Việt Nam - Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện"
Chuyến
thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Damodardas Modi
từ ngày 2-3/9 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Nhân dịp này, Việt Nam và Ấn Độ chính thức nâng cấp quan hệ lên "Đối tác
chiến lược toàn diện" nhằm phản ánh sự phát triển sâu rộng của quan hệ
hai nước. Hàng loạt các văn bản và hợp tác quan trọng giữa hai bên đã
được ký kết.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Damodardas Modi thăm chính thức Việt Nam
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến của Thủ tướng Modi về
việc Ấn Độ coi quan hệ với Việt Nam như một trụ cột quan trọng trong
chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Thủ tướng khẳng định, sự
ủng hộ nhất quán của Việt Nam đối với Ấn độ trong chính sách “Hành động
hướng Đông” và việc Ấn Độ đóng vai trò to lớn hơn trong khu vực và trên
thế giới.
“Hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến
lược lên đối tác chiến lược toàn diện, nhằm phản ánh sự phát triển sâu
rộng của quan hệ hai nước, phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài đáp ứng
nguyện vọng của nhân dân hai nước, cũng như mong muốn đóng góp cho hòa
bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc cho biết.
Hai bên nhất trí hợp tác kinh tế thương mại và
đầu tư có tiềm năng lớn hơn, để trở thành một trụ cột chiến lược trong
quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ. Để thực hiện mục tiêu đưa kim
ngạch thương mại hai chiều đạt trên 15 tỉ USD vào 2020, hai thủ tướng đề
nghị các bộ ngành hữu quan hai nước có những biện pháp cụ thể quyết
liệt, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo dỡ mọi rào cản và
tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến sản xuất tại Ấn Độ của Thủ tướng Modi
và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm tham gia vào sáng
kiến này. Thủ tướng cũng bày tỏ hoan nghênh các tập đoàn của Ấn Độ mở
rộng quy mô đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hạ tầng, công
nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng cho
biết, ông đặc biệt đánh giá cao việc Ấn Độ khẳng định sẽ hợp tác chặt
chẽ với Việt Nam trong thăm dò, khai thác dầu khí. Việt Nam cam kết tiếp
tục ưu tiên cao cho hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như:
năng lượng, năng lượng nguyên tử dân sự, công nghệ thông tin, khoa học
kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch…
Hai Thủ tướng nhất
trí tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực, quốc tế và
đặc biệt tại diễn đàn ASEAN và các diễn đàn liên quan. Hai bên đã trao
đổi về vấn đề Biển Đông và tái khẳng định mong muốn quyết tâm hợp tác
nhằm duy trì hòa bình, ổn định an ninh an toàn tự hàng hải tại Biển Đông
nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên cho rằng, các
bên cần giải quyết hoà bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp
quốc tế trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng
tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác sâu rộng thực chất, trên tinh thần quan hệ
hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ mang lại
lợi ích cho mỗi nước mà còn góp phần tăng cường quan hệ ASEAN - Ấn Độ,
đóng góp cho hòa bình ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á -
Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thủ tướng Modi cho biết hai
bên sẽ đào sâu hơn quan hệ quốc phòng, phù hợp lợi ích chung hai nước và
vì ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực mà hiệp định về đóng
tàu tuần tra là một bước tiến cụ thể.
“Với tư cách hai quốc
gia quan trọng trong khu vực, chúng tôi nhận thấy cần tăng cường quan
hệ, phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Chúng
tôi nhất trí tận dụng những cơ hội phát triển kinh tế trong khu vực, hợp
tác giải quyết những thách thức đang nổi lên trong khu vực”, ông Modi
nói.
“Trong quá trình Việt Nam tăng cường nền kinh tế của
mình, hiện đại hóa nền nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng khoa học kỹ
thuật, tăng cường năng lực và phát triển nền kinh tế nhanh hơn, xây dựng
quốc gia hiện đại, Ấn Độ với dân số 1,25 tỉ của chúng tôi sẵn sàng làm
đối tác và làm bạn của Việt Nam”, Thủ tướng Modi nói với báo giới.
Thủ
tướng Ấn Độ cũng gửi lời chúc mừng nhân dân Việt Nam nhân ngày Quốc
khánh 2-9. Ông Modi nhắc lại mối quan hệ giữa hai dân tộc đã bắt đầu hơn
2.000 năm trước, khi đạo Phật được truyền bá từ Ấn Độ đến Việt Nam thể
hiện qua những di tích, đền đài Hindu - Chăm, những minh chứng rõ ràng
cho mối liên kết này.
“Đối với những người thuộc thế hệ tôi,
Việt Nam giữ một vị trí hết sức đặc biệt trong trái tim chúng tôi. Lòng
quả cảm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chống
chủ nghĩa thực dân đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Thành công của Việt
Nam trong thống nhất đất nước, cũng như những cam kết của nhân dân Việt
Nam trong xây dựng Tổ quốc thể hiện sự quật cường của dân tộc Việt”,
Thủ tướng Modi chia sẻ.
