Thứ sáu, 24/01/2025 16:36 GMT+7

Tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, còn người lao động thì cần cân nhắc

Thứ năm, 24/10/2019 10:23 GMT+7

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Ngọ Duy Hiểu (đoàn đại biểu TP.Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, có thể tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, một bộ phận viên chức, còn người lao động trực tiếp thì cần cân nhắc kỹ.

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 23.10 đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu và thời giờ làm việc bình thường.
 
Nhất trí với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu, song đại biểu Y Khút Niê – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc áp dụng chung tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng, các ngành nghề và khu vực là không phù hợp.
 
Đại biểu Y Khút Niê – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.
 
Đại biểu Y Khút Niê cũng cho biết, qua khảo sát với hơn 3955 lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy có 3.400 phiếu không đồng ý với tuổi hưu tăng thêm và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, đồng thời đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, lao động trong ngành cao su, cà phê.
 
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng đối với lao động phổ thông, lao động trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên giữ như hiện hành; đối với lao động trí óc, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực cụ thể quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ là 58 tuổi hoặc cao hơn.
 
 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
 
Cùng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn kiên trì quan điểm với bộ phận công chức thì có thể tăng tuổi nghỉ hưu, trừ lực lượng vũ trang đã có những đặc thù.  Còn một bộ phận viên chức và người lao động thì chúng ta phải quan tâm, nghiên cứu, cân nhắc kỹ có tăng tuổi nghỉ hưu hay không. Nếu tăng thì ở mức độ nào để phù hợp với điều kiện, sức khỏe của người lao động.
 
“Chúng ta không thể so sánh người lao động Việt Nam với người lao động ở các nước Pháp, Đức. Vì đất nước họ phát triển, công việc của họ hầu như là bấm máy, còn chúng ta là lao động cật lực. Người lao động Việt Nam làm việc, ôm máy móc hàng chục tiếng đồng hồ một ngày. Liệu họ có khả năng kéo dài lao động khi họ đã lớn tuổi hay không?
 
 Tôi cho rằng với người lao động trực tiếp thì nên nghiên cứu, có mức tuổi nghỉ hưu phù hợp. Nếu tăng thì nên tăng chậm. Sau một thời gian thực hiện, nếu thấy hợp lý thì tăng tiếp, để tránh gây sốc cho người lao động trực tiếp”- Đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.
 
Về vấn đề giảm giờ làm việc, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, hiện nay chúng ta là 1 trong 46 quốc gia đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/ tuần, nhưng theo đánh giá về thu nhập trên đầu người thì chúng ta đã trên 66 quốc gia, theo công bố của quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2018. Ngay cả Myanmar là quốc gia có thu nhập đầu người thấp hơn Việt Nam, họ cũng đã thực hiện chế độ làm việc dưới 44 giờ/tuần. Đây là vấn đề chúng ta cần tham khảo.
 
“Trên cơ sở như vậy, chúng tôi đề xuất phương án trên tinh thần rất chia sẻ là doanh nghiệp có lợi nhuận, có phát triển thì người lao động mới có việc làm tốt. Đất nước phát triển thì người lao động mới cải thiện đời sống. Chúng tôi đề xuất phương án: Thứ nhất là thực hiện chế độ làm việc 44h/ tuần và có thể tăng giờ làm thêm. Thứ hai, thực hiện chế độ làm việc 44 giờ và có thể tăng giờ làm thêm lên 100 giờ. Thời gian giảm giờ làm việc thì có thể thực hiện theo lộ trình là 1-2 năm nữa mới giảm” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
 
Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình.
 
Theo đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình, Quốc hội nên tiếp cận theo kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi kiến nghị này phản ánh tương đối đầy đủ ý kiến, mong muốn của người lao động. Theo đó, nên lắng nghe tiếng nói thực tế, chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động cao tuổi và người lao động cũng không làm được nếu quá tuổi.
 
Đại biểu đề nghị, công chức và một bộ phận viên chức có thể làm đến 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, còn phần đông lao động trực tiếp, nặng nhọc thì nên nghỉ theo quy định hiện hành.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1637

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:35129
Lượt truy cập: 14115330