để nâng cao hiểu biết về các hệ thống nước và môi trường và giảm thiểu tác động môi trường; hiểu rõ về các công nghệ mới nhất và những phương pháp hiện đang được sử dụng tại các tổ chức khoa học và công nghiệp; tạo cơ sở cho phát triển và tăng cường trao đổi học thuật và hợp tác công nghiệp. Nội dung Hội thảo tập trung đề cập tới những chủ đề phổ biến về công nghệ và những giải pháp về nước, môi trường, kinh tế xã hội và y tế.



Dự án SEA-EU-NET II đặt mục tiêu hướng tới tăng cường hợp tác giữa hai khu vực EU-ASEAN về hợp tác khoa học và công nghệ thông qua sự phối hợp và hỗ trợ các hoạt động nhắm tới ba thách thức xã hội lớn, cụ thể là: Quản lý nước, y tế, và an ninh và an toàn lương thực. AIT đang dẫn đầu về lĩnh vực quản lý nước, với mục tiêu tạo ra một mạng lưới các bên liên quan khác nhau nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và xây dựng một nền tảng hướng tới một hệ thống quản lý tài nguyên nước tốt hơn và để đáp ứng nhu cầu cụ thể cho các bên liên quan khác.

Nhìn chung, hệ thống nước có tác động lớn đối với kinh tế - xã hội, sức khỏe và môi trường. Nó phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như mô hình phát triển hệ thống nước, cấu trúc lý sinh, các hoạt động và quản lý tổng thể. Những thách thức lớn hiện nay và trong những thập kỷ tới là nâng cao hiệu quả công nghệ của các hệ thống nước và môi trường theo cách bền vững hơn.

Việc nâng cao hiểu biết về các công nghệ tái sử dụng nước, những giải pháp kỹ thuật cho hệ thống nước gồm mô hình và phương pháp mới, các công cụ điều tra và kết quả là nền tảng nhằm hướng tới việc giảm thiểu các tác động đối với xã hội, kinh tế, sức khỏe và môi trường. Tiến bộ công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tài nguyên nước thông qua việc thu hồi nước mặt và nước ngầm một cách cân bằng và có hệ thống.

Những chủ đề đã được thảo luận trong Hội thảo gồm: Sử dụng nhiều nguồn dữ liệu như ảnh vệ tinh, khớp nối các dữ liệu vệ tinh với việc mô hình hóa để hiểu rõ hơn và dự báo các điều kiện môi trường; Sử dụng phần cứng nâng cấp như điện toán đám mây và điện toán hiệu năng cao cho việc mô hình hóa môi trường được chính xác và nhanh hơn; Phát triển các biện pháp làm giảm các tác động như đất ngập nước và vườn mưa để quản lý dòng chảy của nước mưa.

Hội thảo được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức về việc sử dụng các công nghệ liên quan đến các hệ thống nước và môi trường; xây dựng những ý tưởng và công nghệ nhằm làm giảm các tác động đối với kinh tế xã hội, sức khỏe và môi trường; tăng cường hợp tác giữa các viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan công nghiệp.

Hội thảo này sẽ cung cấp khung để thảo luận về ảnh hưởng của việc quản lý nước đối với kinh tế - xã hội, sức khỏe và môi trường do hậu quả của các hệ thống nước bằng cách chia sẻ các hoạt động nghiên cứu giữa các bên liên quan, các học giả và các chuyên gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.

Hội thảo “Nâng cao năng lực nghiên cứu tại châu Âu: Những cơ hội tài trợ và học bổng cho các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á”, do Cục Thông tin KH&CN quốc gia phối hợp với Chương trình EURAXESS Links ASEAN (Chương trình Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa châu Âu và Đông Nam Á) tổ chức. Tham dự Hội thảo có các diễn giả đến từ hơn 10 tổ chức nghiên cứu và cơ quan tài trợ từ khắp châu Âu như Cơ quan Hợp tác quốc tế về giáo dục và nghiên cứu Áo (OeAD-GmbH)-Euraxess Áo, Tổ chức Dịch vụ trao đổi học thuật Đức (DAAD), Viện Nông nghiệp, Thú y và Lâm nghiệp Pháp, Hội đồng nghiên cứu Na Uy, Chương trình học bổng Marie Curie-Sklodowska Curie Actions (MSCA), Bộ Ngoại giao và Phát triển quốc tế Pháp, Quỹ khoa học quốc gia Thụy Sĩ, Hội đồng Anh tại Việt Nam,… và khoảng 150 nhà nghiên cứu và nhà quản lý nghiên cứu đến từ Việt Nam và trên 40 quốc gia trên thế giới.



Hội thảo diễn ra nhằm mục đích nâng cao nhận thức trong khu vực Đông Nam Á về những cơ hội lưu động các nhà nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức tài trợ châu Âu.

Tại Hội thảo, các diễn giả trình bày các chương trình học bổng và lưu động các nhà nghiên cứu đem lại cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cơ hội xây dựng sự nghiệp nghiên cứu của mình thông qua làm việc tại phòng thí nghiệm, trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty trên khắp châu Âu. Tại hội thảo, những người tham dự cũng có cơ hội giao lưu với các nhà nghiên cứu đã được cấp học bổng từ các chương trình này và có được lời khuyên thiết thực từ họ về việc làm thế nào để có thể đăng ký thành công các chương trình học bổng.

