Thứ năm, 03/08/2017 13:35 GMT+7

Nghiên cứu trong trường đại học: Khả quan nhưng còn khiêm tốn

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”.


Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trung tâm Truyền thông giáo dục

 

Báo cáo kết quả khảo sát hoạt động KH&CN tại 142 cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011-2016 của một nhóm nghiên cứu độc lập được trình bày tại hội nghị cho thấy, khu vực các trường đại học đóng góp hơn 1/2 (50,08%) tổng số nhân lực KH&CN của cả nước. Cũng theo báo cáo này, tổng số sản phẩm KH&CN của khối các trường đại học chiếm hơn 2/3 của cả nước.

Hoạt động KH&CN tại các trường đại học nằm ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ phát hiện tài nguyên, phát triển hạ tầng, KH&CN trong y tế, trong môi trường, trong phát triển mô hình kinh tế, quốc phòng, an ninh, lý luận con đường phát triển, thay đổi và phát triển luật pháp, phát triển văn hóa…

Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2015, khối trường đại học kỹ thuật công nghệ (9/16 trường) đã có 1.729 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết và thực hiện. Khối các trường nông-lâm-ngư-y có tổng cộng 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra. Ngoài ra, nhiều kết luận của khoa học xã hội và nhân văn đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn nếu so với tiềm lực về con người, cơ sở vật chất sẵn có. Hơn nữa, các nghiên cứu phần nào chưa kết nối với đời sống để giải quyết những vấn đề từ thực tiễn. Điều đó có thể nhận thấy qua số lượng các nhà khoa học đạt giải thưởng quốc tế uy tín còn thấp; chưa có nhóm nghiên cứu mạnh và ít có trường đại học tham gia vào các chương trình nghiên cứu lớn của thế giới; nguồn thu chuyển giao KH&CN còn thấp… Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu quy hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và đào tạo; hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn rất hạn chế.

Cùng với đó, nhiều lãnh đạo các trường đại học ở Việt Nam chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN. Các trường chưa nhận thức đúng đổi mới sáng tạo trong KH&CN là động lực cho phát triển của nhà trường và là nguồn thu của nhà trường khi đi vào tự chủ.

Vấn đề ngân sách đầu tư cho KH&CN của ngành giáo dục cũng còn thấp trong khi hợp tác quốc tế còn hình thức, ít hiệu quả.

Cần tiềm lực, nguồn lực và động lực

Vấn đề kinh phí được đại diện nhiều trường đại học đề cập đến khi lý giải về những hạn chế trong nghiên cứu KH&CN ở các trường. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, có 3 yếu tố tác động tới hoạt động nghiên cứu khoa học là tiềm lực, nguồn lực và động lực. Không thể có điều kiện nghiên cứu nếu không có kinh phí.

Ông Sơn đề nghị, cần có các hình thức tài trợ nghiên cứu khoa học “theo gói” gắn với năng lực của trường và cam kết đầu ra, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng các chương trình nghiên cứu theo định hướng ưu tiên, đặc biệt cần tăng cường tự chủ để tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các trường cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong nước theo hướng liên ngành, đầu tư cơ sở vật chất chung phục vụ nghiên cứu.

Còn PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế đưa ra đề nghị với Bộ KH&CN có những điều chỉnh để có nguồn tài chính hợp lý cho các nhà khoa học trong ngành giáo dục bởi nhân lực nghiên cứu trong ngành rất lớn nhưng việc phân bổ tài chính lại không gắn với kết quả nghiên cứu.

Là đại học ngoài công lập, nhưng Đại học Duy Tân lại là một trong không nhiều trường có ưu thế trong nghiên cứu khoa học với số lượng nghiên cứu công bố quốc tế nằm trong tốp đầu cả nước. Chia sẻ về điều này, Phó Hiệu trưởng Võ Thanh Hải cho biết nhà trường có những cơ chế tốt về thu nhập để giảng viên yên tâm nghiên cứu cũng như sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giảng viên đi nước ngoài nghiên cứu. Cho biết ngân sách nhà trường cũng còn eo hẹp, ông Hải đề xuất nên có cơ chế để các trường đại học ngoài công lập được sử dụng chung cơ sở vật chất với các trường công lập hay các tập đoàn lớn, bởi hiện nay Đại học Duy Tân đang phải sử dụng phòng thí nghiệm của các đại học nước ngoài.

