Thứ năm, 26/10/2017 15:55 GMT+7

Cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn phát triển thành phố thông minh

Sáng 25/10, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh 2017 - Smart City 2017.

Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh 2017 - Smart City 2017

 

Smart City 2017 có sự tham dự của 450 đại biểu gồm lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các Bộ, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn đang quan tâm đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam và châu Á, lãnh đạo các DN chủ chốt trong các ngành như điện, nước, giao thông, môi trường, tài chính, y tế…; lãnh đạo các DN, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

Với mục tiêu góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đơn vị đi đầu về triển khai thành phố thông minh, đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Smart City 2017 đã chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC…

Hội nghị cũng tập trung vào ba chuyên đề chính gồm: Thành phố thông minh - Tầm nhìn của lãnh đạo các thành phố; Nền tảng Internet vạn vật cho thành phố thông minh; và Dịch vụ số của thành phố thông minh. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đưa ra các đề xuất giải pháp cụ thể về xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) để giải quyết các vấn đề mà thành phố đang quan tâm như trung tâm chỉ huy của thành phố, hệ thống giao thông, an ninh trật tự, môi trường, năng lượng, cấp thoát nước…

 

Xúc tiến hợp tác, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp CNTT cho đô thị thông minh bên lề hội nghị

 

Ở tầm phát triển vĩ mô, từ cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu "Triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 điểm theo tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn".

Từ chủ trương này, đến nay nhiều địa phương đã tìm hiểu và triển khai smart city theo các quy mô, hạng mục khác nhau tùy theo điều kiện và nhu cầu của từng địa phương. Cả nước đã có 20 địa phương bắt đầu triển khai đề án đô thị thông minh như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc), Lâm Đồng (Đà Lạt), Bình Dương, Hải Phòng và Cà Mau...

Liên quan đến các tiêu chuẩn cho thành phố thông minh, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã ban hành hàng trăm tiêu chuẩn liên quan đến việc vận hành một smart city, điển hình như ISO 37120, ISO/TR37150, ISO 37101, ISO 37102, ISO/TR37121, ISO 37151, ISO 37152... Nội dung các tiêu chuẩn này tập trung vào việc xác định tiêu chí, định hình phát triển bền vững thành phố thông minh, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng một số tiêu chuẩn khung, căn cứ hướng dẫn chung của ISO để hướng dẫn triển khai xây dựng smart city tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ có một bộ tiêu chuẩn thông minh để định hình phát triển bền vững đô thị thông minh; đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là mang lại cho người dân đô thị một tiêu chuẩn an toàn, an sinh tốt và an ninh được kiểm soát./. 

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/can-cu-the-hoa-cac-tieu-chuan-phat-trien-thanh-pho-thong-minh.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2007

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)