Thứ năm, 20/04/2017 10:20 GMT+7

Điểm tựa cho các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản

Làm thế nào để các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, vơi bớt nỗi lo “cơm áo gạo tiền” để chuyên tâm nghiên cứu? Đâu là giải pháp ngăn dòng “chất xám” chảy ra nước ngoài hay cách để đánh giá tính hiệu quả của các nghiên cứu khoa học?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi về những vấn đề này với Tiến sĩ Phùng Quang Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Vật lý lý thuyết thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người đã được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.

 
Giải thưởng Tạ Quang Bửu có ý nghĩa đặc biệt đối với giới khoa học


- Tiến sĩ được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 ở hạng mục Công trình khoa học xuất sắc của các nhà khoa học trẻ. Ông có thể cho biết thành công của công trình này đã được tiếp nối như thế nào?

- Sau khi công trình “Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối” được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, chúng tôi đã phát triển tiếp các nghiên cứu với các lý thuyết bất đối xứng trái phải, hy vọng sẽ cho những kết quả thực nghiệm rất đáng chú ý. Đây cũng là đề tài mới mà nhóm đăng ký với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) quốc gia - Nafosted. Quỹ đã chấp nhận và thông qua khoản tài trợ đề tài trị giá 1 tỷ đồng trong 2 năm.

Tiếp nối thành công của đề tài, nhóm đã công bố một nghiên cứu có liên quan và kết quả được đăng trên tạp chí EPJC (European Physical Journal C) - một tạp chí chuyên ngành Vật lý thuộc top 5.

- Tiến sĩ nhận xét gì về mối liên kết giữa nghiên cứu cơ bản, đào tạo và ứng dụng tại Việt Nam?

- Ở trường đại học hiện nay, các hoạt động này không có sự gắn kết. Có một tình trạng phổ biến là nhiều giảng viên chỉ giảng dạy, không nghiên cứu, thậm chí không có khả năng nghiên cứu. Điều này trái ngược với mô hình chung của thế giới. Ở các viện nghiên cứu của Việt Nam, nhiều người có điều kiện nghiên cứu nhưng lại ít có cơ hội giảng dạy. Tuy nhiên, Viện Vật lý của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam có đặc điểm khác, là có đào tạo từ bậc cao học trở lên. Hằng năm, Viện có nhân sự bổ sung và thường xuyên có học viên, đây thực sự là cách hay để phát triển năng lực nghiên cứu.

- Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về mô hình nghiên cứu trường - viện, mà cụ thể là ở Viện Vật lý?

- Công việc chính của chúng tôi vẫn là nghiên cứu. Tuy nhiên, trong tuần, chúng tôi thu xếp 1 - 2 ngày để giảng dạy cho học viên cao học, nghiên cứu sinh. Quy trình được thực hiện theo nguyên tắc người đi trước hướng dẫn người đi sau, tiến sĩ làm việc với nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh làm việc với học viên cao học, học viên cao học làm việc với sinh viên.

- Nhưng, dường như vấn đề nhân lực và cơ chế về nhân sự vẫn là một trở ngại lớn?

- Đúng vậy, nhóm nghiên cứu về vật lý trường và hạt cơ của chúng tôi có 7 biên chế. Đó là con số quá nhỏ bé so với những đơn vị tương tự của thế giới. Như ở Đài Loan - Trung Quốc, chỉ trong một trường đại học, nhóm nghiên cứu tương tự cũng có 7 - 10 người, bằng cả quân số nghiên cứu cùng lĩnh vực của Viện Vật lý. Đó là chưa kể hệ thống postdoc (nghiên cứu trình độ sau tiến sĩ) cũng rất hùng hậu. Ở Việt Nam, các nhóm nghiên cứu hầu như không có postdoc - có thể do cơ chế trả lương. Ngay cả đề tài nghiên cứu được Quỹ Nafosted cấp tiền cũng không có khoản chi dành cho việc thuê postdoc. Điều này nên được nghiên cứu bổ sung để nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học được tăng cường, tránh bị chảy máu chất xám bởi hiện nay, sau khi học xong, các tiến sĩ gần như chỉ có con đường duy nhất là làm postdoc tại nước ngoài, vừa có thu nhập (khoảng 1.500 - 1.700 USD/tháng) vừa được làm nghiên cứu thực sự. Theo tôi, những nhóm nghiên cứu mạnh có khả năng quản lý postdoc nên được Nhà nước đầu tư thích đáng.

- Theo tiến sĩ, làm thế nào để đánh giá tính hiệu quả của các nhóm nghiên cứu?

- Căn cứ vào sản phẩm, Nhà nước có thể ký hợp đồng 1 năm với nhà khoa học, thậm chí là 6 tháng, sau thời gian đó phải ra được sản phẩm. Nếu nghiên cứu đạt hiệu quả thì mới ký tiếp, không thì dừng. Không nên giao “một cục” với thời gian quá dài. Cơ chế đánh giá bằng sản phẩm sẽ là bộ lọc tốt nhất để tìm ra những người thực sự có năng lực.

- Nhiều nhà khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đã coi Quỹ Nafosted như một điểm tựa trước nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của Quỹ?

- Tôi đánh giá rất cao sự ra đời và hoạt động của Quỹ. Hoạt động của Quỹ đã lấy lại sự công bằng cho các nhà khoa học thực sự làm việc. Họ có thể sống được bằng chính sức lao động khoa học của mình. Và đặc biệt, Quỹ là điểm tựa cho các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Với nghiên cứu cơ bản, đòi hỏi kết quả phải được ứng dụng ngay thì rất khó, nhưng, về lâu dài thì đó là nền móng vững chắc.

- Với thu nhập như hiện nay, một nhà khoa học như tiến sĩ có đủ sống?

- Tôi nghĩ là đủ! Quan trọng là nhu cầu của bản thân và biết thế nào là đủ. Thực sự là với tôi, hiện nay, thu nhập từ lương và thực hiện các đề tài từ Quỹ Nafosted là đủ.

- Xin cảm ơn tiến sĩ!

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/866917/diem-tua-cho-cac-nha-nghien-cuu-khoa-hoc-co-ban

 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2542

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)