Thứ hai, 25/11/2024 13:50 GMT+7
Thứ tư, 07/08/2019 15:52 GMT+7

Giới thiệu về nghị định số 51/2019/NĐ-CP của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

Ngày 13 tháng 6 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ (sau đây gọi tắt là Nghị định 51). Nghị định 51được ban hành thay thế Nghị định số 64/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP. Với 4 chương, 37 điều, Nghị định 51 có một số điểm mới về mức xử phạt, hình thức xử phạt, hành vi bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 51 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.

          

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

1. Về cơ sở pháp lý

Ngày 27 tháng 6 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định 64).

Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) năm 2013 có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định 93). Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu ở phần quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động khoa học và công nghệ để phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Phần quy định về vi phạm trong hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn được giữ nguyên.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Luật quy định nhiều cơ chế, chính sách mới và sửa đổi nhiều quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2006 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, cụ thể như: Các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư, phát triển thị trường KH&CN trong hoạt động chuyển giao công nghệ; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian; cơ chế phối hợp giữa Bộ KH&CN với các cơ quan liên quan; các quy định về kiểm toán chuyển giao công nghệ để chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định công nghệ của dự án đầu tư để tránh đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta; các quy định về phát triển thị trường KH&CN, về thương mại hóa công nghệ, kết quả KH&CN, về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ,... Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ để phù hợp với các nội dung mới của Luật Chuyển giao công nghệ.

2. Về cơ sở thực tiễn

Về thực trạng việc áp dụng Nghị định từ năm 2013 đến nay, số liệu thống kê thanh tra ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) cho thấy:

- Đối với lĩnh vực KH&CN: Toàn ngành đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với 337 đề tài, dự án các cấp, 33 tổ chức KH&CN, tổng số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước là 1.432,9 triệu đồng. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính rất ít được áp dụng. Nguyên nhân chủ yếu do Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động này, mặt khác kinh phí cho hoạt động KH&CN từ xã hội còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, các vi phạm bị phát hiện trong lĩnh vực này thường không được xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (không xử phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ) mà chủ yếu xử lý theo quy định của pháp luật về tài chính, cán bộ, công chức và về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

          Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã nảy sinh một số trường hợp tổ chức KH&CN do cá nhân thành lập có hành vi thực hiện các hoạt động ngoài nội dung đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận như trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và các vấn đề liên quan đến nhân quyền. Các hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội. Các chế tài xử lý hành chính hiện nay về vấn đề còn thiếu, hoặc có nhưng chế tài chưa đủ sức răn đe. Do vậy, phần các quy định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trong hoạt động KH&CN cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN đối với tổ chức KH&CN có hành vi vi phạm.

          - Đối với lĩnh vực chuyển giao công nghệ: Số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chuyển giao công nghệ được tiến hành rất ít (Sở KH&CN thành phố Hà Nội tiến hành 4 cuộc thanh tra, Bộ KH&CN tiến hành một số cuộc kiểm tra. Kết quả thanh tra cho thấy, việc chuyển giao công nghệ chủ yếu từ công ty mẹ sang công ty con thông qua hợp đồng chuyển giao đơn giản). Nguyên nhân chủ yếu là: (i) Luật Chuyển giao công nghệ 2006 không bắt buộc phải đăng ký đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ; (ii) Cơ chế ưu đãi đối với các hợp đồng tự nguyện đăng ký chưa hình thành và được áp dụng nên các bên chuyển giao không muốn đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN; (iii) Việc chuyển giao công nghệ thường nằm trong các dự án đầu tư và thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý đầu tư.

          Tuy nhiên, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 ra đời kèm theo đó là Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ đã có nhiều điểm mới về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ. Từ đó đòi hỏi phải có hệ thống chế tài tương ứng để xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ để phù hợp với tình hình thực tiễn.

