Thứ ba, 02/01/2018 08:05 GMT+7

Nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ trong quản lý thương hiệu

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ trong quản lý thương hiệu – kiểu dáng công nghiệp và nghiên cứu nhằm triển khai công tác phối hợp hoạt động sở hữu trí tuệ trong ngành Công Thương”.

Toàn cảnh hội nghị

 

 

 

 

Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 298/CTPH-BKHCN-BCT ngày 9/2/2017 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương về hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2017-2020. Một trong những nội dung hợp tác là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật khoa học và công nghệ; đẩy mạnh khai thác, ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ; bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...

Hội nghị đã cung cấp các thông tin cơ bản nhất về văn bản quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ; cách thức để bảo vệ thương hiệu của sản phẩm hàng hóa, bảo vệ tài sản trí tuệ trong nghiên cứu khoa học... Thông qua hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp khai thác các kiến thức về sở hữu trí tuệ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phạm Thu Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, phòng chống xâm phạm sở hữu trí tuệ đã được quy định trong luật, nghị định và các thông tư. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mất bản quyền hay bị xâm phạm bản quyền xảy ra ngày càng nhiều. Vì vậy, chúng ta cần phải nâng cao sự hiểu biết về sở hữu trí tuệ để tuân thủ quy định của pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi của đơn vị mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Từ trước đến nay, ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa cao, không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh mà ngay cả người tiêu dùng cũng chưa có thói quen tẩy chay hàng hóa xâm phạm quyền. Nếu chúng ta không nâng cao ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác thì sẽ không tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh”- bà Phạm Thu Giang nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay: Thống kê từ năm 2012-2015, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả; đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó cảnh cáo 68 vụ việc, phạt tiền 23.197 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng và đã khởi tố 381 vụ việc với 553 bị can.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn- Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó thu thập chứng cứ vi phạm, đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, dù biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết; nhận thức của doanh nghiệp cũng chưa đầy đủ; đồng thời, đối với cán bộ thực thi công vụ, năng lực chuyên môn, kỹ thuật để nhận biết, kinh nghiệm còn thiếu…

 Đây là những khó khăn trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát thị trường kết hợp với phổ biến, tuyên truyền; tập huấn cho các cơ quan thực thi pháp luật; đẩy mạnh phối hợp thực thi giữa các cơ quan thương mại điện tử, quản lý thị trường, hải quan, công an, khoa học công nghệ…

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/nang-cao-kien-thuc-so-huu-tri-tue-trong-quan-ly-thuong-hieu.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2071

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)