Thứ hai, 17/06/2019 08:31 GMT+7

Nhà khoa học Mỹ gốc Việt được chọn vào danh sách các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới (Hall of Fame)

Ngày 12/6/2019, một nữ nhà khoa học Mỹ gốc Việt đã được giới thiệu trên mục điểm các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới (Hall of Fame) của trang tin khoa học Mỹ http://www.advancedsciencenews.com. Đó là GS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara - UCSB).


Màn hình bài báo về GS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara - UCSB)

 

Lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam trong điều kiện khó khăn, nhưng những năm tuổi thơ nơi đây đã thắp sáng niềm say mê khoa học cho chị. Khi sang Mỹ cùng gia đình vào năm 1991, dù vốn tiếng Anh rất ít ỏi nhưng đam mê nghiên cứu đã giúp chị vượt qua rất nhiều khó khăn và nhận tấm bằng tiến sỹ lĩnh vực hóa lý cũng như tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu về khoa học vật liệu hữu cơ và cải tiến các thiết bị điện tử.

Thục Quyên đã nhận được những lời khuyên quý báu của các nhà khoa học lớn. Đặc biệt, trong thời gian tu nghiệp tại Đại học Columbia, giáo sư cố vấn Louis Brus đã đề nghị chị chọn một vấn đề khoa học thú vị - một vấn đề sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn trên thế giới, từ đó giúp Thục Quyên tiếp tục với sự nghiệp dành cho nghiên cứu khoa học vật liệu. Tại Học viện Công nghệ Georgia, nơi bắt đầu công việc học tập ở trường đại học, GS Jean - Luc Bredas đã khuyên chị, “không nên xuất bản những bài báo khoa học có giá trị thấp. Nếu xuất bản “rác” thì mọi người sẽ dừng đọc các bài báo của bạn”. Năm 2004, tại Khoa Hóa thuộc UCSB, Thục Quyên đã được làm việc với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này, như GS Alan Heeger (Giải thưởng Nobel Hóa học năm 2000), GS Fred Wudl và GS Guillermo Bazan... và sau 7 năm gia nhập UCSB, chị trở thành GS chính thức cho đến nay. Tháng 7/2018, Nguyễn Thục Quyên đã vinh dự nhận nhiệm vụ mới - Giám đốc Trung tâm Polyme và chất rắn hữu cơ của trường đại học này.

Những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ da đem lại cho Thục Quyên nhiều giải thưởng uy tín cũng như vị thế, tầm ảnh hưởng rộng rãi trong giới khoa học vật liệu. Trong nhiều năm gần đây, chị liên tục lọt vào danh sách 100 học giả có ảnh hưởng nhất thế giới.

Chia sẻ về hướng nghiên cứu của mình, Nguyễn Thục Quyên cho biết, chị rất bất ngờ trước sự phát triển gần đây của pin mặt trời hữu cơ - đã đạt PCE 15%. Đây là một giới hạn lý thuyết chỉ trong vòng một vài năm gần đây. Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị cho rằng, sẽ đưa các kết quả nghiên cứu ở phòng thí nghiệm này đi xa hơn và tìm cách mở rộng nghiên cứu ở khía cạnh giao tiếp giữa thiết bị điện tử với đặc tính sinh học để có thể có ứng dụng ngay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu dài hạn của nhóm là các vấn đề quan trọng toàn cầu như lưu trữ năng lượng và chăm sóc sức khỏe, sử dụng các vật liệu và công nghệ đã phát triển cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Lời khuyên của Thục Quyên cho các nhà nghiên cứu trẻ là hãy thoát ra khỏi những gì mà họ đã làm trong khi học TS và mạnh dạn thử thách bản thân, khám phá những điều mới, các loại vật liệu, kỹ thuật mới, vì đây là cách chúng ta học hỏi, sáng tạo và có thể đóng góp nhiều nhất cho khoa học.

Mới đây, cuối tháng 5/2019, bài báo của chị cùng các cộng sự đã được Tạp chí Advanced Materials xuất bản với tiêu đề: Giải pháp bán quang điện hữu cơ trong suốt được xử lý: Từ thiết kế phân tử đến hiệu suất thiết bị.

Liên kết nguồn tin: https://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/khcn-trung-uong/23974-nha-khoa-hoc-my-goc-viet-duoc-chon-vao-danh-sach-cac-nha-khoa-hoc-xuat-sac-tren-the-gioi-hall-of-fame.html

Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam

Lượt xem: 1367

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)