Thứ ba, 31/10/2017 15:03 GMT+7

Ấn tượng một đầu tàu nghiên cứu, phát triển và ươm tạo

Hoạt động của Khu Công nghệ cao TPHCM đã gây ấn tượng mạnh với hàng loạt đề án nghiên cứu khoa học được thương mại hóa thành công, hàng chục doanh nghiệp được ươm tạo.

Được giao trọng trách quản lý 5 phòng thí nghiệm về vi mạch bán dẫn, công nghệ nano, cơ khí chính xác và tự động hóa, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D) thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã nghiên cứu chế tạo và thương mại hóa thành công nhiều sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực như sinh hóa, cơ khí, điện-điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm…

Riêng trong 4 năm 2014-2017, Trung tâm R&D có 16 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, 12 bài trên các tạp chí trong nước. Số lượng sản phẩm mới từ hoạt động R&D tại đây cũng tăng lên nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2020, bình quân hàng năm có từ 70-100 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Theo ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D, Trung tâm là nơi đầu tư, tạo dựng môi trường thuận lợi cho nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đây, chuỗi giá trị gia tăng trong khâu R&D đã dần hình thành, đưa được kết nối quan trọng “đại học - doanh nghiệp” vào chuỗi giá trị.

Nói về mối hợp tác hữu cơ ấy, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch TPHCM (thuộc ĐHQG TPHCM) đơn cử: “Chương trình phát triển vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020 hướng tới 2030 đã lấy khâu thiết kế vi mạch làm trọng tâm. Theo đó, SHTP sẽ xây dựng Design House - nơi tập trung các phần mềm cao cấp dùng cho thiết kế. Đồng thời SHTP cũng đảm nhận xây dựng Lab-to-Fab (phòng thí nghiệm tới nhà xưởng) giúp các nhà thiết kế sản xuất thử hoặc sản xuất số lượng nhỏ nhằm phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng. Vì thế, ICDREC cũng như các lực lượng thiết kế khác đều có liên kết chặt chẽ với SHTP”.

Nhiều kỳ vọng vẫn còn để ngỏ

Thực tế, để có thể định hình được mô hình phù hợp với Việt Nam, SHTP cũng trải qua quá trình học hỏi, sàng lọc nhiều mô hình trên thế giới như Hsinchu (Đài Loan - Trung Quốc), Daedeok (Hàn Quốc), Kulim (Malaysia)…

Theo đúc kết từ kinh nghiệm của thế giới, một khu công nghệ cao thành công phải hội tụ 5 yếu tố gồm vị trí, ưu đãi đầu tư, cơ sở hạ tầng, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và mạng lưới quan hệ.

Trong đó, mạng lưới quan hệ không chỉ là mối liên kết với các khu công nghệ cao khác trên thế giới, hay liên hệ giữa các doanh nghiệp với các quỹ đầu tư và thị trường mà còn là mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. “Phải làm sao để kết hợp giữa R&D trong trường đại học phù hợp các doanh nghiệp và ngược lại các doanh nghiệp đặt hàng và tài trợ cho phát triển R&D tại các trường. Từ đó, các doanh nghiệp được chuyển giao, tiếp thu và phát triển năng lực cốt lõi của mình”, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP khẳng định.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Khu Công nghệ cao trung bình khoảng 80%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng GRDP 8% năm của toàn TPHCM thì cơ sở vật chất hiện tại phục vụ trực tiếp cho công tác nghiên cứu, khảo nghiệm sản phẩm vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế.

“Phòng thí nghiệm được đầu tư từ hơn 10 năm về trước đã bắt đầu xuống cấp. Lượng cán bộ, nhà khoa học đến làm việc khá nhiều, thường xuyên có hơn 60 người cùng lúc, chưa kể nhu cầu thí nghiệm của các doanh nghiệp và startups tại SHTP. Vì vậy không chỉ có phòng thí nghiệm, cả phòng làm việc cũng còn thiếu”, ông Ngô Võ Kế Thành nhận xét.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Công ty USM Healthcare cũng cho hay, đúng là Trung tâm R&D có phòng thí nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng với doanh nghiệp chúng tôi là đơn vị sản xuất thiết bị y tế thì những phòng thí nghiệm này chưa được trang bị đáp ứng đủ tiêu chuẩn để xét nghiệm và được các tổ chức quốc tế công nhận. Do đó, rất nhiều khảo nghiệm của doanh nghiệp phải thuê ngoài thực hiện, tốn kém thời gian và tài chính.

“Bệ phóng” cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Từ một đơn vị thành viên khác là Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, 45 dự án ươm tạo doanh nghiệp đã thành hình. Trong đó, có 23 dự án đã thương mại hóa sản phẩm thành công, 11 dự án cũng đã gọi được vốn đầu tư.

Tuy vậy, theo người đứng đầu Vườn ươm, Giám đốc Lê Thành Nguyên, nếu có cơ chế để Vườn ươm có thể chia sẻ lợi ích từ doanh nghiệp ươm tạo thì Vườn ươm sẽ còn tự chủ và phát triển mạnh hơn nữa. “Việc tham gia cổ phần của doanh nghiệp sau khi hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là việc làm rất bình thường của các vườn ươm trên thế giới. Tuy nhiên, hiện Vườn ươm doanh nghiệp Khu công nghệ cao đang là đơn vị sự nghiệp công lập, nên không có quyền góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Nguyên chia sẻ.

Dù không thể trực tiếp rót vốn cho doanh nghiệp nhưng cũng không thể phủ nhận phần hỗ trợ kết nối vốn từ Vườn ươm cho các startup tại đây. TS. Nguyễn Minh Sơn, cố vấn Công ty Cổ phần Vsmarttek cho hay “chuyện Vườn ươm hỗ trợ kết nối vay vốn tín dụng là rất quan trọng với start-up tại đây vì ngân hàng hầu như không mặn mà đầu tư vào dự án công nghệ khởi nghiệp”.

Còn ông Ngô Cự Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Giao thoa - nơi được nhận hỗ trợ cả trăm triệu đồng mỗi năm để mua sắm linh kiện, thiết bị dành cho sản xuất - cũng rất tự tin rằng doanh nghiệp sẽ phát triển tốt nhờ “bệ phóng” này, bởi “Vườn ươm là đầu mối kết nối doanh nghiệp với thị trường, tư vấn tài chính và tìm kiếm cả nguồn đầu tư”.

Thật vậy, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp tại đây đã được hỗ trợ về chính sách, về cơ chế vay vốn ưu đãi để triển khai hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm tự nghiên cứu và phát triển hoặc tiếp nhận từ chuyển giao công nghệ. Tính đến nay, các dự án nghiên cứu sản xuất đã tiếp nhận nguồn vốn tài trợ từ Nhà nước với hơn 500 tỷ đồng.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/An-tuong-mot-dau-tau-nghien-cuu-phat-trien-va-uom-tao/320359.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 2086

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)