Thứ sáu, 16/06/2017 10:04 GMT+7

Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu: Tìm mô hình thích hợp

Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà còn gây phát thải lượng lớn khí nhà kính (KNK). Giải pháp nào để ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK là vấn đề được bàn thảo tại hội thảo “Một số hoạt động ứng phó với BĐKH, ngành –Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong bối cảnh thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH” diễn ra ngày 15/6, tại Hà Nội.


 

Để thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là thỏa thuận Paris, ngành nông nghiệp đã có nhiều hành động cụ thể như: Ban hành kế hoạch hành động, xây dựng cơ chế chính sách. Mục tiêu là phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể, giảm dần tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên (nước, đất đai...).  Ngành trồng trọt đang áp dụng các giải pháp như “1 phải, 5 giảm”, hạn chế phát thải. Chăn nuôi áp dụng các hình thức xử lý chất thải (biogas). Ngành lâm nghiệp thực hiện mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng, quỹ carbon... nhằm bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh và nâng cao quản lý hệ thống thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm...

Tuy nhiên, việc thích ứng biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững và không tác động đến tự nhiên, đồng thời phải có những giải pháp xây dựng dựa vào hệ sinh thái. Do đó, theo ông Đỗ Xuân Lân - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung vào 4 mục tiêu chính. Thứ nhất, nâng cao năng lực về thể chế, chính sách, KHCN cho ứng phó với BĐKH, hướng đến phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường. Thứ hai là huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thứ ba, chủ động ứng phó phòng chống thiên tai, chống ngập lụt, xâm lấn mặn, củng cố đê sông, đê biển và bảo đảm an toàn hồ chứa, các công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật. Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, tích cực tham gia đàm phán quốc tế, nâng cao vị thế ngành –Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Lê Quang Tuấn - đại diện Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, thiên tai bão lũ chính là biểu hiện rõ nét nhất của BĐKH. Do tác động của BĐKH, thiên tai trên thế giới ngày càng gia tăng và là mối lo lớn nhất của nhân loại hiện nay. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, trong bối cảnh thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH chúng ta cần tiếp tục xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu của các công trình phòng chống thiên tai. Trong đó cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các công trình đang xây dựng, nâng cấp hệ thống đê, hồ chứa nước, hỗ trợ xây dựng nhà chống bão lũ ở các tỉnh miền Trung. Song song với đó là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nhận thức của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Dưới giác độ của nhà nghiên cứu, PGS.TS Tăng Đức Thắng (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cảnh báo, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực của BĐKH. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, tác động của BĐKH và đặc biệt là nước biển dâng sẽ có tác động rất lớn đến ĐBSCL. Xu thế thay đổi dòng chảy đến từ thượng lưu là rất bất lợi cho ĐBSCL, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Diễn biến hạn và xâm nhập mặn gần đây phần nào phản ánh tác động này. Tuy nhiên, BĐKH và nước biển dâng còn được xem là diễn biến chậm, kéo dài. Mức độ tác động của nó còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của các quốc gia nhằm giảm thiểu phát thải KNK. Cùng với các giải pháp ứng phó đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến xây dựng các công trình ứng phó chính trên đồng bằng, nâng cao nhận thức cộng đồng, theo GS. Tăng Đức Thắng thì về lâu dài cần tìm kiếm những mô hình phát triển phù hợp với điều kiện nguồn nước đang ngày một bất lợi trên ĐBSCL, hướng đến chung sống hài hòa hơn, ít tác động hơn vào tự nhiên, nhất là các vùng ven biển.

Theo Thỏa thuận Paris về BĐKH, đến năm 2030, Việt Nam sẽ cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD từ nguồn lực nhà nước, hỗ trợ quốc tế và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Liên kết nguồn tin: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=391577

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Lượt xem: 6402

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)