II. ĐIỂM MỚI CƠ BẢN, BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CHÍNH CỦA  NGHỊ ĐỊNH

1. Điểm mới cơ bản của Nghị định 51

So với Nghị định số 64/2013/NĐ-CP và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP, Nghị định 51 thay thế có một số điểm mới cơ bản sau:

a) Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 51 đã liệt kê chi tiết các tổ chức có thể là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ (Điều 2).

b) Về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, Nghị định 51 đã lược bỏ hình thức xử phạt trục xuất vì không khả thi; thiết kế mức phạt tiền theo hướng phù hợp hơn với thực tế và tương đồng với các Nghị định hiện hành; đồng thời quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn về các biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 3, Điều 4).

c) Về các hành vi vi phạm hành chính, Nghị định 51 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ, cụ thể là:

- Bổ sung hành vi "không gửi báo cáo định kỳ hằng năm về kết quả hoạt động đánh giá, giám định công nghệ tới cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ" (khoản 2 Điều 16); bổ sung hành vi "không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ khi điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ” (khoản 3 Điều 16); bổ sung hành vi "không làm thủ tục đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ" (khoản 1 Điều 17); bổ sung hành vi "thực hiện chương trình, dự án phổ biến giống cây trồng, giống vật nuôi hoặc công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp nhưng không có nội dung chuyển giao công nghệ" (Điều 19); bổ sung hành vi " kê khai không đúng sự thật thông tin trong hồ sơ đề nghị công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 20); bổ sung hành vi "không hoàn trả các khoản hỗ trợ, ưu đãi đã nhận được của Nhà nước theo quy định" (khoản 2 Điều 20); bổ sung hành vi "không bảo quản, giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành dịch vụ theo thỏa thuận" (khoản 1 Điều 21); bổ sung hành vi "không duy trì đủ các điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ theo quy định của pháp luật" (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 21); bổ sung hành vi "không lập thành hợp đồng bằng văn bản khi chuyển giao công nghệ độc lập hoặc góp vốn bằng công nghệ" (khoản 1 Điều 22); bổ sung các hành vi về "không thực hiện kiểm toán giá công nghệ chuyển giao khi thực hiện chuyển giao công nghệ" (điểm b, điểm c Khoản 4 Điều 22); bổ sung hành vi "vi phạm trong việc thẩm định hoặc ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư" (Điều 23); bổ sung hành vi "sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép" (Điều 24).

Ngoài ra, còn chỉnh sửa, bổ sung một số câu chữ, cụm từ để phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 76/2018/NĐ-CP như: Chỉnh sửa "dịch vụ chuyển giao công nghệ" thành "dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ"; "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ" thành "Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ"; bổ sung cụm từ "nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư" vào phần tên điều để phù hợp với Khoản 4 Điều 12 Luật Chuyển giao công nghệ...

d) Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài việc quy định chi tiết thẩm quyền của từng lực lượng, Nghị định 51 còn bổ sung thẩm quyền của Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về KH&CN thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Tổng cục và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Điều 28); Lực lượng Quản lý thị trường (Điều 32). Đồng thời có quy định về phân định thẩm quyền của từng lực lượng (Điều 35).

2. Về bố cục Nghị định 51

Nghị định 51 gồm 4 chương, 37 điều được kết cấu như sau:

Chương I: Những quy định chung: Gồm 4 điều, từ Điều 1 đến Điều 4.

Chương II: Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ: Gồm 02 mục, 22 điều, từ Điều 5 đến Điều 26.

- Mục 1: Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động KH&CN, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả: Gồm 11 điều, từ Điều 5 đến Điều 15.

- Mục 2: Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động chuyển giao công nghệ, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả: Gồm 11 điều, từ Điều 16 đến Điều 26.

Chương III: Thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ: Gồm 19 điều, từ Điều 27 đến Điều 35.

Chương IV: Điều khoản thi hành: Gồm 2 điều, từ Điều 36 đến Điều 37.

3. Về nội dung chính của Nghị định 51

Nghị định số 64/2013/NĐ-CP có 02 phần quy định về các hành vi vi phạm hành chính, gồm: “vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ”“vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ”. Trong đó, phần quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 93/2014/NĐ-CP và cập nhật phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật KH&CN 2013.

