Thứ hai, 10/07/2017 09:00 GMT+7

Hiệu quả từ ứng dụng điện toán đám mây

Ðiện toán đám mây (ÐTÐM) đang là xu thế công nghệ của thời đại, là một phần nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc ứng dụng ÐTÐM trong các doanh nghiệp, tổ chức vẫn chưa mạnh mẽ do gặp nhiều rào cản và thiếu những cơ chế, chính sách để có thể tận dụng hết lợi ích ÐTÐM mang lại.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, dần chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số qua các công nghệ: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, mạng xã hội, ÐTÐM, di động, phân tích dữ liệu lớn... ÐTÐM đóng vai trò nền tảng kiến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức. Sự phát triển của ÐTÐM được cho là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của lưu lượng truyền dữ liệu thông qua hàng tỷ người dùng đang sử dụng các thiết bị di dộng. Bởi lẽ ÐTÐM cho phép các ứng dụng bớt lệ thuộc vào mạng hạ tầng, tiết kiệm cho người dùng khi không cần đầu tư vào hệ thống phần cứng. Thị trường dịch vụ đám mây công cộng sẽ liên tục tăng trưởng, cùng với đó là các doanh nghiệp sẽ phải phát triển hệ thống ÐTÐM, trung tâm dữ liệu ảo phục vụ cho khả năng tương tác lẫn nhau giữa các thiết bị. Tương lai, mọi thứ sẽ dần được kiểm soát thông qua in-tơ-nét như: các thiết bị giám sát, y tế, trường học, dịch vụ của doanh nghiệp...

Giám đốc công nghệ Ngân hàng Việt Á Nghiêm Sỹ Thắng cho rằng, ÐTÐM đang tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu cho các hình thức kinh doanh mới. Những thay đổi này sẽ định hình lại mối quan hệ giữa khách hàng và công ty, phá vỡ rào cản giữa các ngành công nghiệp. Nhờ đó, các công ty có thể đổi mới, thiết lập các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, mở rộng quy mô kinh doanh để thu hút khách hàng, tạo lập nguồn thu nhập mới thông qua tương tác với ÐTÐM. Như với ngành ngân hàng, việc số hóa giúp mỗi năm tăng khoảng 10% khối lượng dữ liệu, tăng từ 15% đến 20% khối lượng giao dịch và giảm chi phí kinh doanh lên đến 20%. Việc ứng dụng ÐTÐM sẽ bảo đảm tính linh hoạt của hệ thống, cung cấp các dịch vụ nhanh nhất với chi phí thấp nhất.

Ðánh giá từ nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng ÐTÐM cũng gặp nhiều thách thức, rủi ro về vấn đề pháp lý, trong đó việc chuyển đổi, bảo mật và triển khai hạ tầng rất phức tạp. Nhất là tại Việt Nam, các khách hàng rất sợ bị mất dữ liệu, không tin tưởng vào độ an toàn và bảo mật trên ÐTÐM. Thực tế có những doanh nghiệp trong hoạt động hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ ÐTÐM của một đơn vị có khả năng cung cấp, nhưng lại mua hẳn một máy chủ riêng, chấp nhận những bất tiện về vấn đề truy xuất, xử lý dữ liệu. Mặt khác, các nhà cung cấp ÐTÐM nổi tiếng đều đặt máy chủ tại nước ngoài, tạo ra rào cản với doanh nghiệp về cơ chế, chính sách và an ninh dữ liệu. Nhưng thực tế, sử dụng ÐTÐM có độ an toàn không thua gì việc sử dụng máy chủ riêng và đang được ứng dụng tại hầu hết các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Trong tương lai, các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, đơn vị có thể kết hợp, sử dụng hệ sinh thái ÐTÐM để cung cấp các ứng dụng quan trọng, giải quyết vấn đề hằng ngày. Ðây cũng là cơ hội để các nhà cung cấp cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động sang số hóa, trên nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên dư thừa, hiện thực hóa những dự án cần chứa, truyền tải dữ liệu lớn với chi phí thấp.

Theo một lãnh đạo Bộ Công an, việc người dùng còn lo ngại về vấn đề an toàn bảo mật dữ liệu đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ ÐTÐM cũng có cơ sở khi theo đánh giá của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vào năm 2015, chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam xếp hạng 76 trong số 196 quốc gia trên thế giới và 17 trong số 40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi các mạng di động, mạng riêng ảo liên tục phát triển thì giải pháp an ninh mạng thông tin sử dụng vẫn còn yếu, dễ dàng bị vượt qua, do khả năng truy cập mọi nơi từ các thiết bị điện tử thông minh. Nhất là với xu hướng các doanh nghiệp nhỏ, vừa đang bắt đầu triển khai dịch vụ ÐTÐM với tốc độ lớn, đang là thách thức với an ninh mạng.

PGS, TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách Lý Quang Diệu, Singapore) cho biết, kể từ năm 2006 đến nay, ÐTÐM đã đảm nhiệm khoảng 75% tổng khối lượng tính toán của các máy chủ. Dự kiến giai đoạn 2015-2020, số lượng máy chủ dành cho ÐTÐM tăng 15%/năm, tỷ trọng khối lượng tính toán trong các trung tâm dữ liệu tăng đến 92% vào năm 2020. Với xu thế như vậy, chi tiêu cho ÐTÐM trên toàn cầu tăng 42,5%/năm, trong đó Việt Nam là nước có tăng chi trong giai đoạn 2010-2016 lên tới 64,4%/năm, nhưng mức chi tiêu lại rất thấp (chỉ 1,7 USD/người/năm), thấp hơn 107 so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan. Chưa kể việc ứng dụng ÐTÐM tại Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn do gặp rào cản từ việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của ÐTÐM, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, và chất lượng dịch vụ ÐTÐM.

Để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi các dịch vụ sang số hóa với ÐTÐM, nhiều chuyên gia kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, có một chính sách ưu tiên cho ÐTÐM nhằm kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT; các doanh nghiệp, tổ chức cần có chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng ÐTÐM sớm, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33328702-hieu-qua-tu-ung-dung-dien-toan-dam-may.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 2438

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)