Thứ tư, 03/05/2017 10:59 GMT+7

Phương pháp giáo dục STEM: Trang bị kiến thức cho công dân thế kỷ 21

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh vừa tổ chức rà soát và đánh giá quá trình triển khai phương pháp giáo dục STEM (trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại 15 trường THCS, THPT ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định và Quảng Ninh.



Các ngày hội STEM luôn thu hút đông các em học sinh. Ảnh minh họa

 

Hơn 50 sản phẩm giáo dục theo định hướng STEM đã được triển khai bài bản và tâm huyết. Thu gọn lại từ những dự án đó, là những ý tưởng địa phương gần gũi, là những câu lạc bộ ngoài giờ học đầy đam mê và sự thay đổi phần nào trong cách dạy, cách học bộ môn khoa học - điều mà sẽ rất khó đạt được nếu không cập nhật những phương pháp giáo dục đổi mới.

Những ý tưởng dự án bắt nguồn từ địa phương

Dự án trồng cây thâm canh trên phần mái của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong được thực hiện ở Nam Định - một tỉnh có truyền thống nông nghiệp lâu đời. Các em phải đào sâu nghiên cứu về đặc điểm các loại đất, loại nước ở tỉnh mình để tìm ra giải pháp thâm canh phù hợp. Ngoài ra, các thầy cô chủ nhiệm dự án còn kết nối các em tới học tập tại nông trại Vụ Bản – một trang trại trồng rau sạch theo phương pháp của người Nhật để học tập kinh nghiệm cũng như được trải nghiệm như những người nông dân thực thụ.
Tại một thành phố du lịch biển như Quảng Ninh, các em học sinh trường THPT Hòn Gai đã có những dự án thực tế như “Máy thu rác trên Vịnh Hạ Long” hay “Thiết bị chống đuối nước” đều gắn liền với những vấn đề thực tế địa phương…

Ngoài ra, học sinh Nguyễn Anh Tú, học sinh lớp 12 trường THPT Hòn Gai còn đang ấp ủ một dự án về phần mềm điện thoại thông minh, giúp các tàu thuyền nhỏ có thể phát tín hiệu cứu hộ khẩn cấp khi gặp nạn trên biển.

Qua các dự án như trên, học sinh không chỉ học được những kiến thức thuộc chương trình giáo dục gắn liền với quá trình triển khai và sản phẩm của dự án mà trước đây được giáo viên dạy trong các giờ học trên lớp theo phương thức dạy học truyền thống.

Những câu lạc bộ ngoại khóa

Một trong những hình thức triển khai chủ yếu của phương pháp học tập theo định hướng STEM tại các trường là câu lạc bộ ngoại khóa. Nhiều trường đã lựa chọn hình thức câu lạc bộ ngoại khóa như một cách khác để thí điểm và khuyến khích các em tham gia, nghiên cứu và trải nghiệm nhiều hơn với STEM.

Chị Phùng Thu Ngà, Giáo viên Vật lý của trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Đông chia sẻ “Đối với trường Nguyễn Trãi, câu lạc bộ STEM là một trong những câu lạc bộ chính thức và Ban Giám hiệu cũng rất chú trọng tới việc phát triển STEM trong nhà trường. Chúng tôi có bảy giáo viên và hai lãnh đạo trong đội ngũ giáo viên STEM để hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án.”

Câu lạc bộ STEM tại nhiều trường thường được tổ chức từ hai tới bốn giờ học một tuần và mỗi dự án có thể kéo dài vài tuần tùy theo nội dung của từng dự án. Hoạt động của câu lạc bộ ngoài nội dung nghiên cứu, các hoạt động thí nghiệm còn có các chuyến đi thực tế như chuyến thăm quan Trung tâm Đào tạo Hạt nhân và Trung tâm chiếu xạ Hà Nội – thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam của các em học sinh của trường THCS Lê Lợi, Hà Đông. Những hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ và tin cậy của phụ huynh.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong chuyến đi này không phải một dự án cụ thể, mà chính là sự tâm huyết của các thầy cô giáo trong việc tìm ra cách áp dụng phù hợp với hệ thống giáo dục của Việt Nam, nỗ lực mang đến những cơ hội tiếp cận STEM cho các học sinh của mình.” – Ông Alan West MBE, Giám đốc Công ty Exscitec, Vương quốc Anh, Chuyên gia phụ trách đợt Rà soát và Đánh giá chia sẻ.

Thay đổi suy nghĩ về khoa học

Phương pháp giáo dục theo định hướng STEM không chỉ là hình thức giáo dục khuyến khích học sinh sử dụng kiến thức tổng hợp của các môn Khoa học (S), Công nghệ (T), Kỹ thuật (E) và Toán học (M) mà còn trang bị cho các em những kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21. Em Lê Hải Yến, học sinh lớp 9 trường PTLC Olympia chia sẻ: “Em thích học khoa học hơn vì không những được khám phá những thứ gần gũi xung quanh mình mà còn được phát triển thêm những kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, tìm kiếm thông tin…”.

Những thay đổi tích cực cũng đến từ nhiều phía: ban lãnh đạo nhà trường, giáo viên và từ chính các em học sinh. Sự thay đổi phần nào trong cảm nhận về môn khoa học – những bộ môn thường bị coi rằng khô khan và khó học, nặng lý thuyết và không có liên hệ thực tế - nay trở thành một niềm hấp dẫn mới mẻ, khơi gợi cảm hứng, niềm yêu thích và say mê khoa học với nhiều em học sinh. Và qua việc học theo định hướng STEM, có khá nhiều em học sinh chia sẻ sẽ lựa chọn khoa học là con đường tương lai cho bản thân mình.

“Trước thì mình vào lớp và nhìn thấy một hình ảnh vô cùng mô phạm truyền thống. Đó là học sinh ngồi trật tự thẳng hàng và nghe cô giáo giảng là chủ yếu. Nhưng bây giờ thì lớp học sôi động hơn, thoải mái hơn và học sinh cũng chủ động hơn”, một ví dụ so sánh của cô Hoàng Vân Anh, giáo viên trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội

Với trường THCS Trần Phú, Hải Phòng, ban lãnh đạo nhà trường đã có kế hoạch mở rộng thêm quy mô áp dụng dự án STEM vào học kỳ II sau khi nhìn thấy tiềm năng kết quả của dự án. Đó là triển khai thêm ba dự án và nâng tổng số lớp học STEM lên thành tám lớp.

Những dự án STEM tại các trường học thí điểm sẽ không chỉ dừng lại ở con số trên 50 mà còn tăng hơn nữa trong thời gian tới. Mục tiêu của các dự án là tạo cơ hội cho nhiều em học sinh tiếp cận với STEM hơn nữa, giúp các em phát huy khả năng vận dụng kiến thức và tính sáng tạo của mình thông qua việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề thực tiễn. 

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Phuong-phap-giao-duc-STEM-Trang-bi-kien-thuc-cho-cong-dan-the-ky-21/304574.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 8021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)