Do vậy, Nghị định 51 thay thế đã được xây dựng trên nguyên tắc: Kế thừa và hạn chế tối đa sự thay đổi trong nội dung Nghị định số 93/2014/NĐ-CP. Tập trung sửa đổi, bổ sung phần quy định về vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Các nội dung lược bỏ, thay đổi, bổ sung đều phải có căn cứ pháp lý rõ ràng, thực tiễn thuyết phục và phù hợp với Luật chuyển giao công nghệ 2017. Cụ thể:

Chương I - Những quy định chung

         Quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1); đối tượng áp dụng (Điều 2); hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt (Điều 3); biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 4).

Chương II - Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ

Mục 1- Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động KH&CN, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Quy định về vi phạm quy định về hoạt động của hội đồng KH&CN (Điều 5); vi phạm quy định về đăng ký thông tin nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 6); vi phạm quy định về hoạt động KH&CN (Điều 7); vi phạm quy định về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức KH&CN (Điều 8); vi phạm quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức KH&CN công lập (Điều 9); vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động KH&CN (Điều 10); vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động KH&CN (Điều 11); vi phạm quy định về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động KH&CN (Điều 12); vi phạm quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN (Điều 13); vi phạm quy định về đặt và tặng giải thưởng về KH&CN (Điều 14); vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động KH&CN (Điều 15).

Mục 2 - Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động chuyển giao công nghệ, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

          Quy định vi phạm về báo cáo trong hoạt động chuyển giao công nghệ (Điều 16); vi phạm trong việc đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ (Điều 17); vi phạm nghĩa vụ về sử dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước (Điều 18); vi phạm trong chuyển giao công nghệ cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (Điều 19); vi phạm chính sách khuyến khích ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ (Điều 20); vi phạm trong kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ (Điều 21); vi phạm trong việc lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư (Điều 22); vi phạm trong việc quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng có sử dụng công nghệ (Điều 23); vi phạm trong việc sử dụng công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép (Điều 24); vi phạm trong đăng ký chuyển giao công nghệ (Điều 25); vi phạm trong chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao (Điều 26).

          Mức xử phạt nói chung quy định trong dự thảo được xây dựng căn cứ vào mức phạt tối đa đối với lĩnh vực KH&CN, chuyển giao công nghệ; kế thừa các quy định tại Nghị định số 64/2013/NĐ-CP và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP; đồng thời tăng cường chế tài xử phạt đủ sức răn đe, phòng ngừa các hành vi vi pháp luật trong lĩnh vực KH&CN, chuyển giao công nghệ. Đối với các hành vi mới được quy định trong dự thảo, mức xử phạt xác định trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và sự tương xứng với các hành vi vi phạm cùng nhóm, cùng lĩnh vực.

Chương III - Thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ

Quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 27); thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành về KH&CN (Điều 28); thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (Điều 29); thẩm quyền của Công an nhân dân (Điều 30); thẩm quyền của Hải quan (Điều 31); thẩm quyền của Quản lý thị trường (Điều 32); thẩm quyền của cơ quan Thuế (Điều 33); thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác (Điều 34); phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực KH&CN, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác (Điều 35).

Chương IV - Điều khoản thi hành

          Quy định về điều khoản thi hành (Điều 36); trách nhiệm thi hành (Điều 37).

 Kết luận

          Nghị định 51/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ ra đời nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, xử phạt vi phạm hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, tạo tính răn đe phù hợp, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, CGCN. Những nội dung mới của Nghị định 51 giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công tác quản lý về công nghệ sau khi Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn đã được ban hành và có hiệu lực.

Điểm mới Nghị định 51/2019/NĐ-CP

 Nguyễn Thị Ngọc Lý - Thanh tra Bộ KH&CN

 

Lượt xem: 13409

Nguồn: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:22181
Lượt truy cập: 46338589