Thứ hai, 04/04/2016 14:22 GMT+7

Các kết quả hoạt động về an ninh hạt nhân của Việt Nam từ sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2014

Ngày 01/4/2016, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4 khai mạc tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Việt Nam đã tham gia tất cả các Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân kể từ Hội nghị lần thứ nhất năm 2010. Với trách nhiệm là Cơ quan pháp...
1. Tăng cường an ninh vật liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ
Việt Nam đã thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia đối với các nguồn phóng xạ và các thông tin chi tiết về hành chính của tất cả các cơ sở có nguồn phóng xạ. Việt Nam ủng hộ và thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử về An toàn và an ninh nguồn phóng xạ và Hướng dẫn bổ sung về xuất khẩu và nhập khẩu nguồn phóng xạ của IAEA. Trong khuôn khổ của Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ toàn cầu, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam đã nâng cấp hệ thống bảo vệ thực thể cho cơ sở hạt nhân duy nhất của Việt Nam và 24 cơ sở có nguồn phóng xạ loại 1 (các nguồn phóng xạ có hoạt độ lớn hơn 1000 Ci).



Nhằm kiểm soát nguồn phóng xạ sử dụng di động, Việt Nam đã thiết lập hệ thống định vị nguồn phóng xạ; đồng thời thực hiện Dự án thử nghiệm Hệ thống theo dõi vị trí nguồn phóng xạ (RADLOT) giữa Việt Nam, Hàn Quốc và IAEA, tạo cơ sở hạ tầng để kiểm soát chặt chẽ hơn các loại nguồn phóng xạ này, với yêu cầu tất cả các cơ sở có nguồn phóng xạ sử dụng di động phải lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ.
Nhằm tiếp tục tăng cường an ninh hạt nhân, tháng 11/2015, Việt Nam đã mời IAEA vào để giới thiệu về Dịch vụ Tư vấn quốc tế về bảo vệ thực thể (IPPAS) với dự kiến sẽ sử dụng Dịch vụ này để đánh giá toàn diện cơ sở hạ tầng về bảo vệ thực thể của Việt Nam.
Việt Nam rất coi trọng việc tăng cường văn hóa an ninh hạt nhân. Trong năm 2015 và đầu năm 2016, 03 Hội thảo về văn hóa an ninh hạt nhân đã được tổ chức cho các cơ quan quản lý địa phương, các cơ sở bức xạ và các cơ sở nghiên cứu, triển khai trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
2. Đóng góp vào việc giảm thiểu sử dụng HEU



Trong khuôn khổ Chương trình giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, Việt Nam đã tham gia chương trình chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà lạt từ sử dụng nhiên liệu độ giàu cao (HEU) xuống nhiên liệu độ giàu thấp (LEU). Việt Nam đã thực hiện thành công việc chuyển đổi nhiên liệu từ HEU sang LEU cho Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân duy nhất của Việt Nam. Toàn bộ nhiên liệu urani có độ giàu cao đã qua sử dụng đã được chuyển lại Nga. Đến nay, Việt Nam hoàn hoàn không có nhiên liệu HEU nữa.
3. Đấu tranh chống buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ khác
Việt Nam chia sẻ thông tin về việc thất lạc nguồn phóng xạ thông qua việc tham gia vào cơ sở dữ liệu ITDB của IAEA. Từ năm 2014, 08 cổng phát hiện phóng xạ đã được đưa vào vận hành tại một sân bay quốc tế và 12 cổng được đưa vào vận hành tại một cảng biển lớn. Mạng an ninh hạt nhân tích hợp giữa cơ quan hải quan và cơ quan pháp quy hạt nhân đã được thiết lập, tạo thành mạng lưới ứng phó cảnh báo quốc gia. Đồng thời, thông qua hợp tác với IAEA, Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ tuyến đầu và Đội chuyên gia hỗ trợ cơ động (MEST), bảo đảm tính bền vững của hệ thống phát hiện phóng xạ và ứng phó hiệu quả đối với các cảnh báo phóng xạ. Dự kiến trong những năm tới, sẽ lắp đặt thêm cổng phát hiện phóng xạ cho một sân bay quốc tế và một cảng biển nữa.
4. Ủng hộ các văn kiện quốc tế đa phương



Việt Nam cam kết thực hiện Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo của mình. Tiếp theo việc phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Hiệp định Thanh sát tháng 9/2012, gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước tháng 10/2012, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về việc khủng bố bằng bom năm 2014. Hiện tại, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và chuẩn bị để tham gia Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân.
Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tại Hội thảo khu vực và Hội nghị của các đầu mối trong khuôn khổ Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân để thúc đẩy phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước này.
5. Hợp tác với các tổ chức quốc tế



Việt Nam tích cực hợp tác với IAEA trong khuôn khổ Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp, trong đó có phương pháp luận về đánh giá các nguy cơ làm cơ sở thiết kế (DBT); tham gia Mạng quốc tế các Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật về an ninh hạt nhân, đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng Trung tâm tiên tiến về An ninh và thanh sát hạt nhân của Việt Nam. Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc xây dựng các Tài liệu Hướng dẫn về an ninh hạt nhân của IAEA tại các cuộc họp tư vấn của IAEA; tham gia vào Ủy ban Hướng dẫn An ninh hạt nhân; cử chuyên gia tư vấn tham gia các đoàn đánh giá của IAEA.
Là thành viên của INTERPOL, Việt Nam đã tích cực tham gia các Hội thảo và Bài tập về ứng phó và quản lý hiện trường tội phạm liên quan đến hạt nhân do INTERPOL tổ chức. Tháng 01/2015, Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế về phòng chống buôn bán trái phép hạt nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Hợp tác với các đối tác quốc tế
Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba, Việt Nam đã ủng hộ 08 sáng kiến đa phương tự nguyện (Gift Basket) và sẽ tiếp tục ủng hộ các sáng kiến khác tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ tư.
Việt Nam là thành viên của Sáng kiến Toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và đã tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến này, như: tham gia các Phiên họp Toàn thể tổ chức năm 2011, năm 2013 và năm 2015, và các hội thảo về giám định hạt nhân, chống khủng bố hạt nhân. Về xây dựng tài liệu Phát triển Cấu trúc phát hiện hạt nhân, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm về “Vai trò nhận thức của dân chúng trong việc cung cấp thông tin cảnh báo”./.

Lượt xem: 1114

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)