Thứ năm, 25/01/2018 14:13 GMT+7

Phát triển thị trường công nghệ

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), cũng như nghiên cứu đổi mới sáng tạo ở cơ sở trên địa bàn TPHCM… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN TPHCM trong năm nay.


Doanh nghiệp luôn cần thiết bị, công nghệ mới để tăng năng suất hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Hân

 

Hỗ trợ 666 dự án khởi nghiệp

Theo Giám đốc Sở KH&CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng, trong năm 2017, Sở đã triển khai xây dựng chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm và các định hướng nghiên cứu giai đoạn 2016 - 2020; tham mưu UBND TPHCM phê duyệt 3 danh mục nhiệm vụ KH&CN năm 2017 của các chương trình trọng điểm; triển khai 367 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, nghiệm thu 94/125 đề tài, đạt tỷ lệ 75,2% so với kế hoạch.

Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo, Sở đã thúc đẩy hình thành cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với đầy đủ các thành tố liên quan. Ngoài ra, thực hiện nhiều hoạt động nhằm kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Kết quả, trong năm 2017 đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho 666 dự án khởi nghiệp (đạt tỷ lệ 133,2% so với chỉ tiêu năm 2017). Chương trình SpeedUp 2017 do Sở chủ trì đã hỗ trợ 30 dự án với tổng kinh phí gần 22,6 tỷ đồng. Xây dựng Quy chế phối hợp hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng đề án Phát triển hạ tầng cơ sở vật chất hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên nền tảng không gian thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub - SIHUB)… cũng là những kết quả quan trọng. 

Với sự liên kết phát triển KH&CN, Sở KH&CN TPHCM đã ký kết hợp tác với Sở KH&CN Bình Định, Sở KH&CN Gia Lai, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ; đẩy mạnh quan hệ với Phần Lan phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác với Học viện Bách khoa quốc gia Toulouse (Pháp) trong lĩnh vực phân tích thí nghiệm; Tập đoàn Mitshubishi, Công ty Hibiya (Nhật Bản), Ngân hàng Thế giới (WB) về hệ thống quản lý năng lượng; Trường Đại học Deagu (Hàn Quốc), Đại học Gyeoungbuk Technopark (Hàn Quốc) về hoạt động khởi nghiệp…

Lãnh đạo Sở KH&CN TPHCM đánh giá, các chương trình, kế hoạch hoạt động KH&CN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước thúc đẩy gắn hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ tích cực các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của khu vực trường đại học và khu vực tư nhân, thúc đẩy cộng đồng các tổ chức KH&CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của thành phố… Đây cũng chính là những hoạt động tạo sôi động cho ngành KH&CN TPHCM trong năm qua.   

Chú trọng thị trường công nghệ

Nhìn lại hoạt động KH&CN trong năm qua, lãnh đạo Sở KH&CN TPHCM cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, còn ở quy mô nhỏ, giá trị và lượng hàng hóa giao dịch chưa nhiều…

Theo Trung tâm Thông tin và thống kê KH&CN TPHCM, thị trường công nghệ ở TPHCM được đánh giá có quy mô lớn, nhưng giao dịch công nghệ cần rất nhiều yếu tố đồng bộ như định giá, đánh giá công nghệ, vấn đề sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa hỗ trợ nhiều cho chuyển giao công nghệ nên cần tìm phương thức phát triển thị trường KH&CN có tính hệ thống và hiệu quả hơn. 

Hiện nay, đóng góp của thị trường KH&CN thành phố được xếp thứ 2 trong nhóm 9 ngành dịch vụ trọng điểm, với tốc độ tăng trưởng trung bình 17%/năm. Tuy nhiên, ngành KH&CN thành phố nhận thấy rõ nhiều vướng mắc gặp phải; trong đó có những điểm nghẽn do cơ chế, chính sách chưa theo tư duy cơ chế thị trường.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu, nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian, nơi kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Nguồn nhân lực và thực hiện quản lý nhà nước như các quản trị viên, thẩm định viên về định giá và phát triển thị trường KH&CN còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Thị trường KH&CN chủ yếu vẫn là mua bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền công nghệ. 

Trong năm 2018, Sở KH&CN TPHCM xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN. Cụ thể, sẽ đưa Quỹ Phát triển KH&CN thành phố đi vào hoạt động; hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN…

Đồng thời, tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu và nâng cao tiềm lực KH&CN thành phố; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng KH&CN cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Trong đó, triển khai có hiệu quả chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN thành phố là những nhiệm vụ trọng tâm.

Liên kết nguồn tin: http://www.sggp.org.vn/phat-trien-thi-truong-cong-nghe-496307.html

Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng

Lượt xem: 2797

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)