Các cơ hội tài trợ và học bổng có thể tìm tại một số website sau:

- www.studienwahl.at/en. Cơ sở dữ liệu này cho phép bạn tìm các lựa chọn học tập ở Áo theo chương trình/chủ đề, theo địa điểm, theo bằng cấp, theo loại trường đại học (đại học hay đại học khoa học ứng dụng).

- www.grants.at: Cung cấp thông tin về các chương trình học quốc tế tại Áo dạy bằng tiếng Anh.
- www.fwf.ac.at: Chương trình Lise Meitner cho các nhà khoa học nước ngoài: Chương trình đào tạo sau tiến sĩ cho tất cả các chuyên ngành - các nhà khoa học có trình độ cao có thể đóng góp vào sự phát triển khoa học của một tổ chức nghiên cứu Áo, thời gian đào tạo: 12-24 tháng, có học bổng, hồ sơ được liên tục xem xét.

- www.fwf.ac.at/en/service/fwf-job-market: Chương trình Job Market của Quỹ Khoa học Áo (FWF).
- http://asea-uninet.org: Chương trình học bổng ASEA-UNINET( ASEAN-European Academic University Network).
- www.funding-guide.de: Chương trình đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ, nghiên cứu ngắn hạn ở Đức.
- http://www.nokut.no/en/: Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Na Uy.

Hội thảo “Nghiên cứu về hiện đại hóa ngành công nghiệp sản xuất và sản xuất bền vững”, được tổ chức bởi Viện Chiến lược và Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương Việt Nam; Đại học Kỹ thuật, Viện Quản lý Tổ hợp Công nghệ và Xí nghiệp Đức; và Đại học Việt - Đức. Đối tượng tham gia Hội thảo gồm đại diện các doanh nghiệp sản xuất trong mọi lĩnh vực, đại diện các viện nghiên cứu và trường đại học, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức và viện nghiên cứu và công nghiệp.




Hội thảo diễn ra gồm 3 phần:

1. Trình bày tổng quan về hiện trạng và xu hướng sản xuất hiện hành và giới thiệu những phương pháp sản xuất có tiềm năng, sơ lược về các cơ hội nghiên cứu sản xuất thích hợp trong HORIZON 2020 và trong bối cảnh ASEAN;

2. Các ví dụ thực tế và cơ hội cho hợp tác nghiên cứu, các ví dụ nhắc tới những vấn đề như vai trò của tự động và robot, phương pháp sản xuất mới, tái sản xuất hàng hoá công nghiệp ở cuối chu kỳ sử dụng, v.v…;

3. Các bước tiếp theo, dựa theo những thông tin được đưa vào, phần cuối của hội thảo sẽ là thảo luận giữa những người tham gia.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu các xu hướng hiện hành, các công nghệ sản xuất tiến tiến nhất và đưa ra những thách thức mà các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt nhằm khuyến khích các sáng kiến nghiên cứu hợp tác. Những công nghệ và phương pháp sản xuất mới, “Internet vạn vật”, chuỗi giá trị toàn cầu, nhu cầu tăng cao về tính bền vững và những xu hướng khác đang làm thay đổi nền công nghiệp sản xuất một cách mạnh mẽ.

Thị trường toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do lại tạo ra những cơ hội và thách thức mới. Để đáp ứng được những thách thức đó, các doanh nghiệp sản xuất phải cải thiện năng suất, chất lượng và các tiêu chuẩn khác. Trong nhiều trường hợp phải có cả sự thay đổi từ lao động chân tay sang các phương pháp tự động sử dụng công nghệ tiên tiến. Điều này đòi hỏi một mức độ cải tiến công nghệ nhanh chóng. Các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, có được công nghệ mới và sử dụng nó hiệu quả nhất. Để có được điều này, họ phải phát triển các năng lực cần thiết. Để hỗ trợ cho việc tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo, các nhà nghiên cứu trong khu vực cũng phải tăng cường khả năng của mình để có thể trở thành đối tác đổi mới sáng tạo của ngành công nghiệp. Và các nhà hoạch định chính sách cần xem xét những công cụ mới để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và hợp tác khoa học - công nghiệp.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận định hướng hành động giữa các bên liên quan trong lĩnh vực sản xuất giữa các nước ASEAN cũng như với các nước châu Âu. Buổi thảo luận này mang lại những ý tưởng, sáng kiến cho việc nghiên cứu hợp tác, cung cấp nền tảng cho việc tương tác và trao đổi kinh nghiệm. Những bên tham gia cùng phát triển ý tưởng và sáng kiến cho việc nghiên cứu hợp tác dưới sự bảo trợ của Chương trình HORIZON 2020.

Thông qua Hội thảo, các bên liên quan sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về những thách thức, xu hướng và hiện trạng của việc sản xuất, những khái niệm công nghệ và đổi mới sáng tạo quan trọng, tiếp thu những ý tưởng sáng tạo, có được các cơ hội tham gia nghiên cứu và hợp tác, mạng lưới quan hệ và trao đổi thông tin với các đồng nghiệp từ các nước ASEAN và châu Âu./.

Lượt xem: 1238

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)