Thứ năm, 23/03/2017 16:12 GMT+7

Kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức

Với những sáng kiến thu hút các chuyên gia, trí thức Việt Nam tại nước ngoài trong thời gian qua, Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã nhận được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, để nguồn chất xám thu hút được có thể phát huy hiệu quả hơn nữa cho công cuộc xây dựng đất nước, Bộ KH-CN đang nỗ lực kết nối mạng lưới này với hoạt động khởi nghiệp song song cùng việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho trí thức kiều bào tham gia vào các hoạt động KH-CN.

Nhiều đóng góp thiết thực

Theo Bộ KH-CN, năm 2016, Bộ đã triển khai nhiều sáng kiến trong việc kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài và đã thu được một số kết quả ban đầu. Thông qua chương trình "Chuyên gia giỏi nước ngoài về KH-CN và đổi mới sáng tạo, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài", Dự án Đổi mới sáng tạo (FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã kết nối được trên 540 chuyên gia giỏi tại nước ngoài, trong đó có khoảng 250 chuyên gia, trí thức kiều bào đang làm việc và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong cả nước. Bộ KH-CN cũng đã phê duyệt Đề án "Xây dựng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới" với mục tiêu thúc đẩy, sử dụng hiệu quả nguồn "chất xám" phục vụ phát triển đất nước.
 

Đại diện mô hình khởi nghiệp theo hướng cộng đồng (FABLAB) tại Hà Nội trình bày ý tưởng ở gian hàng ý tưởng khởi nghiệp.


Theo ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án FIRST, hiện Bộ KH-CN và Ngân hàng Thế giới đã và đang xem xét tài trợ một cách đồng bộ để triển khai nhiều đề xuất của các viện, trường, mời các chuyên gia nước ngoài, trong đó có các kiều bào để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ. Có thể kể đến PGS.TS Phạm Công Kha, kiều bào hiện công tác tại Trường ĐH Điện tử - Viễn thông, Tokyo, Nhật Bản, được mời về giúp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh triển khai đề xuất “Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng”; PGS.TS Trần Tất Đạt đang công tác tại Đại học Canberra, Australia, được mời về giúp Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng triển khai đề xuất “Nghiên cứu ứng dụng tín hiệu sóng não trong an toàn thông tin, ứng dụng cho các hệ thống mạng công nghệ thông tin tại Việt Nam”. 

Còn với mô hình Teach for Vietnam (Giảng dạy vì Việt Nam - TFV), cựu du học sinh ĐH Harvard Huỳnh Hạnh Phúc cho biết: Đây là dự án phi lợi nhuận nhằm góp phần đem lại một nền giáo dục hoàn thiện, bình đẳng và thực tiễn tại trường học cho trẻ em Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất hướng đến là giúp trẻ em nghèo ở những vùng khó khăn, nên những chương trình của TFV sẽ hoàn toàn miễn phí cho người học. Theo Giám đốc điều hành và sáng lập TFV Huỳnh Hạnh Phúc, TFV sẽ đào tạo đội ngũ “hạt giống”, sau đó sẽ đưa họ đến dạy một số môn học, bước đầu là môn tiếng Anh tại các trường tiểu học, THCS ở những vùng khó khăn trong vòng hai năm. Hiện tại, TFV đang muốn tuyển dụng thêm 27 vị trí "hạt giống" ở tất cả các lĩnh vực, có đam mê, nhiệt huyết, trình độ tiếng Anh cao để làm việc cho dự án.

Tạo môi trường cho khởi nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, đội ngũ các chuyên gia, trí thức kiều bào là một trong những nguồn nhân lực KH-CN của đất nước. Vì vậy, cần thu hút, khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết của trí thức Việt Nam trên toàn cầu, kết hợp với nguồn "chất xám" trong nước để chia sẻ thông tin và tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách về KH-CN. 

Đóng góp ý kiến cho hướng đi này, theo ông Huỳnh Hạnh Phúc, với tư cách Giám đốc điều hành và sáng lập TFV: Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nữa nếu kết nối được các nhà khởi nghiệp có ý tưởng tốt với các chuyên gia trong lĩnh vực đó. 

Còn ông Dương Minh Trí, Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, kiều bào Đức cho rằng: Dân số Việt Nam hiện khoảng 90,4 triệu người, trong đó có khoảng 60 triệu người trong độ tuổi lao động. Đó là một điều kiện tốt để phát triển kinh tế và khởi nghiệp. Với chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, hy vọng đến năm 2020, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đạt đến con số 1 triệu. Nhà nước không cần can thiệp sâu mà chỉ cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, nuôi dưỡng ý tưởng và phong trào khởi nghiệp của sinh viên ngay trong thời gian còn đi học. Đồng thời cần thành lập các quỹ hỗ trợ vốn cho đề tài nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu có sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hữu quan thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, kết nối chuyên gia trí thức kiều bào ở trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường việc chia sẻ tri thức hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chuyển giao công nghệ và đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển đất nước. Bộ cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước, mời chuyên gia trí thức Việt kiều tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ thiết thực của đất nước.

Liên kết nguồn tin: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/864788/ket-noi-mang-luoi-chuyen-gia-tri-thuc

 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 3543

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)