Trồng hoa công nghệ cao giúp nông dân Hà Nội có thu nhập cao
|
Các “điểm sáng”
Tại Hội nghị tăng cường ứng dụng KH&CN phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao và bền vững diễn ra mới đây, ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội - cho biết, trong những năm qua, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp luôn được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Nhờ đó, đã giúp phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, an toàn thực phẩm, như các giống lúa chất lượng cao, nhãn chín muộn, bưởi Diễn, hồng Yên Châu, điều khiển các loại hoa lan, hoa ly ra hoa chủ động mà không phải di chuyển lên vùng lạnh...
Ban đầu, diện tích đất trồng hoa khoảng 2.700 ha, đến nay thành phố đã hình thành 50 vùng sản xuất tập trung chuyên canh với quy mô hơn 20 ha tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm… cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, tại huyện Đan Phượng, Hợp tác xã Đan Hoài và Công ty Flora Việt Nam đã đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nước, điều hòa nhiệt độ, độ ẩm để trồng các loại hoa cao cấp như hoa ly, hoa lan, cho doanh thu đạt từ 4 - 5 tỷ đồng/năm.
Hay mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất chất lượng, quy mô 200ha/vụ, triển khai tại 10 huyện đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Điển hình như tại huyện Thạch Thất, đã đưa giống lúa Kim Cương 111 vào gieo cấy tại 3 xã với quy mô 30ha, cho năng suất lúa bình quân đạt từ 60 - 66,7 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa thường từ 7 - 11 tạ/ha.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội - khẳng định, KH&CN đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, giá trị cao và bền vững của Thủ đô. Thực hiện chủ trương mỗi huyện phải có ít nhất một khu nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, toàn thành phố có 89 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 56 mô hình liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác lên 239 triệu đồng.
Phát huy hiệu quả
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ để tiếp tục tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hà Nội cần khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để làm cầu nối chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất; cần quy hoạch tốt các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng đổ xô cùng sản xuất một loại sản phẩm…
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Chuyên gia sinh học, nông nghiệp - cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vì là nơi tập trung của các trường, viện nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, Hà Nội cần mạnh mẽ hơn trong tiếp cận các nhà khoa học để chuyển giao những kết quả nghiên cứu cho bà con, từ đó, làm ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho chính nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô.
Theo ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - thời gian tới, Hà Nội cần tập trung mạnh cho lĩnh vực này, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính để những chính sách ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao thực sự phát huy tác dụng.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội: Hướng đi của thành phố là phấn đấu trở thành trung tâm lớn về sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước.
|
Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/dat-hoa-vang-nho-cong-nghe.html