Ảnh minh họa
Tác động đến hầu hết các lĩnh vực
Phát biểu tại Diễn đàn CMCN 4.0 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội, ông Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam cho biết, thuật ngữ “CMCN 4.0” đang dần được công nhận trên toàn thế giới. Mặc dù hiện chưa có định nghĩa được chấp nhận một cách rộng rãi, nhưng vẫn có sự đồng thuận rằng, thuật ngữ trên nói đến sự xuất hiện nhanh chóng của một loạt những công nghệ biến đổi tiềm năng.
Ông Louise Chamberlain đưa ra ví dụ: “Điện thoại mất 75 năm mới có được 50 triệu người dùng, còn với radio là 38 năm. Tuy nhiên, internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần 3,5 năm. Lý do dẫn đến hiện tượng này là những đột phá về công nghệ xuất hiện đồng thời ở nhiều khu vực đã tương tác và thúc đẩy lẫn nhau”.
Lãnh đạo của UNDP Việt Nam cho rằng, thời đại của CMCN 4.0 đang bắt đầu bằng việc số hóa và truyền thông để tăng cường kết nối thông tin và sản phẩm (Internet of things) và tính kết nối (tạo ra các nền tảng thị trường mới); sự xuất hiện của các quy trình sản xuất mới với sự cải tiến trong công nghệ, ví dụ như robot và trí thông minh nhân tạo, in 3D…
Đồng tình với quan điểm trên, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đang xoá nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng.
Nếu trước đây, phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì cuộc CMCN 4.0 này xuất hiện chỉ sau cuộc CMCN lần thứ ba chưa đầy nửa thế kỷ. Hơn thế nữa, mức độ ảnh hưởng, lan toả của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay; dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.
“Cuộc CMCN 4.0 tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, lao động, việc làm, giao thông vận tải, dệt may, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo,… đến doanh nghiệp và các địa phương”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Việt Nam đang đứng đâu?
Ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong cơ cấu sản xuất công nghiệp ở nước ta hiện nay, chiếm tỷ trọng lớn là các ngành chế biến thực phẩm, tiếp theo ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và thiết bị viễn thông. Ngoài ra là các ngành như dệt may, thiết bị giao thông, máy tính và điện tử…
Tuy nhiên, đây đều là những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, hoặc sản xuất sản phẩm cuối cùng, nên có giá trị gia tăng thấp. Năng lực cạnh tranh ở các sản phẩm này chủ yếu nằm ở giá thấp (dựa trên nhân công giá rẻ và/hoặc các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất…).
Ông Hòa còn đưa ra thông tin, công nghệ và sáng tạo của Việt Nam vẫn là “vùng trũng nhất”, tình trạng này kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016, Việt Nam được xếp hạng chung là 56, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều. Cụ thể: Năng lực hấp thụ công nghệ xếp hạng 121; chuyển giao công nghệ từ FDI: 81; độ sâu của chuỗi giá trị: 109; mức độ phức tạp của quy trình sản xuất: 101; chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học: 95; giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông: 95.
Chính vì vậy, theo ông Trần Việt Hòa, khi hoạt động sản xuất có xu hướng quay trở lại các nước phát triển, phân bố tập trung gần với thị trường của các quốc gia có trình độ cao thì ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối với các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu này là không thể tránh khỏi.
“Nếu không có điều chỉnh phù hợp và kịp thời, nền sản xuất công nghiệp sẽ phải chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng do mất đi các lợi thế cạnh tranh vốn có (lao động dồi dào, kỹ năng thấp), sự thu hẹp của quy mô thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu truyền thống, thậm chí là biến mất”, ông Hòa nhấn mạnh.
Bốn giải pháp cho ngành công nghiệp
Bàn về giải pháp cho nền công nghiệp Việt Nam khi đón nhận “làn sóng” CMCN 4.0, ông Trần Việt Hòa cho rằng, dưới tác động của CMCN 4.0, cùng với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế, lĩnh vực sản xuất công nghiệp phải tái cơ cấu một cách mạnh mẽ.
Cụ thể, Việt Nam cần dịch chuyển mạnh mẽ những ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao; nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và năng suất của các ngành công nghiệp truyền thống thông qua việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ của CMCN 4.0 và nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động.
Bên cạnh đó, định hướng lại thị trường theo hướng tập trung vào đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng là một “nhánh” không thể bỏ qua trong giai đoạn hiện nay.
Cuối cùng, ông Hòa cho rằng, việc lựa chọn và tập trung xuất khẩu vào nhóm các sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có lợi thế, giảm nhanh chóng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô, các sản phẩm gia công, lắp ráp… cũng là một giải pháp đón đầu cuộc cách mạng.
Thực tế, những báo động và lo lắng về "trí tuệ nhân tạo chiếm lĩnh việc làm" không phải là hành động động cần thiết để giải quyết những thách thức hiện nay. Vì vậy, cùng quan điểm với ông Hòa, Giám đốc UNDP Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần hướng tới năng suất cao hơn và khả năng phục hồi của xã hội.
Đây là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.
(Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Lam-gi-khi-cach-mang-cong-nghiep-40-cham-ngo/302872.vgp)