Thứ sáu, 22/09/2017 12:01 GMT+7

Nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Các Trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) tại các địa phương được thành lập với mục đích làm cầu nối, đẩy nhanh các tiến bộ KH và CN vào sản xuất. Nhưng trên thực tế, nhiều năm qua hoạt động của các đơn vị nêu trên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.


Công ty AgriMedia chuyển giao và lắp đặt cụm thiết bị công nghệ hỗ trợ quản lý minh bạch rau VietGAP tại Hợp tác xã rau sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội)

 

Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH và CN), hiện cả nước có 63 Trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN với hơn 1.300 người. Trong hai năm 2015 và 2016, các trung tâm này chỉ thực hiện được 56 đề tài, 91 dự án với khoảng 3.300 hợp đồng dịch vụ, tư vấn và chuyển giao công nghệ, làm chủ được 197 công nghệ.

Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, nguyên Vụ trưởng KH và CN địa phương (Bộ KH và CN) cho rằng, nguyên nhân một số trung tâm hoạt động không hiệu quả là do chưa thực hiện được vai trò kết nối giữa những nhà nghiên cứu với khối sản xuất, kinh doanh và người dân. Phần lớn các trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trụ sở nhiều trung tâm vẫn là nhà cấp bốn, thậm chí phải thuê chỗ làm việc, không có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm, thiết bị lạc hậu. Nhân lực KH và CN còn thiếu và yếu, thiếu chuyên môn về công nghệ, chuyển giao công nghệ. Như tại Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới của tỉnh Hà Giang, mặc dù đã hoạt động được gần 20 năm, nhưng vẫn chưa có trụ sở riêng, chưa đủ trang thiết bị đúng theo chức năng, mô hình hoạt động.

Một trong những khó khăn của các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ là nhu cầu về chuyển giao công nghệ còn ít, do người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm việc mua công nghệ về sử dụng bởi chưa thấy được hiệu quả. Mặt khác, khi trung tâm được tiếp nhận công nghệ và giao cho người dân hoặc một tổ chức, nhưng các cá nhân và đơn vị đó lại không có nhiệm vụ phải nhân rộng mô hình, công nghệ, cho nên hiệu quả đầu tư, nghiên cứu còn hạn chế. Các trung tâm còn gặp nhiều khó khăn về nguồn đầu tư tài chính, luôn trong tình trạng không ổn định và thiếu các chính sách đãi ngộ, khuyến khích các cán bộ có trình độ về công tác. Như tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN của Vĩnh Phúc, sau 14 năm hoạt động, nhân lực mới chỉ có năm người, trong đó bao gồm một giám đốc, một phó giám đốc, một kế toán và hai cán bộ khoa học. Thiếu đội ngũ thực hiện chuyển giao trong các lĩnh vực, chuyên môn chưa đồng đều, sản phẩm khoa học có lợi nhuận thấp và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, dẫn đến việc hình thành chuỗi giá trị sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Nhằm giải quyết những vướng mắc dẫn tới hoạt động thiếu hiệu quả của các đơn vị KH và CN công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2005/NÐ-CP ngày 5-9-2005 và thay thế bằng Nghị định số 54/2016/NÐ-CP ngày 14-6-2016 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH và CN công lập. Tính đến nay trên cả nước đã có 40 trong số 63 trung tâm nhận Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt đề án chuyển đổi và 23 trung tâm đã chuyển đổi sang mô hình tự chủ của tổ chức KH và CN công lập. Nhưng ở mỗi địa phương, việc chuyển đổi các trung tâm sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm lại có sự khác nhau, dẫn đến việc thiếu thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương Nguyễn Cao Ðam cho biết, đơn vị đã hoạt động được gần 20 năm, nhưng chỉ cầm chừng. Ðến năm 2007 khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trung tâm đã tự đứng vững bằng chính hoạt động nghiên cứu và chuyển giao của mình.

Ðể tăng hiệu quả hoạt động các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN ở các địa phương, bên cạnh việc phải tự chủ, chủ động trong các hoạt động thì cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các cơ quan liên quan; Bộ KH và CN có thể bố trí một phần kinh phí từ việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cho trung tâm tiếp tục nhân rộng đề tài; các trung tâm tiếp tục được giao những đề tài KH và CN nhằm phục vụ công tác ứng dụng chuyển giao trên địa bàn tỉnh; ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến các tổ chức KH và CN công lập; sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp cũng như sự nỗ lực tự thân của mỗi nhà khoa học, nhờ đó các trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao tiến bộ KH và CN sẽ phát huy vai trò, vị trí của mình, có những đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/34101702-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-ung-dung-chuyen-giao-cong-nghe.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 2863

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)