Thứ tư, 22/03/2017 09:37 GMT+7

“Chúng tôi muốn trao truyền tri thức cho những nhà khoa học trẻ”

Với cụm công trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ (KH&CN) na-nô, nhóm năm nhà khoa học nữ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2016. Điều đặc biệt, họ đều là những nhà khoa học đã ngoài 60 tuổi, nhưng sức làm việc còn rất dồi dào và luôn tâm niệm trao truyền tri thức cho lớp trẻ.


PGS.TS Phạm Thu Nga (người ngồi) và các PGS.TS: Trần Hồng Nhung, Vũ Thị Bích, Trần Kim Anh (từ trái sang) trong phòng thí nghiệm

Tập thể khoa học gồm năm nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: PGS.TS Trần Kim Anh, PGS.TS Vũ Thị Bích, PGS.TS Phạm Thu Nga, PGS.TS Trần Hồng Nhung và PGS.TS Nguyễn Phương Tùng. Xuất phát điểm của cả năm nhà khoa học đều từng công tác tại Viện Vật lý, dù sau đó người ở lại Viện Vật lý, người chuyển sang Viện Khoa học vật liệu, mỗi người chọn một hướng đi riêng nhưng họ vẫn thường xuyên trao đổi, hợp tác với nhau qua những công trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về KH&CN na-nô. PGS.TS Trần Hồng Nhung nói: “Mỗi chúng tôi là một cánh hoa trên một bông hoa, không thể tách rời”.

Nghiên cứu cơ bản về KH&CN na-nô từ những năm 1990, nhóm nghiên cứu hướng tới công nghệ chế tạo vật liệu na-nô ứng dụng trong huỳnh quang điện tử nông nghiệp, y-sinh và khai thác dầu khí. Năm nhà khoa học nữ là một trong những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp sol-gel và hóa ướt, để chế tạo ra các loại vật liệu bán dẫn kích thước na-nô mét (nm). Các ứng dụng các vật liệu na-nô này trong lĩnh vực in bảo mật, linh kiện chiếu sáng tiết kiệm điện năng (LED) hay dùng trong pin mặt trời. Nhóm cũng nghiên cứu về các vật liệu phát quang chứa các iôn đất hiếm, phục vụ cho việc sản xuất đèn ống huỳnh quang tiên tiến hiệu suất cao, đèn huỳnh quang phát trong các vùng phổ tử ngoại dùng cho các bẫy đèn diệt côn trùng, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các vật liệu na-nô i-ôn đất hiếm còn được dùng làm chất đánh dấu trong kiểm định vắc-xin. Ngoài ra, các vật liệu na-nô kim loại vàng và bạc hay còn gọi là vật liệu plasmonic, các hạt na-nô silica SiO2 chứa tâm mầu đã được năm nhà khoa học nghiên cứu phát triển. Ứng dụng chủ yếu của các vật liệu na-nô quang này là làm chất đánh dấu sinh học trong các sensor để phát hiện nhanh, định lượng vi khuẩn và tế bào ung thư. Các chất đánh dấu sinh học na-nô còn dùng để hiện ảnh tế bào ung thư hay theo dõi đường đi của thuốc với độ chói vượt trội so với chất đánh dấu cổ điển giúp phát hiện sớm bệnh ở mức độ phân tử.

Nhóm năm nhà khoa học nữ cũng phát triển hướng nghiên cứu về các phương pháp và thiết bị quang tử phục vụ cho các nghiên cứu vật liệu na-nô và ứng dụng y-sinh. Hệ kính hiển vi huỳnh quang đồng tiêu quét la-de đã được nhóm nghiên cứu phát triển lần đầu tiên ở Việt Nam. Hệ kính cho phép chụp cắt lớp và dựng ảnh 3D tế bào và mô sống, là công cụ đắc lực trong nghiên cứu sinh học và chẩn đoán y học. Sự thành công của đề tài nghiên cứu không những cung cấp cho phòng thí nghiệm một công cụ tiên tiến phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, mà còn là tiền đề cho các nghiên cứu về xây dựng các phương pháp hiển vi quang học kỹ thuật số hiện đại tiếp theo của Viện Vật lý. Trong tập thể năm nhà khoa học nữ, PGS.TS Nguyễn Phương Tùng đã xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các hợp chất, trong đó có các hợp chất cấu trúc na-nô, trong công nghiệp dầu khí nhằm nâng cao khả năng thu hồi dầu, nâng cao hiệu quả khai thác và an toàn ngoài giàn khai thác dầu khí. PGS.TS Nguyễn Phương Tùng đã đưa ra hệ chất HĐBM IAMS-M2-P được sản xuất quy mô phòng thí nghiệm trên dây chuyền công nghiệp, bơm ép thử nghiệm thành công ngoài thực tế, giúp tăng thêm sản lượng khai thác 9.140 tấn dầu thô, mang lại giá trị kinh tế.

