Mục
đích của Phiên họp là nhằm thảo luận ở cấp Bộ trưởng phương án xử lý sự
cố mất an ninh vật liệu hạt nhân ở cấp hoạch định chính sách để Bộ
trưởng các nước có thể trợ giúp cho lãnh đạo cấp cao của nước mình trong
Phiên thảo luận chính sách dựa trên kịch bản tại Hội nghị Thượng đỉnh
an ninh hạt nhân lần thứ 4 tại Washington vào ngày 31 tháng 3 năm 2016.
Tham
gia Phiên thảo luận chính sách an ninh hạt nhân này có đại diện của 41
nước và các tổ chức quốc tế (IAEA, INTERPOL, EC, Liên hợp quốc). Đoàn
Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh dẫn đầu
tham gia Phiên thảo luận. Tham gia Đoàn Việt Nam có Cục trưởng Cục An
toàn bức xạ và hạt nhân và Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ
Ngoại giao.
Ngày làm việc đầu tiên của Phiên thảo luận, Ban tổ chức
đã bố trí để các đại biểu đi thăm Phòng thí nghiệm quốc gia LLNL. Đây là
một trong 17 phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng Hoa kỳ. Các
phòng thí nghiệm của DOE được xây dựng các các địa phương khác nhau của
Hoa Kỳ cung cấp các năng lực về kỹ thuật đặc thù đạt trình độ cao trên
thế giới cho Bộ Năng lượng để thực hiện các nhiệm vụ của mình trong việc
tạo ra các phát minh khoa học, công nghệ năng lượng, quản lý môi trường
và an ninh quốc gia. Chương trình thăm quan sẽ chỉ tập trung vào các
hoạt động của các phòng thí nghiệm thuộc Cơ quan an ninh hạt nhân quốc
gia nằm dưới Bộ Năng lượng chịu trách nhiệm về ghi đo, tìm kiếm vật
liệu phóng xạ và hạt nhân; giám định hạt nhân; và mô hình hóa phát tán
trong khí quyển. Đây là các lĩnh vực kỹ thuật chính nằm trong chương
trình an ninh hạt nhân của DOE. Các nội dung thăm quan này nhằm giúp cho
các đại biểu hiểu được các công cụ có thể được sử dụng để trợ giúp
trong việc xử lý các sự cố bức xạ và hạt nhân và các trợ giúp mà các nhà
khoa học và kỹ thuật viên có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách
đưa ra các quyết định liên quan như tổ chức ghi đo, tìm kiếm vật liệu
hạt nhân và phóng xạ như thế nào, nhận diện các hạt nhân trong các vật
liệu nằm ngoài kiểm soát pháp quy và ứng phó như thế nào với các tình
trạng khẩn cấp và lấy cắp vật liệu hạt nhân.
Đối với lĩnh vực ghi đo
và tìm kiếm phóng xạ, các chuyên gia kỹ thuật của Phòng thí nghiệm LLNL
đã trình bày rõ nhu cầu đối với việc thiết kế hệ thống ghi nhận nhiều
lớp bao gồm cả công nghệ, đào tạo cán bộ và các quá trình thực hành trên
thực tế tìm kiếm các vật liệu nằm ngoài kiểm soát pháp quy và ngăn chặn
việc chuyển giao bất hợp pháp vật liệu hạt nhân. Các công nghệ được sử
dụng trong lĩnh vực này bao gồm thiết bị kiểm tra ở cửa khẩu, các thủ
tục tìm kiếm nếu như vật liệu hạt nhân bị che dấu, đánh giá và nhận diện
các vật liệu phóng xạ và vật liệu hạt nhân. Các đại biểu đã được cho
xem các cổng kiểm soát phóng xạ, các thiết bị tìm kiếm bằng tay và các
thiết bị tìm kiếm di động lắp trên xe ô tô. Đây cũng là những công cụ
rất cần thiết cho Việt Nam từ thực tiễn mất cắp các nguồn phóng xạ gần
đây đang đặt ra phải đầu tư cho công tác tìm kiếm các nguồn phóng xạ nằm
ngoài kiểm soát pháp quy ở nước ta.
Đối với lĩnh vực giám định hạt
nhân, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về vai trò của giám định hạt
nhân trong thực thi luật pháp về an ninh hạt nhân. Các nội dung sau đã
được trình bày cho đoàn thăm quan: các loại thiết bị giám định hạt nhân
mà chúng có khả năng đo với công nghệ từ đơn giản đến phức tạp, độ dài
thời gian của các phép đo trong phòng thí nghiệm, so sánh mẫu chưa biết
với các số liệu hiện có để xác định loại mẫu vật, giải trình chi tiết về
vụ việc thu giữ một mẫu vật liệu hạt nhân thực tại Bungary năm 1999.
Đoàn thăm quan đã được làm quen với các công cụ và khả năng của phòng
thí nghiệm giám định hạt nhân, trong đó có các phòng sạch, hệ thiết bị
đếm gamma và phòng thí nghiệm khối phổ kế. Một số thiết bị này chúng ta
cũng đã có ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai cần xem xét để đầu tư
xây dựng hoàn chỉnh phòng thí nghiệm giám định hạt nhân ở nước ta.
