Nghiên cứu về đồ gá quay, thiết bị di trượt robot được thử nghiệm và ứng dụng tại trường
Thực tế cho thấy, để chuyển giao những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, nhiều trường đại học không chỉ kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp mà còn thành lập các doanh nghiệp trực thuộc ngay đơn vị mình để tăng tốc quá trình chuyển giao. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội – BK Holdings, thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, là một trong những doanh nghiệp được ra đời như thế.
Được thành lập từ năm 2008, BK Holdings là mô hình doanh nghiệp đầu tiên được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam, hoạt động chủ yếu là chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.
Một trong những đề tài khoa học được BK Holdings thực hiện thương mại hóa là “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo đồ gá quay và thiết bị di trượt robot dùng cho công nghiệp” của PGS.TS Bùi Văn Hạnh. Đề tài đã thiết kế và làm chủ công nghệ chế tạo đồ gá hai trục quay và thiết bị di trượt robot nhằm mở rộng khả năng công nghệ của robot công nghiệp, thay thế cho việc nhập khẩu các thiết bị này từ nước ngoài. Hiện sản phẩm của đề tài đã được ứng dụng tại nhiều công ty trên cả nước.
BK Holdings cũng có những công ty con để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ ra các doanh nghiệp bên ngoài. Tiêu biểu là Công ty TNHH một thành viên Tư vấn & chuyển giao công nghệ Bách Khoa (BK-Contect) với đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu tricolorphotpho và bột điện tử micro-nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và đèn huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng” do Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện.
Đề tài được chuyển giao cho Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trị giá 6,8 tỷ đồng, giúp Rạng Đông có thể sử dụng nguyên liệu trong nước, thay vì phải nhập khẩu 100% như trước đây.
Bên cạnh công tác chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, công tác ươm tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng được BK Holdings đặc biệt chú trọng.
Nổi bật trong số đó là ETADI, được phát triển bởi nhóm sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa Hà Nội. Kết nối với ETADI, người dùng sẽ được cung cấp những thông tin hữu ích như các điểm tắc đường, ngập lụt, đường cấm… được đóng góp từ cộng đồng người dùng.
Nguyễn Huỳnh Đức, sáng lập viên Dự án ETADI, chia sẻ: “Hiện tại, ETADI đang triển khai ra mắt thị trường. Trong quá trình phát triển, chúng tôi được hỗ trợ bởi các giảng viên uy tín và có kinh nghiệm lâu năm tại Viện Công nghệ thông tin”.
Nguyễn Huỳnh Đức (thứ hai từ trái sang) cùng nhóm dự án ETADI
Không chỉ Công ty BK Holdings của Đại học Bách Khoa mà nhiều công ty khác như Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội… cũng chứng tỏ được mô hình công ty trong đại học là cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống. Nhưng con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng bởi thực tế hoạt động thương mại hóa công nghệ đại học – doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ, tồn tại nhiều hạn chế.
PGS.TS. Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BK Holdings chỉ ra nguyên nhân của hiện trạng này: “Nghiên cứu của chúng ta hiện nay mới ở giai đoạn đầu tiên - thành công ở quy mô phòng thí nghiệm. Nhưng để chuyển giao vào thực tiễn cần phải được ươm tạo đến quy mô công nghiệp và hiện đang thiếu hẳn cái khâu đó. Thêm nữa, bản thân các trường đại học cũng thiếu cơ sở để có chức năng như một doanh nghiệp. Khi chuyển giao, cần phải có vốn nhưng bản thân trường không có tư cách pháp nhân để ra ngân hàng để vay vốn”.
PGS.TS. Trần Văn Bình – Chủ tịch HĐTV Công ty BK Holdings
Từ những khó khăn trên có thể thấy, mô hình công ty trong trường đại học còn tương đối xa lạ trong khi nhìn ra thế giới, đây là xu hướng tất yếu và có từ rất sớm.
Tại trường đại học công nghệ hàng đầu Trung Quốc – Đại học Thanh Hoa, Thanh Hoa Holdings đã ra đời với 98 công ty con, 6 khu công nghiệp lớn nhỏ khác nhau. Tại Mỹ, châu Âu, những cơ sở đào tạo ở đây đều có ít nhất là một doanh nghiệp với chức năng chuyển giao công nghệ.
Trên thực tế, chúng ta đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho các trường đại học chuyển giao tri thức vào cuộc sống. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 115 về Doanh nghiệp KH&CN trao quyền tự chủ cho các đơn vị KH&CN. Tuy nhiên, nỗ lực phát triển mô hình này vẫn còn gặp khó.
Với vai trò là trung tâm khoa học và đào tạo, các trường đại học đang cố gắng thực hiện tốt ba nhiệm vụ chính của mình là: Đào tạo; Nghiên cứu phát triển khoa học; Ứng dụng các thành tựu KH&CN vào cuộc sống. Nhiều trường vẫn còn gặp nhiều hạn chế ở nhiệm vụ thứ ba. Ngoài những nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm hoạt động, cơ chế chính sách chưa đồng bộ… thì việc phân bổ thời gian giữa nghiên cứu và giảng dạy cũng khiến các nhà khoa học chưa mặn mà trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Từ thực tế của các trường đại học hiện nay, cần có nhiều hơn nữa những cơ chế của nhà nước để hỗ trợ các trường đại học. Về phần mình, các trường đại học cũng cần chủ động liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp… để chuyển giao tri thức, ứng dụng KH&CN. Các mối quan hệ này cần được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau và làm lợi cho nhau. Bên cạnh đó, các trường đại học cần mạnh dạn khai thác tiềm năng chất xám và cơ sở vật chất của mình thông qua việc thành lập những công ty để có thể chuyển giao tri thức vào cuộc sống một cách thiết thực nhất.
Rõ ràng, để chuyển giao tri thức vào cuộc sống thì việc thành lập các mô hình công ty trong trường đại học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để mô hình này có thể hoạt động hiệu quả, nhà trường cần xác định rạch ròi cơ chế hoạt động của doanh nghiệp cũng như có cơ chế chuyển giao công nghệ theo hướng thị trường chứ không thể bao cấp như mô hình cơ sở công lập. Có như vậy, hoạt động này mới đi vào hiệu quả và thực chất.
(Liên kết nguồn tin: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/32517902-cong-ty-truc-thuoc-dai-hoc-%E2%80%93-ket-noi-nghien-cuu-va-thuc-tien.html)