Thứ sáu, 25/08/2017 08:29 GMT+7

Phát huy hiệu quả việc tự chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ

Hiện nay, hoạt động của hầu hết các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập vẫn chủ yếu dựa vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), chưa chủ động thu hút nguồn tài chính từ xã hội thông qua các đề tài ứng dụng kết quả nghiên cứu. Tuy vậy, đã có những đơn vị hoạt động hiệu quả từ nhiều năm qua, tự tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách.


Kỹ sư Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) lập trình điều khiển hệ thống cấp than Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1

 

Hiệu quả từ hoạt động tự chủ

Theo thống kê của Bộ KH&CN, tính đến 31-5-2016, Việt Nam có khoảng 1.432 tổ chức KH&CN công lập đang nhận được sự đầu tư từ NSNN. Trong cơ cấu chi ngân sách sự nghiệp KH&CN, chi thường xuyên cho các tổ chức KH&CN công lập chiếm gần 90%, nhưng phần kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu, triển khai chỉ chiếm khoảng 10%. Điều đó dẫn đến nhiều ý tưởng, thiết kế có tính ứng dụng cao, song không đủ kinh phí để thực hiện. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vẫn có một số tổ chức KH&CN công lập hoạt động hiệu quả nhờ việc tự chủ. Một trong những đơn vị đó là Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) thuộc Bộ Công thương, với doanh thu hằng năm hơn 500 tỷ đồng. Chúng tôi đã được PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Narime đưa đi thăm các phòng nghiên cứu, giới thiệu khu vực lập trình điều khiển hệ thống… Ngay từ những giai đoạn đầu khi Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về việc các tổ chức KH&CN công lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thì Narime đã sớm có những định hướng phát triển trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh. PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng cho biết, một trong những nhược điểm của các tổ chức KH&CN khi chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thiếu kinh nghiệm thực tiễn và khả năng đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong đời sống, sản xuất, trong khi đó, nhiều dự án, trong hồ sơ mời thầu thường đòi hỏi nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Chính vì vậy, trong định hướng phát triển, ngay từ giai đoạn đầu chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, lãnh đạo Narime đã lựa chọn phương án liên kết với một số đơn vị nước ngoài, cùng ngành nghề, có đủ tiêu chí để tham gia đấu thầu các dự án. Với hình thức liên kết này, một mặt Narime dần hoàn thiện được hồ sơ năng lực, mặt khác trong quá trình thực hiện, các cán bộ của Narime học hỏi được kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn. Vào khoảng thời gian trước năm 2005, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết thiết bị cơ khí thủy công của nước ngoài, do đó Chính phủ có chủ trương nội địa hóa đến mức tối đa và Bộ Công thương đã chỉ đạo Narime tìm mua thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của nước ngoài. Thông qua việc hợp tác với Công ty ZaparozeGhidrostal (U-crai-na), đến nay các cán bộ của Narime đã hoàn toàn làm chủ khâu thiết kế, cùng doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo, cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Gần đây, Narime và các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã thiết kế, chế tạo đưa vào vận hành thành công thiết bị cơ khí thủy công cho Nhà máy thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác thực hiện thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị này tại nước ngoài; hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống nước làm mát tuần hoàn, bộ sấy không khí cho nhà máy nhiệt điện… Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã chỉ định Narime làm tổng thầu tư vấn trong lĩnh vực công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít, là công việc trước đây chỉ các nhà thầu nước ngoài mới đảm nhiệm được. Có được những kết quả ngày hôm nay, theo PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, là nhờ Narime đã xác định việc đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định để doanh nghiệp tự chủ thành công. Do đó, công tác tuyển dụng, đào tạo ngắn và dài hạn luôn được Narime quan tâm, theo một quy trình chặt chẽ, có sát hạch, được thử thách trong các dự án cụ thể, với sự kèm cặp của cán bộ có kinh nghiệm. Nhất là để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Narime còn hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu tại Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực để đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ.

Nhiều cơ chế xung đột với hệ thống văn bản pháp luật

Để tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức KH&CN công lập, gắn kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, ngày 05-9-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, được đánh giá là khâu đột phá để đổi mới cơ chế quản lý đối với tổ chức KH&CN công lập. Đến ngày 19-5-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP cho phép các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực KH&CN có thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất. Tuy vậy, trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc làm kìm hãm hoạt động nghiên cứu ứng dụng.

Theo Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng, tổ chức KH&CN công lập còn gặp khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ, do thiếu sự đồng bộ, xung đột với nhiều quy định pháp luật hiện hành. Việc tự chủ trong sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất, kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng khác với quy định của Luật Đất đai; việc bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài khác với quy định tại Luật Cán bộ, công chức... Việc đầu tư từ NSNN cho các tổ chức KH&CN công lập còn dàn trải, cào bằng, chưa thật sự chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, để hình thành một số tổ chức KH&CN mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế... PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, các cơ chế chính sách hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tổ chức KH&CN công lập, khi chỉ được lập quỹ lương bằng 2,5 lần quỹ tiền lương ngạch bậc, hạng chức danh nghề nghiệp, chức vụ và khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định. Như vậy sẽ không thu hút được nhân tài, thậm chí còn làm chảy máu chất xám, nhất là việc thành lập và điều hành các công ty con của tổ chức KH&CN công lập với mục đích để ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Các tổ chức KH&CN công lập vẫn chưa được giao quyền sở hữu về tài sản để hoạt động, còn phụ thuộc vào cơ quan chủ quản về công tác tổ chức cán bộ, điều này làm giảm tính tự chủ của đơn vị, và không đúng tinh thần của việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập...

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, ngày 14-6-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập (thay thế Nghị định 115). Các quy định tại Nghị định số 54 đã có thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế quản lý theo hướng giao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN công lập, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực này; ban hành quy định cấp phát, tài trợ kinh phí từ NSNN theo hiệu quả hoạt động, hiệu quả đóng góp và giải thể tổ chức hoạt động kém hiệu quả; giao quyền tự chủ cho người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập gắn với trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, nhân lực và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ các bộ, ngành liên quan, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và quy định rõ ràng, thật sự giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các tổ chức KH&CN công lập. Có như vậy, mới tạo môi trường làm việc thuận lợi, cơ chế thông thoáng để gắn kết các nhiệm vụ nghiên cứu với thực tiễn sản xuất, qua đó đánh giá được tính hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức KH&CN, có những định hướng đầu tư trọng tâm, dài hơi với những đơn vị hoạt động có hiệu quả.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33881402-phat-huy-hieu-qua-viec-tu-chu-trong-hoat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe.html

Lượt xem: 3320

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)