Tâm sự về những khó khăn, vất vả của những nhà khoa học nữ, PGS.TS Phạm Thu Nga cho biết, phụ nữ làm khoa học phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những nhà khoa học nam để có thể vừa có thành tích trong nghiên cứu, vừa hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. PGS.TS Phạm Thu Nga kể, bà đã từng bật khóc ở Pháp, muốn quay về Việt Nam ngay lập tức khi nghe tin con ốm nhưng phải cố gác lại những cảm xúc cá nhân để hoàn thành công việc. Bốn đồng nghiệp của bà cũng đều đã trải qua những giây phút như thế khi nhận được thư nhà, khi trong lòng ôm nỗi day dứt với các con không có nhiều thời gian ở bên cạnh chăm sóc người thân và gia đình.

Vượt qua những khó khăn, tập thể năm nhà khoa học nữ là tác giả và đồng tác giả của khoảng 636 bài viết công bố trong các tạp chí quốc tế, trong các tạp chí có uy tín trong nước, trong các tuyển tập báo cáo toàn văn của hội nghị quốc tế và quốc gia. Trong đó có khoảng 120 bài đăng trên tạp chí quốc tế và có trong danh mục ISI. Các nhà khoa học nữ cũng đã vượt qua điều kiện thiếu thốn, để từ kinh phí thu được trong quá trình thực hiện các đề tài dự án và hợp đồng nghiên cứu thử nghiệm. PGS.TS Nguyễn Phương Tùng tự trang bị thiết bị máy móc cho phòng thí nghiệm giá hơn năm tỷ đồng phục vụ nghiên cứu và đào tạo. PGS.TS Trần Hồng Nhung thực hiện thành công hai đề tài cấp nhà nước, trong đó có đề tài “Nghiên cứu phát triển hệ thống thiết bị hiển vi la-de quét đồng tiêu hiện đại” đã mang lại cho phòng thí nghiệm thiết bị được đánh giá có giá trị 10 tỷ đồng.

Khi biết tin những cộng sự lâu năm của mình đoạt giải thưởng Kovalevskaia, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đây là giải thưởng cao quý và vô cùng xứng đáng đối với tập thể nhà khoa học nữ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Năm nhà khoa học nữ đã có những cống hiến lớn và là một trong những người mở đường trong lĩnh vực KH&CN na-nô của Việt Nam, góp phần giữ vững vị trí là một trong những nước đứng vào hàng đầu của Đông - Nam Á trong lĩnh vực này.

Hiện nay, năm nhà khoa học nữ đều đã về hưu nhưng chưa lúc nào ngơi nghỉ. Họ vẫn bận rộn trên những chuyến công tác đi về, họp hành, hội nghị khoa học mà nhiều người trong số đó giữ vai trò chủ trì. Một ngày mới bắt đầu bằng những công việc như: hướng dẫn nghiên cứu sinh; đọc bài báo khoa học; phản biện đề tài... Nhiều đêm, họ vẫn thức đến 24 giờ để làm việc. PGS.TS Phạm Thu Nga chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo cơ hội làm chủ đề tài lớn cho thế hệ trẻ, trao truyền tri thức giúp các bạn trẻ đứng vững trên đôi chân của chính mình là động lực làm việc của chúng tôi”…

(Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/32342902-%E2%80%9Cchung-toi-muon-trao-truyen-tri-thuc-cho-nhung-nha-khoa-hoc-tre%E2%80%9D.html)

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 2848

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)