Thứ năm, 16/11/2017 10:45 GMT+7

Năm 2017: Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp

Năm 2017, tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được thực hiện bài bản và phong phú hơn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhận được khoản đầu tư lớn và đã thành công.


Một công đoạn của quy trình thực hiện bảo quản nông sản bằng công nghệ Nano bạc- một trong những dự án khởi nghiệp thành công của Làng Agritech - Ảnh: VGP/Thu Cúc

 

Tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp

Nếu như năm 2016 là “Năm khởi nghiệp quốc gia” thì năm 2017 là năm tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, năm 2017 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp cả nước. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ của riêng một Bộ, ngành mà đã mở rộng ra nhiều Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và hiệp hội. Nhiều tỉnh, thành phố có hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Tháp...

TPHCM là một trong những địa phương đi đầu về hưởng ứng triển khai Quyết định 844 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, thành phố đã triển khai Chương trình hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp.

Sau 1 năm, Chương trình đã giúp kiến tạo và định hướng Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Chương trình cũng đã giúp hình thành mạng lưới hơn 60 cố vấn được đào tạo và định hướng bài bản, hỗ trợ các vườn ươm và trung tâm tăng tốc khởi nghiệp; kết nối các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư tài chính.

Để kết nối các Start up, ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp như: Tọa đàm “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh”; các buổi thuyết trình dự án khởi nghiệp. Đặc biệt, khai trương chuỗi hoạt động “Cafe Business Startup” nhằm tạo không gian kết nối các quỹ đầu tư với nhóm khởi nghiệp gọi vốn; tạo “sân chơi” chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng về khởi nghiệp cho sinh viên…

Còn theo ông Phan Văn Học - Chánh Văn phòng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam), năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm của hội là phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình thanh niên khởi nghiệp với các nội dung chủ yếu như tổ chức lớp tập huấn, đào tạo trực tuyến và trực tiếp về khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên, sinh viên; tổ chức sàn giao dịch ý tưởng sáng tạo thanh niên; thí điểm triển khai mô hình công ty hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…

Thay đổi tư duy về khởi nghiệp

Khởi nghiệp rất khó khăn và do vậy dễ thất bại. Nếu không có tinh thần chấp nhận thất bại, sẽ thật khó có thể hình thành một quốc gia khởi nghiệp. Theo khảo sát "Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đã cho thấy một chỉ số đáng mừng là ý nghĩ lo sợ thất bại trong kinh doanh ở người Việt giảm dần xuống. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ người trưởng thành sợ thất bại là 56,7%; năm 2014 là 50,1% và năm 2015 là 45,6%". 

Trên thực tế, trong cộng đồng khởi nghiệp đã xuất hiện nhiều chương trình, hội thảo nhìn nhận thẳng thắn về những về thất bại, ví như chuỗi chương trình "Fail Smar” hay như hội thảo Fail2Win. Có thể thấy thất bại trong khởi nghiệp đã được nói đến nhiều hơn với sự chia sẻ và tôn trọng. Đây là một sự chuyển biến quan trọng về nhận thức.

Bên cạnh đó, ngoài lĩnh vực mới đầy tiềm năng là công nghệ thông tin, năm 2017 khởi nghiệp còn thổi làn gió mới vào một lĩnh vực vốn rất truyền thống là nông nghiệp. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, song thực tế chưa đến 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong năm 2017, đã có không ít thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào đầu tư phát triển nông nghiệp với những cách làm mới, sáng tạo.

Điểm thú vị trong bức tranh khởi nghiệp nông nghiệp là sự đa dạng từ các nguồn lực tham gia. Ở đó, bên cạnh những thanh niên nông thôn vốn quen với nông nghiệp, đã xuất hiện thêm những nhân tố đến từ lĩnh vực công nghệ như Nguyễn Khánh Trình – người sáng lập Clever Ads với Trang trại Trung Thực hay Nguyễn Khắc Minh Trí với MimosaTEK.

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nông nghiệp vốn là một lĩnh vực đầy khó khăn, đầy rủi ro thách thức và vì rủi ro cao nên lâu nay ngay cả thu hút đầu tư của tư nhân hay nước ngoài vào nông nghiệp cũng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ở nông thôn đã bắt tay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và thành công. Thành công của họ không chỉ là đưa ra được những mô hình phát triển nông nghiệp mới mà làm nông nghiệp với chất lượng, an toàn cao, truy xuất được nguồn gốc. 

Không dừng lại với thị trường trong nước, bước đột phá lớn của cộng đồng khởi nghiệp đó là đã có nhiều dự án khởi nghiệp với quy mô toàn cầu, hướng tới phục vụ thị trường quốc tế. Điều này không chỉ khẳng định sự trưởng thành của cộng đồng khởi nghiệp mà còn là một tín hiệu vui cho công cuộc hội nhập của nền kinh tế. Những thành công của năm khởi nghiệp quốc gia sẽ là tiền đề để hướng đến mục tiêu năm 2020, Việt Nam có ít nhất một triệu doanh nghiệp tốt phát triển cùng đất nước.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nam-2017-Lan-toa-manh-me-tinh-than-khoi-nghiep/321887.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 2500

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)