Thủ tướng Modi còn kể rằng mọi người ở
Ấn Độ luôn ngưỡng mộ ý chí bất khuất của Việt Nam, vui mừng trước những
thành công mà Việt Nam đã đạt được.
“Việc hai nước nâng cấp
quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện thể hiện sự quan tâm, định
hướng cho hợp tác hai nước trong tương lai, tạo nên phương hướng, động
lực và nền tảng mới cho quan hệ song phương”, ông nói.
Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Tiêu chuẩn hóa và Đánh giá sự phù hợp
Nhân
chuyến thăm lần này của Thủ tướng Modi, các cơ quan, đối tác của hai
nước đã ký kết 12 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực. Đặc biệt, hợp tác
trong lĩnh vực Tiêu chuẩn hóa và Đánh giá sự phù hợp mang một dấu ấn
quan trọng đối với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Tiêu dùng,
Thực phẩm và Phân phối công cộng Ấn Độ.
Tổng
Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh và
Ngài Parvathaneni Harish - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đại diện hai nước
ký kết hợp tác trong lĩnh vực Tiêu chuẩn hóa và Đánh giá sự phù hợp
Đại
diện hai phía, ông Trần Văn Vinh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng Việt Nam và thay mặt Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) - Bộ
Tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối công cộng nước Cộng hòa Ấn Độ, Ngài
Parvathaneni Harish - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ký kết.
Về hợp
tác này, hai phía mong muốn, trên tinh thần hợp tác và vì lợi ích
chung, tăng cường và củng cố hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực tiêu chuẩn
hóa và đánh giá sự phù hợp nhằm mục đích trao đổi thông tin và chuyên
môn cần thiết giữa các Bên.
Cụ thể, các Bên, trong phạm vi
thẩm quyền và nhiệm vụ của mỗi Bên, tuân thủ các quy định và luật liên
quan của mỗi nước, sẽ khuyến khích và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh
vực:
1. Tiêu chuẩn hóa:
(1) Các Bên sẽ trao đổi
thông tin và tài liệu trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa. Những thông tin và
tài liệu này bao gồm chính sách và chiến lược tiêu chuẩn hóa, cơ cấu tổ
chức về tiêu chuẩn hóa, quy định và quy trình xây dựng tiêu chuẩn,
chương trình xây dựng tiêu chuẩn, ý kiến góp ý về các tiêu chuẩn quốc tế
tại các giai đoạn xây dựng khác nhau, v.v…
(2) Các Bên sẽ trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật về các vấn đề/lĩnh vực tiêu chuẩn hóa do các Bên thống nhất.
2. Đánh giá sự phù hợp:
(1)
Các Bên sẽ nghiên cứu cơ cấu tổ chức của mỗi Bên, các quy định và cơ sở
hạ tầng về đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm được quản lý ở mức
độ phù hợp nhằm có những thỏa thuận hợp tác song phương về việc thừa
nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp.
(2) Các Bên, trong phạm
vi thẩm quyền phù hợp, sẽ trao đổi kinh nghiệm, thông tin và quy trình
đánh giá sự phù hợp kể cả việc chứng nhận sản phẩm và hệ thống quản lý
và thử nghiệm ở mức độ phù hợp.
3. Thông tin kỹ thuật: Các Bên
sẽ trao đổi thông tin liên quan đến việc thu thập, lưu trữ, truy vấn,
áp dụng và phổ biến các thông tin khoa học và kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa
và đánh giá sự phù hợp.
4. Đào tạo: Mỗi Bên sẽ đào tạo cho
nhân sự của Bên kia trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp
trên cơ sở có đi có lại và trong các lĩnh vực khác mà các Bên cùng quan
tâm nếu thấy phù hợp.
Đại diện các cơ quan Việt Nam - Ấn Độ tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Cũng trong dịp này, 11 thỏa thuận khác cũng đã được ký kết nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Modi như:
1. Thỏa thuận khung giữa hai Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ về hợp tác khai thác và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình
2. Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần
3. Chương trình hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ về các vấn đề gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
4. Nghị định thư giữa hai Bộ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ về kỷ niệm năm hữu nghị 2017
5. Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ về hợp tác y tế
6. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ thông tin
7. Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện KHXH VN và Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề quốc tế
8. Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng
9.
Thỏa thuận giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Trung tâm
Máy tính Công nghệ cao Ấn Độ về việc xây dựng hạ tầng thông tin cho việc
đào tạo Công nghệ thông tin chất lượng cao
10. Thỏa thuận giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Ấn Độ về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự
11.
Hợp đồng thiết kế, thi công đóng mới tàu tại Ấn Độ, bàn giao tại Việt
Nam; cung cấp vật tư, trang thiết bị, chuyển giao công nghệ đóng mới tàu
tại Việt Nam giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Công ty
Larsen&Toubro Ấn Độ./.