Cũng tại Hội nghị, một số nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học cùng chung đánh giá quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Từ đó, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT có những chính sách hỗ trợ để tạo cầu nối gắn kết giữa hai bên.

 Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất, đưa ra thảo luận như lập quỹ đầu tư khoa học công nghệ không phân biệt công tư; thay các chương trình đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế thành chương trình học bổng tiến sĩ chất lượng cao và để những người được cấp học bổng tự lựa chọn nơi đào tạo; thực hiện luân chuyển cán bộ giảng dạy, nghiên cứu giữa các trường; thay đổi quy định thời gian giảng dạy để có nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học; hỗ trợ hình thành các nhóm nghiên cứu…

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, sau Hội nghị này, hai Bộ sẽ có những cuộc làm việc cụ thể theo từng vấn đề, nhóm vấn đề, từng giải pháp. Trước hết sẽ tận dụng hành lang pháp lý hiện có, sau đó là hiệp đồng trách nhiệm quản lý các cấp để giải quyết từng vấn đề cụ thể. Quan điểm của Bộ KH&CN là cần có sự thống nhất trong phân bổ đầu tư sao cho hiệu quả chứ không thể dàn trải cho toàn bộ các trường và hoàn toàn không phân biệt công tư.

Về vấn đề kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian qua đã được triển khai khá tốt và mang yếu tố tự thân. Tới đây, trách nhiệm quản lý là khơi thông và biến những nơi đã tự phát thành tự giác. Bộ trưởng cũng lưu ý, cần xem xét chuỗi nghiên cứu hiện nay như thế nào để có chính sách đồng bộ.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nghiên cứu khoa học và đào tạo là hai trụ cột của trường đại học. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các trường đại học khác với các cơ sở nghiên cứu KH&CN không làm nhiệm vụ đào tạo ở chỗ không chỉ tạo ra sản phẩm KH&CN phục vụ cuộc sống mà trước hết là để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khác với giáo dục phổ thông, mấu chốt của các trường đại học là tạo ra tri thức mới, nếu không đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ sẽ chỉ thuần túy là truyền bá mà không sáng tạo.

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động nghiên cứu KH&CN “vẫn chưa đến nơi đến chốn”, các trường vẫn tập trung nhiều cho công tác đào tạo trong khi công tác nghiên cứu vẫn xếp sau, thậm chí ở nhiều trường còn “rất mờ”.

“Đây là thực trạng, nếu như lãnh đạo các nhà trường không chuyển mạnh, chuyển kịp thì trước cạnh tranh, tự chủ nhiều trường sẽ có nguy cơ đóng cửa. Nghiên cứu tuy tốn kém, khó khăn nhưng tạo ra thương hiệu cho nhà trường, từ đó sẽ thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi, giữ chân được những nhà khoa học có tài, tạo ra hiệu quả lâu dài và bền vững. Điểm yếu hiện nay không hẳn là môi trường chính sách mà thuộc về tư duy quản trị của trường đại học về nghiên cứu KH&CN”.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức để thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nghiên cứu khoa học, nắm bắt và khai thác có hiệu quả những quy định, hướng dẫn về KH&CN hiện có làm cơ sở cho việc triển khai.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các nhiệm vụ nghiên cứu cần gắn với quy hoạch công tác đào tạo, tránh tình trạng nghiên cứu một đằng đào tạo chất lượng cao một nẻo, gây lãng phí nguồn lực. Từng bước đưa hoạt động nghiên cứu khoa học một cách có chiến lược và thiết thực, đưa ra được cơ chế tạo nguồn lực và động lực cho người thực hiện.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ giai đoạn 2017-2025.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nghien-cuu-trong-truong-dai-hoc-Kha-quan-nhung-con-khiem-ton/312708.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 2275

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)