Thứ bảy, 25/03/2017 11:29 GMT+7

“Việt Nam có vai trò quan trọng trong đổi mới sáng tạo tại châu Á”

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế cũng như các chính sách, tầm nhìn và quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của Việt Nam. Trong ngày làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ, người đứng đầu WIPO đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trong cuộc trả lời phỏng vấn vào 22/3. (Ảnh: M.H)


- Đây là lần thứ hai ông tới Việt Nam trong vòng 7 năm qua. Xin ông cho biết cảm nhận của mình trong lần trở lại này cũng như nhận xét về năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam?

Ông Francis Gurry: Kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào 2010, lần trở lại này, tôi rất ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam được thể hiện thông qua những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam thể hiện tầm lãnh đạo mang tính chiến lược khi đặt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là trọng tâm để phát triển kinh tế.

Hiện nay, châu Á đang trở thành nguồn cung cấp chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo và đổi mới khoa học công nghệ. Trong đó, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mới sáng tạo là “trò chơi” mang tính lâu dài, đòi hỏi phải có chính sách, các thành phần nền kinh tế tham gia.

Ở Việt Nam, tôi thấy các chính sách trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo đã được ban hành. Và khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng đổi mới sáng tạo sẽ có sự hiện diện khắp nơi, trong mọi hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.

- Đổi mới sáng tạo sẽ là “đòn bẩy” để phát triển, nhưng theo kinh nghiệm của ông, các nước như Việt Nam phải làm thế nào để vận dụng triệt để “đòn bẩy” này?

Ông Francis Gurry: Một trong những nhân tố có thể giúp Việt Nam thành công là gắn đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ với các mục tiêu và hoàn cảnh kinh tế của mình.

Tôi ví dụ như ở đất nước của các bạn, nông nghiệp là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế thì cần phải phát huy. Bởi, trong bối cảnh tương lai thế giới dân số ngày càng tăng kèm theo các thách thức về biến đổi khí hậu nên việc tăng năng suất nông nghiệp sẽ rất được quan tâm.

Do đó, nếu Việt Nam gắn được đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, năng lực cạnh tranh thì khi đó các bạn sẽ tăng trưởng kinh tế tốt.

- Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO trong thời gian qua? Là lãnh đạo cao nhất của WIPO, ông sẽ làm gì để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác này?

Ông Francis Gurry: Mối quan hệ gữa WIPO và cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực và chúng tôi rất ấn tượng với các cam kết của các cơ quan Việt Nam về việc sẽ tiếp tục tích cực đóng góp cho cộng đồng sở hữu trí tuệ thế giới.

Chúng tôi cũng cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ WIPO và vui mừng khi đóng góp một phần nhỏ bé hiệu ứng của mình vào sự phát triển tuyệt vời của các bạn trong thời gian qua.

Lần này tới Việt Nam, tôi có dịp tiếp kiến với Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ giúp mở rộng mối quan hệ hợp tác vốn đang rất tốt đẹp giữa hai bên.

Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)


- Như ông nói, Việt Nam đang có chính sách và tầm nhìn tốt về đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Ông có khuyến cáo gì với Chính phủ Việt Nam để thực hiện tốt hơn?

Ông Francis Gurry: Tôi đến Việt Nam và luôn coi mình như một sinh viên đến học hỏi bí quyết thành công vì các bạn đã làm rất tuyệt vời trong thời gian qua.

Nói về lời khuyên thì tôi rất ngưỡng mộ chính sách, tầm nhìn quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, các quyết tâm, chính sách là điều kiện cần chứ chưa đủ để phát triển được hệ sinh thái bảo hộ sở hữu trí tuệ mà phải cần nhân tố quan trọng là thúc đẩy ý thức của người dân, doanh nghiệp trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.

- Xin cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho hay, hàng năm, WIPO đều triển khai nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật dành cho Việt Nam theo hướng xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.

Thời gian tới đây, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai một số Dự án như xây dựng Chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ; kiểm toán về nguồn lực và quản lý của cơ quan sở hữu trí tuệ; IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Vẫn theo ông Thanh, kết quả đánh giá của WIPO về chỉ số sáng tạo toàn cầu năm 2016 cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Mặc dù tụt vị trí tới 7 bậc so với năm 2015 nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của đổi mới sáng tạo (bao gồm Sản phẩm của tri thức và công nghệ, và Sản phẩm sáng tạo).

 

Liên kết nguồn tin: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-co-vai-tro-quan-trong-trong-doi-moi-sang-tao-tai-chau-a/437086.vnp

Nguồn: vietnamplus.vn

Lượt xem: 1490

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)