Thứ tư, 31/01/2018 10:54 GMT+7

Ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Muốn làm tốt nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cần nhiều yếu tố như: cơ chế, chính sách sát thực tế, khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) tham gia; vốn, đất, nguồn nhân lực… và nhất là vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN).


Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ðan Phượng, Hà Nội

 

Hiện nay NNCNC được phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương. Cùng với những thương hiệu như Vineco, TH, Vinamilk, đã xuất hiện nhiều tên tuổi mới như Công ty Ca-cao Intercontinental Coporation (CIC) với hơn 1.000 ha trồng ca-cao ứng dụng toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt của I-xra-en vào vùng đất cằn cỗi ở huyện Ea súp (Ðác Lắc), Công ty sữa Nutifood đầu tư vào lĩnh vực cà-phê, Pan Group đầu tư hoa tươi công nghệ cao xuất khẩu đi Nhật Bản.

 

 

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những hạn chế như: KH&CN chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa giảm được nhiều sự ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu không thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho rằng, hoạt động KH&CN thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách phục vụ phát triển chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố chưa thật sự quan tâm đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ. Ngoài ra, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ giới hóa sản xuất còn bất cập. Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị chưa đáp ứng yêu cầu. Các sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, do vậy giá trị kinh tế chưa cao.

 

 

Ðể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rất cần những người nông dân công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân vẫn chưa thích ứng được phương thức sản xuất này vì sự tốn kém, đầu tư và kỹ năng vận hành máy móc, công nghệ không giống thói quen sản xuất thủ công. Ðơn cử như việc xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản và xử lý đất sản xuất sau khi thu hoạch. Trước đây, chỉ dùng hóa chất để xử lý, hoặc mất thời gian dài cho phơi đồng diệt khuẩn, cày ải lật đất giúp đất tơi xốp, diệt mầm sâu bệnh thì khi ứng dụng công nghệ cao chỉ cần sử dụng tia UV, tia cực tím có thể khử trùng, diệt khuẩn toàn bộ nước thải trong nuôi trồng thủy sản, hoặc dùng men vi sinh để khử trùng đất sản xuất, không mất thời gian dài chờ đợi đến vụ sau. Thực tế hiện nay rất cần các nhà khoa học sâu sát thực tế sản xuất, gần gũi hơn với nông dân, "cầm tay chỉ việc" để họ dần thay đổi nhận thức của người dân; là chỗ dựa, niềm tin vững chắc, giúp nông dân bước những bước đi dài hơn trên con đường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

 

 

Để khoa học và công nghệ phát huy vai trò đòn bẩy trong sản xuất, nhiều chuyên gia đều cho rằng, cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KH&CN về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó và thích nghi biến đổi khí hậu. Các tổ chức KH&CN cần quyết liệt đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm, viện nghiên cứu; tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu công lập. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những tổ chức KH&CN để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp. Có cơ chế hỗ trợ nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Từng bước có những chính sách, biện pháp khắc phục tình trạng phân tán ở các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển NNCNC, mang tri thức và tiến bộ KH&CN từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nông dân nâng cao thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển KH&CN cao.

 

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ là “chìa khóa” không chỉ thúc đẩy NNCNC phát triển tốt mà còn cho chúng ta một cuộc sống chất lượng hơn về sức khỏe, cải thiện môi trường.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35398002-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3519

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)