Đối
với lĩnh vực mô phỏng phát tán trong môi trường khí quyển, Đoàn thăm
quan được Trung tâm tư vấn phát tán khí quyển quốc gia (NARAC) của LLNL
giới thiệu về các mô hình tính toán phát tán khí quyển. Kết quả tính
toán sẽ giúp cho việc lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân nhằm
bảo vệ công nhân của các cơ sở xảy ra sự cố và công chúng xung quanh.
Mô hình đã tính toán phát tán trong khí quyển và rơi lắng phóng xạ các
sự cố có khả năng như các tai nạn nhà máy điện hạt nhân trên thế giới,
tai nạn đối với các thiết bị làm phát tán phóng xạ, hoặc các vụ nổ thiết
bị hạt nhân. Thông tin cung cấp từ mô hình hóa này gồm bản đồ các vùng
nguy hiểm, các khu vực nhiễm xạ có thể gây ra nguy hiểm. Thông qua
chương trình trao đổi quốc tế (IXP) các nước thành viên IAEA có thể truy
cập để sử dụng phần mềm tính toán mô phỏng này thông qua Trung tâm ứng
phó khẩn cấp của IAEA. Đoàn Việt Nam đã trao đổi với đối tác Hoa Kỳ để
nhận được sự huấn luyện sử dụng bộ công cụ tính toán phát tán này phục
vụ việc lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân ở nước ta, trong
đó có sự cố nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các sự cố xuyên biên
giới ảnh hưởng đến nước ta. Cục ATBXHN sẽ có yêu cầu cụ thể cho Cơ quan
an ninh hạt nhân quốc gia của Hoa kỳ (NNSA).
Trong ngày làm việc đầu
tiên, các đoàn đại biểu được cho xem một băng video về một kịch bản
khủng bố hạt nhân xuyên quốc gia được giả định (lấy cắp vật liệu hạt
nhân được làm giàu và vật liệu phóng xạ Co-60) như là cơ sở để các đại
biểu thảo luận vào ngày thứ 2 của Phiên họp liên quan đến các cách thức
mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra để ngăn chặn và ứng phó với các
sự kiện kịch bản giả định này.
Đối với việc Thảo luận tại Phiên họp
trong ngày thứ 2, các đại biểu đã được xem lại các băng video tóm tắt mô
tả một tình huống giả định. Mỗi băng video mô tả các phát triển mới của
tình huống giả định và đưa ra một chủ đề thảo luận liên quan đến an
ninh hạt nhân. Sau đó, người điều hành Phiên thảo luận sẽ thực hiện việc
lựa chọn các câu hỏi để bắt đầu đưa ra thảo luận các vấn đề liên quan
đến kịch bản được xem xét. Trưởng các đoàn sẽ sử dụng thiết bị điện tử
để đưa ra câu trả lời cho từng kịch bản. Tóm tắt kết quả sẽ được người
điều hành chiếu cho mọi người biết. Ngoài ra, các đại biểu tham dự Phiên
thảo luận cũng được mời chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm trong các cuộc
thảo luận để cho việc thảo luận mang tính hợp tác và nhận ra được các
cách thức đối với việc xử lý và điều phối xử lý các sự cố bức xạ.
Đoàn
Việt Nam đã tham gia đây đủ các hoạt động của Phiên họp. Qua việc tham
dự Phiên họp và thăm quan Phòng thí nghiệm về an ninh hạt nhân, giám
định hạt nhân và đánh giá phát tán trong khí quyển của Bộ Năng lượng Hoa
Kỳ, Đoàn Cán bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN một số vấn
đề để tăng cường năng lực về an ninh hạt nhân của quốc gia, cụ thể:
1.
Đầu tư năng lực cho Cơ quan pháp quy hạt nhân về ghi đo, tìm kiếm
các nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nằm ngoài kiểm soát pháp quy,
trong đó cần có hệ thống tìm kiếm lưu động để nhanh chóng đáp ứng nhu
cầu tìm kiếm các nguồn phóng xạ.
2. Đầu tư xây dựng Phòng thí
nghiệm giám định hạt nhân cho Cơ quan pháp quy hạt nhân để có thể có đủ
năng lực thực hiện các phân tích vật liệu hạt nhân và xây dựng thư viện
số liệu về giám định nhân của Việt Nam phục vụ công tác giám định hạt
nhân đáp ứng yêu cầu khi chúng ta tham gia Công ước chống khủng bố hạt
nhân.
3. Cho phép Cục ATBXHN phối hợp với Cơ quan an ninh hạt nhân
Hoa Kỳ (NNSA) tổ chức đào tạo về sử dụng phần mềm đánh giá phát tán
phóng xạ trong khí quyển để hỗ trợ công tác ứng phó sự cố nhà máy điện
hạt nhân Ninh Thuận và các sự cố từ nhà máy điện hạt nhân của nước ngoài
ảnh hưởng đến nước ta.
4. Giao Cục ATBXHN phối hợp với Vụ Các tổ
chức quốc tế Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị chu đáo cho
lãnh đạo cấp cao của Nhà nước ta tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh
hạt nhân Washington ngày 31 tháng 3 năm 2016./.