Thứ sáu, 06/04/2018 15:47 GMT+7

EVN đẩy mạnh khoa học công nghệ

Do bản chất lĩnh vực sản xuất và cung ứng điện là hoạt động khoa học kỹ thuật nên trên thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã được lồng ghép trong tất cả các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vận hành của EVN.

 

Trong năm 2017 EVN đã chọn ra một số nội dung ưu tiên để tăng cường ứng dụng KHCN, làm tiền đề cho sự tiếp nối trong các năm sau, vì vậy EVN đã quyết định chọn nội dung chủ đề của năm 2017 là “Đẩy mạnh khoa học công nghệ”. Quá trình triển khai thực hiện có 3 trọng tâm chủ đạo của việc ứng dụng KHCN là tăng cường hạ tầng cơ sở kỹ thuật cho công tác quản trị điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ trong đầu tư và sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Trước hết hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của EVN đã được tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin: tăng cường mạng cáp quang, nâng cấp các mạng WAN của EVN và đơn vị, xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung toàn Tập đoàn, đã triển khai Cổng thông tin tích hợp hỗ trợ quản lý, điều hành doanh nghiệp, xây dựng văn phòng điện tử, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý áp dụng chung toàn Tập đoàn.

Song song với củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị doanh nghiệp, các ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đầu tư cũng được EVN đẩy mạnh. EVN đã hoàn thiện và triển khai áp dụng nhân rộng hệ thống Quản lý kỹ thuật và vận hành nhà máy điện, lưới điện tại tất cả các đơn vị, áp dụng phần mềm Quản lý dự án đầu tư xây dựng. Các đơn vị đã tăng cường các trang thiết bị hiện đại cho vận hành và sửa chữa và thí nghiệm lưới điện, triển khai các trạm biến áp không người trực vận hành, ứng dụng công nghệ sửa chữa không cắt điện (live-line hay hotline). Những hoạt động này đã giúp giảm thiểu thời gian mất điện do bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện. Đánh giá kết quả năm 2017, chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối SAIDI (System Average Interruption Duration Index) còn khoảng 360 phút (vượt mức 410 phút trong kế hoạch được giao), Chỉ số về số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối SAIFI (System Average Interruption Frequency Index) còn khoảng dưới 4 lần (vượt mức 6,71 trong kế hoạch ).

Hiện nay, EVN đang rất tích cực triển khai chương trình chuyển đổi và xây dựng mới các trạm biến áp không người trực vận hành. Thực tế đến hết năm 2017, đã đưa vào vận hành 104 trạm biến áp 110 kV không người trực vận hành trong tổng số 616 trạm (chiếm 16,9%). 264 trạm biến áp 110 kV khác (chiếm 42,9%) đã chuyển sang chế độ điều khiển toàn bộ các thao tác trong trạm từ xa, từng bước sẽ rút dần người trực để trở thành trạm không người trực vận hành. 18 trạm biến áp trong tổng số 108 trạm 220 kV (chiếm 16,7%) cũng đã được điều khiển từ xa. Như vậy mục tiêu đến năm 2020, 100% số trạm 110 kV và 60% số trạm 220 kV được điều khiển xa và không có người trực vận hành sẽ chắc chắn đạt được. Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh còn có thể hoàn thành tiến độ trước thời hạn ít nhất 1 đến 2 năm. Việc chuyển các trạm biến áp sang không người trực vận hành chắc chắn sẽ tăng một cách đáng kể năng suất lao động của các đơn vị trực thuộc EVN, chuyển đổi phương thức vận hành lưới điện linh hoạt hơn trong chế độ vận hành bình thường và khi có sự cố, việc khôi phục sẽ nhanh chóng hơn góp phần nâng cao độ ổn định và tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Trên tinh thần tiến tới đạt mức độ hiện đại trong quản lý vận hành hệ thống điện tiệm cận với các quốc gia tiên tiến trên thế giới và khu vực, EVN đã và đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam (bao gồm 3 dự án thành phần), đạt được các mục tiêu và đáp ứng đúng lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.  

Không chỉ đạt những kết quả khả quan về vận hành hệ thống điện, phải khẳng định rằng nổi bật nhất trong việc ứng dụng KHCN trong các hoạt động công tác của ngành điện trong năm qua là kết quả trong lĩnh vực kinh doanh & dịch vụ khách hàng. EVN đã hoàn thành nâng cấp hệ thống thông tin Quản lý khách hàng dùng điện (Customer Management Information System – CMIS), hoàn thiện các hệ thống ứng dụng phục vụ cho hoạt động chăm sóc khách hàng của Trung tâm CSKH của tất cả các TCT Điện lực, quyết toán giao nhận điện năng hàng tháng trên kho dữ liệu đo đếm điện năng, thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cho 100% các trạm biến áp công cộng và chuyên dùng. Đặc biệt ngày 21/12/2017 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố “Cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến”. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến lớn trong dịch vụ kinh doanh điện năng, phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương hiện đại hóa các dịch vụ công, đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số. Hiện tại 20 dịch vụ điện năng do EVN cung cấp sẽ được thống nhất triển khai cung cấp trực tuyến qua 05 website CSKH của các Trung tâm CSKH và tại Chuyên mục “EVN & Khách hàng” của website Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Kết quả đánh giá độc lập cho thấy, mức độ hài lòng của khách hàng bình quân toàn EVN đã tăng dần qua các năm và đạt 7,97 năm 2017 (từ 7 điểm trở lên được ghi nhận đã tạo được sự hài lòng của khách hàng). Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 đứng ở vị trí 64 trong số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, là năm có thức bậc tăng cao nhất từ năm 2013 đến nay, đây là ghi nhận của Doing Business.

Đánh giá một cách tổng thể và khách quan, năm 2017 được xem là năm thành công của EVN trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong nhiều hoạt động công tác. EVN đã và đang từng bước đạt được mục tiêu chuyên nghiệp, hiện đại trong quản lý, vận hành hệ thống điện so với các quốc gia tiên tiến để mang lại chất lượng dịch vụ điện cho khách hàng ngày một tốt hơn theo phương châm “khách hàng là sự tồn tại của ngành Điện”.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/evn-day-manh-khoa-hoc-cong-nghe.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3470

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)