Cơ chế một cửa quốc gia cũng như Cơ chế một cửa ASEAN là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/03/2015 của Chính phủ nhằm giảm thời gian làm thủ tục thủ tục thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trong lần thăm và làm việc tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ảnh: N. N
Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức, người dân không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính trước khi hàng hóa, phương tiện được thông quan, góp phần giảm bớt phiền hà, tiêu cực; chi phí chuẩn bị hồ sơ được giảm bớt, thời gian chuẩn bị hồ sơ được rút ngắn do chỉ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ điện tử để gửi cho tất cả các cơ quan liên quan thay vì phải sao lục nhiều lần; thời gian thông quan cũng được rút ngắn do các cơ quan nhà nước không phải mất nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu hồ sơ giấy mà việc này đã có hệ thống tự động hỗ trợ; tính chính xác, độ tin cậy của thông tin và hồ sơ được đảm bảo vì ít có sự can thiệp của con người nên hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước cũng được nâng cao.
Vì vậy, căn cứ vào nhiệm vụ thực thi, giải pháp cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo lường và đánh giá sự phù hợp của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang hoàn thiện, trình Bộ KH&CN ban hành, gồm:
Thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, lượng hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu;
Thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo nhóm 2 nhập khẩu;
Thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.
Theo ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, với việc ban hành cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính nêu trên sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh và minh bạch thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo lường và đánh giá sự phù hợp, góp phần vào việc thực hiện 10 chữ vàng của Chính phủ trong năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” .
Trước đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Tổng cục Hải quan đã phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn Kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Theo đó, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp, hồ sơ thực hiện nhất trong lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN. Việc triển khai thủ tục này trên Cơ chế một cửa sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là giảm thời gian, chi phí.
Đánh giá về kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tình hình thực hiện cơ chế một cửa giốc gia trong năm 2017 đã thêm mới 8 thủ tục hành chính, nâng lên thành 47 thủ tục. Trong quý 1/2018 sẽ chuẩn bị đưa 17 thủ tục mới lên cơ chế một cửa quốc gia.
Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/sap-ban-hanh-co-che-mot-cua-quoc-gia-trong-linh-vuc-do-luong-va-danh-gia-su-phu-hop-d136973.html