Thứ ba, 28/11/2017 16:21 GMT+7

Xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo

Trong khuôn khổ sự kiện TechDemo 2017, ngày 24/12, tại Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc tế xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và xử lý môi trường.


Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Thế Phong

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, hội thảo này là một hoạt động chính nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện TechDemo 2017 tại Đà Nẵng nhằm góp phần thực hiện Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng.

Trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ.

Hiện nay, Nhà nước đã và đang thúc đẩy cải thiện hiệu quả phát triển năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ông Trần Văn Tùng, nhu cầu năng lượng nói chung, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang tăng trưởng với mức độ cao, cung cầu năng lượng, đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo nhiều hướng tiếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến và thân thiện với môi trường. Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển, một trong những vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường. Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.

Tại hội thảo lần này, các đại biểu đã tập trung xem xét, đánh giá thực trạng nhu cầu công nghệ và những giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường; trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm, cơ hội và tiềm năng hợp tác, đầu tư công nghệ năng lượng và bảo vệ môi trường của Việt Nam và các đối tác. Đồng thời, thảo luận các giải pháp thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của các địa phương; tiếp tục giới thiệu các công nghệ, kết quả nghiên cứu, sản phẩm KH&CN tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường của của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và hợp tác phát triển bền vững giữa các quốc gia.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Xuc-tien-hop-tac-dau-tu-va-chuyen-giao-cong-nghe-nang-luong-tai-tao/323000.vgp

Lượt xem: 1715

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)