Thứ ba, 10/10/2017 14:41 GMT+7

Đầu tư công nghệ: Yếu tố quyết định thành công

Trong nền kinh tế hội nhập, việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất là yêu cầu tất yếu để sản phẩm của doanh nghiệp (DN) bảo đảm tính cạnh tranh, đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học - công nghệ

 

Nền tảng thành công

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - khẳng định, trong rất nhiều nghị quyết của Đảng, Chính phủ thời gian gần đây, đều đặt ra vấn đề, DN muốn tồn tại, phát triển và hội nhập, phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để thực hiện được điều đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là công nghệ phải ở một mức độ nhất định, có khả năng tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư công nghệ đã đem lại thành công cho nhiều DN. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Bơm Hải Dương đã đầu tư 150 tỷ đồng xây nhà xưởng và đổi mới công nghệ, đồng thời thực hiện Dự án “Nghiên cứu thiết kế, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, chế tạo bơm đặc thù và bơm công suất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, nhờ đó, công ty đã nhận được đơn hàng xuất khẩu tại chỗ phôi đúc cho Nhật Bản với doanh thu 1 triệu USD/năm.

Hay tại Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và đầu tư công nghệ xay xát, chế biến gạo trên 4 phân đoạn: Sấy khô, đánh bóng, phân tích và quản lý chất lượng để sản xuất ra loại chất lượng cao nhất. Nhờ vậy, Nhật Bản - một thị trường rất khắt khe, đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng - đã chấp nhận các sản phẩm của tập đoàn.

Cần sự tiếp sức của nhà nước

Đổi mới công nghệ sẽ tạo ra những sản phẩm tiên tiến hơn, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, chi phí sản xuất giảm, hạ được giá thành sản phẩm... Chính vì vậy, làn sóng đầu tư cho khoa học- công nghệ luôn diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, trung bình đầu tư cho khoa học - công nghệ của các DN Trung Quốc cao gấp 3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước; DN Hàn Quốc đầu tư lớn gấp 10 lần mức đầu tư của nhà nước…

Để thúc đẩy DN Việt Nam đầu tư cho công nghệ, PGS-TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (thuộc Đại học Quốc gia Singapore)- đề xuất, nhà nước cần hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ tiếp cận thông tin về công nghệ. Bởi các DN nhỏ thường hạn chế về thông tin khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư khoa học - công nghệ.“Ở Singapore nếu bỏ ra 1 USD đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, nhà nước sẽ miễn thuế khoảng 30 cent nếu có lãi và hỗ trợ họ trong tổng đầu tư” - ông Vũ Minh Khương nêu ví dụ.

Ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI - Bộ khoa học và công nghệ )- cho hay, trong thời gian tới, để hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, SATI sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện với các tổ chức quốc tế, trong đó chú trọng đến các hoạt động chia sẻ, khai thác dữ liệu về nguồn cung công nghệ; phân tích, đánh giá, lựa chọn những công nghệ phù hợp với nhu cầu đổi mới hiện nay của DN Việt Nam. Đồng thời, tập trung điều tra, khảo sát để nắm bắt những nhu cầu đổi mới của DN dưới các hình thức điều tra trực tiếp hoặc gián tiếp để hỗ trợ DN đổi mới công nghệ. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức để tìm kiếm, lựa chọn các công nghệ hiện đại phù hợp với nhu cầu và năng lực tiếp thu công nghệ của DN.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng:

Hiện nay, việc đầu tư đổi mới công nghệ chủ yếu diễn ra tại các DN, tập đoàn lớn; ở các DN nhỏ và vừa còn hạn chế do nguồn vốn và nguồn lực có hạn.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/dau-tu-cong-nghe-yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2355

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)