Thứ năm, 12/10/2017 08:56 GMT+7

Cần giải pháp tăng chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đã làm tốt việc tạo ra tri thức mới, nhiều thay đổi mang lại hiệu quả về đổi mới sáng tạo (ĐMST). Chính vì vậy, trong báo cáo về chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2017, Việt Nam được xếp thứ 47 trong số 127 quốc gia, nền kinh tế, vượt 12 bậc so với năm 2016 (hạng 59). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhiều chỉ số còn thấp so với thế giới, cần có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Vươn lên trong bảng xếp hạng

Báo cáo GII được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp Trường đại học Cornell (Mỹ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) công bố hằng năm, đưa ra các đánh giá về trình độ ĐMST của mỗi quốc gia một cách toàn diện nhất, qua đó có thể nhận biết được kết quả và năng lực đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế. GII 2017 được tổng hợp từ 81 tiểu chỉ số, trong các lĩnh vực: Thể chế, tổ chức, nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển kinh doanh, đầu ra công nghệ và tri thức, kết quả sáng tạo. Qua đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế tham gia ngày càng nhiều vào một số chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, bao gồm cả những chuỗi trong lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đã tích cực cải thiện kết quả ĐMST, như làm nổi bật việc sử dụng các bài học tốt từ phát hiện GII gắn với những kết quả ĐMST quan trọng. Do đó trong GII 2017, Việt Nam vươn lên xếp hạng thứ nhất (từ vị trí thứ ba năm 2016) trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực bao gồm Đông - Nam Á, Đông Á, và Châu Đại dương, Việt Nam xếp thứ chín. Trong ASEAN, Việt Nam đã đứng trên Thái-lan và được đánh giá có thế mạnh trong bảy trụ cột: Đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp, đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp, đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục.

Tiến bộ đạt được ở hầu như tất cả các trụ cột của GII năm 2017 có thể nhìn nhận là kết quả chung của cả quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực ĐMST. Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những mục tiêu cụ thể gắn với các chỉ số đo đếm được theo các phương pháp chuẩn mực được thế giới công nhận.

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo

Theo chuyên gia cao cấp của WIPO, S.Vanh-xăng, Việt Nam đã có kết quả tốt của hai chỉ số chính là tăng trưởng năng suất (Việt Nam đứng đầu thế giới) và xuất khẩu công nghệ cao (duy trì vị trí thứ 4 từ năm trước). Việc nhập khẩu công nghệ cao và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cho thấy doanh nghiệp đang hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, thời gian qua Việt Nam có số đơn nộp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp tăng trưởng tốt theo thời gian. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một số chỉ số thấp cần khắc phục thời gian tới như: thể chế xếp ở thứ hạng 87; môi trường kinh doanh xếp thứ 113; thuận lợi nộp thuế xếp thứ 115; chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu xếp thứ 70; các công ty nghiên cứu và phát triển toàn cầu xếp thứ 43…

Bên cạnh đó, phân tích của giới chuyên môn cho thấy, trong vòng bốn năm nay, Việt Nam đang ở ngã ba giữa vị trí người lắp ráp và người sáng tạo. Các chỉ số đầu ra của Việt Nam phần lớn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến dòng vốn FDI. Chẳng hạn, một trong những lý do Việt Nam có kết quả cực kỳ tốt là xuất khẩu, sản xuất công nghệ cao, nhưng phần lớn các hoạt động này lại do các doanh nghiệp nước ngoài đóng trên các tỉnh, thành phố của nước ta thực hiện. Để các doanh nghiệp nội địa đóng góp thêm vào các hoạt động này, trong thời gian tới cần có nguồn nhân lực chất lượng cao được chuyển sang cho khu vực sản xuất, sáng tạo chứ không chỉ tập trung ở khu vực viện, trường và tăng cường liên kết giữa giáo dục và nghiên cứu và ĐMST trong doanh nghiệp. Cùng với đó Việt Nam cần tận dụng sức mạnh của sở hữu trí tuệ, để chính sách về sở hữu trí tuệ phát huy tác dụng được trong hệ thống chính sách về đổi mới quốc gia và tăng cường giáo dục để củng cố nghiên cứu và ĐMST.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Trần Quốc Khánh, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương với các hoạt động cụ thể như xây dựng Sổ tay hướng dẫn chi tiết về từng chỉ số GII; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chung cho các bộ, cơ quan và địa phương; tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện, hướng dẫn trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương; phối hợp chuyên gia WIPO và các tổ chức quốc tế để học hỏi về phương pháp và giải pháp cải thiện chỉ số GII. Trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả thực thi các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện thể chế; xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh. Cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, quan tâm đến việc phát triển các doanh nghiệp lớn có khả năng nghiên cứu và phát triển; tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, phát triển và ĐMST, tạo ra nhiều hơn việc làm có sử dụng tri thức…; tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực ĐMST và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Cần tập trung quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tài sản trí tuệ.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/34322602-can-giai-phap-tang-chi-so-doi-moi-sang-tao-quoc-gia.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3389

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)